Tuổi già sao cho vui?

U70 vẫn hào hứng mùa lễ hội

24/12/2024 - 18:25

PNO - Thay vì buồn vì đã già, hãy lạc quan đón nhận mọi thứ để cuộc sống thoải mái hơn, dù ở bất cứ lứa tuổi nào.

Buổi sáng, trong lớp yoga, các chị hỏi nhau: “Đã check-in nhà thờ màu hồng chưa?”. Nhà thờ màu hồng là ngôi nhà thờ Tân Định, ở đường Hai Bà Trưng (quận 3, TPHCM), gần phòng tập. Mỗi năm, vào dịp Giáng sinh, nhà thờ được trang trí đèn điện lấp lánh, cộng thêm nền màu hồng nổi bật trở thành địa điểm đến thu hút mọi lứa tuổi.

Nhà thờ Tân Định rực rỡ trong mùa Giáng sinh (ảnh: Internet)
Nhà thờ Tân Định (TPHCM) ực rỡ trong mùa Giáng sinh

Tôi lắng nghe câu chuyện của các chị, vì một điều đặc biệt, các chị đều ở tuổi U70, tuổi mà nhiều người nghĩ đã “về chiều”. Các chị đều đã có cháu nội, cháu ngoại đề huề. Nhưng tinh thần thì trẻ trung chẳng khác gì tuổi đôi mươi. Tôi cảm giác các chị còn trẻ trung, yêu đời hơn cả tuổi trung niên của tôi. Hoặc có khi đến tuổi các chị, khi mọi thứ đã yên ổn, tôi cũng hồ hởi yêu đời như các chị.

Trên trang cá nhân của các chị là những bức ảnh đi du lịch, cà phê cùng bạn bè, những sở thích cá nhân như trồng cây, dạo bộ, làm bánh… Như một bức tranh với gam màu tươi sáng khiến người xem thêm phấn chấn.

Kết nối nhiều thế hệ giúp tinh thần luôn tươi vui (ảnh minh họa)
Kết nối nhiều thế hệ giúp tinh thần luôn tươi vui (ảnh minh họa)

Chị Hà, một trong số chị U70 bộc bạch: “Giờ có vướng bận gì nữa đâu, chỉ giữ sức khỏe thể chất và tinh thần. Sống cho vui vẻ mỗi ngày”. Vậy nên, mỗi ngày của chị đều là một ngày vui. Buổi sáng, chị đến lớp yoga, hoặc đi bộ trong công viên cùng hội bạn. Đến trưa về nhà cơm nước, lớn tuổi, ăn uống cũng đơn giản. Buổi chiều thảnh thơi chơi cùng con, cháu, xem phim… Có chị còn hồ hởi đón xem những trận đá bóng của đội tuyển Việt Nam, rồi có thêm những đề tài để trò chuyện với người cùng sở thích.

Tuổi già, không còn đi làm, nhưng vẫn kết nối với chung quanh để cuộc không không quẩn quanh, nhạt nhẽo.

Có chị kể, lên mạng mua chậu hoa họ bán online về chăm. Rồi cây ra hoa, gửi ảnh khoe với người bán, nhắn tin qua lại với nhau thành thân. Những niềm vui bé mọn vậy thôi nhưng rộn rã trong lòng, thấy mình không ủ rũ, già cỗi như tuổi U70 mà thời trẻ mình từng nghĩ.

Già hay trẻ không hẳn ở tuổi tác mà là ở ý nghĩ của mình. Một hiện tượng tâm lý có tên gọi self-fulfilling prophecy, nghĩa là khi bạn đặt niềm tin hay kỳ vọng vào một điều gì đó sẽ xảy ra, niềm tin ấy sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bạn và khiến điều ấy trở thành hiện thực. Nếu bạn nghĩ mình già thì chính ý nghĩ ấy sẽ khiến bạn trở nên nhanh già hơn.

Một nghiên cứu khoa học cũng cho kết quả rằng, những nhận thức tích cực về sự lão hóa ở độ tuổi trung niên có thể giúp tăng tuổi thọ lên đến 7,5 năm.

Có người sợ năm hết, tết đến, vì “mình lại già thêm 1 tuổi”. Tuổi già nhất định sẽ đến, bởi chẳng ai tránh được quy luật thời gian. Có một câu nói rằng: “Thứ gì không cản trở được thì hãy đón nhận”. Câu nói nghe có vẻ “nông toẹt”, vì mang tính lý thuyết, nhưng thực tình, có những vấn đề chỉ cần đơn giản hóa như vậy đã là cách giải quyết tốt nhất.

Có người mới ngoài 50, áp đặt ý nghĩ mình đã già, đã lạc hậu, để rồi đứng hẳn bên lề nhìn cuộc sống. Ngồi nói chuyện với lớp trẻ, thấy mình không nhanh nhạy bằng họ, lại nghĩ: “Mình già thật rồi”.

Có người còn trẻ nhưng do tính chất công việc ít giao tiếp, tự cho mình không còn phù hợp với những cuộc trò chuyện, hội hè bên ngoài, thành ra quanh quẩn ở nhà cho qua ngày. Càng kép kín đời mình lại, tuổi già hiện hữu rõ nét hơn qua sự chậm lại mỗi ngày, từ hành vi đến suy nghĩ.

Thay vì nghĩ mình đã già thật, hãy lạc quan đón nhận mọi thứ để cuộc sống thoải mái hơn, dù ở bất cứ tuổi nào.

Tôi thích nhìn cách các chị trong lớp yoga kết nối với nhau, chia sẻ với nhau chuyện sức khỏe, gia đình, những chuyến đi. Những mối quan hệ chân thành chung quanh sẽ mang lại niềm vui, sự cân bằng cần thiết cho bất cứ độ tuổi nào.

Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI