U70 là lúc sống cho mình

05/07/2021 - 06:00

PNO - “Càng về già, chúng mình càng yêu nhau” - đó là tự sự của cặp đôi Chu Chí Quang và Đỗ Thị Nhung. Hai người có hơn 40 năm kết hôn.

Đám cưới không được mẹ tác thành

Quang sinh ra trong gia đình gia giáo với người mẹ Hà Thành tài giỏi. Anh là người con thứ hai trong chín người con của gia đình. Ngay từ bé, mấy anh em đều cùng bươn chải, nỗ lực cưu mang nhau. Cả chín người con đều ngoan ngoãn và hiếu thảo. 

Vốn thông minh, ham học, nhưng việc học của Quang phải dừng lại khi chưa hết cấp III. Thời những năm 1970, 1980, Quang phải làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống và phụ giúp bố mẹ nuôi đàn em. 

Tính tình hiền hòa, chân thật, Quang xin được một công việc trong xí nghiệp xe khách 14, Bộ Giao thông. Tại đây, mọi người gọi anh là “Quang công tử” vì vẻ mặt điển trai, dáng cao ráo, tác phong đàng hoàng. Xung quanh anh rất nhiều bóng hồng.

Với ngoại hình bắt mắt, anh có điều kiện tiếp xúc với nhiều cô gái trẻ đẹp và gia thế. Thế nhưng Quang lại chọn Nhung. Trong mắt mọi người, đó là một cô gái kém tháo vát, không mau mồm mau miệng và xuất thân từ một gia đình rất nghèo. 

Ảnh ngày cưới anh chị cách đây hơn 40 năm
Ảnh ngày cưới anh chị cách đây hơn 40 năm

Mẹ Quang hay tin, bà không tán thành với sự lựa chọn của con trai. Người mẹ nào cũng thương con, mẹ Quang có lý khi bà lo lắng cho sự vất vả của con trai: “Nhà mình đã vất vả rồi, con chọn cô gái ấy lại càng vất vả con ơi”. 

Yêu nhau gần ba năm, anh quyết định cưới, dẫu không được mẹ tác thành. Một đám cưới chú rể phải tự lo. Ban ngày mời họ hàng thức ăn mặn, còn buổi tối bạn bè ăn tiệc bánh kẹo với nhau. Nghèo khó thật, nhưng chú rể vui vì đã vượt qua trở ngại để rước được người con gái mình yêu về một nhà. 

Trong gian nan mới cần nhau 

Khi về sống chung, vì nhà Quang đông người và quá khó khăn nên anh thi thoảng vẫn phải phụ giúp bố mẹ nuôi đàn em đang tuổi ăn tuổi lớn. Hồi đó, cả đại gia đình chung sống trong một ngôi nhà, anh chị được chia cho một căn buồng nhỏ. 

Biết bao nhiêu thứ phải đụng chạm trong hoàn cảnh như thế, tránh sao xô xát. Để giảm thiểu sự va chạm có thể, anh luôn động viên vợ: “Em ráng mọi việc nhé. Bố mẹ chỉ vì thương con, sợ chúng mình vất vả thôi. Em thấy đó, bố mẹ rất tốt, các anh chị em cũng thương em”. 

Nhung thấu hiểu những gì chồng nói, càng thương anh sâu đậm, bởi anh phải lo sống để không làm bố mẹ buồn, vừa phải cư xử sao cho vợ không chạnh lòng. Chị bụng bảo dạ: “Mình thật may mắn khi có người chồng như vậy. Càng thương yêu anh nhiều lắm”. 

Đến ngày anh xin phép ra ở riêng khi các em anh cũng cần không gian để lập gia đình, thì cũng là lúc sóng gió ập đến mái ấm nhỏ của anh. Kinh tế thị trường thay đổi, công việc đòi hỏi cơ cấu khác đi.

Anh mất việc, phải xoay sang nghề buôn bán. Anh mang sợi bông, thuốc lá, sữa bột… vào miền Nam, rồi mua vải, xà phòng… ra Bắc. Đi đi về về, giữa Hà Nội - Sài Gòn, có lúc anh thua lỗ, bị ép giá, mất hết vốn liếng. 

Ở nhà, chị đạp chiếc xe đạp cũ kỹ, lọc cọc 14 cây số đi làm ở xí nghiệp dệt len. Nhiều lúc xe hỏng hóc giữa đường nắng chang chang hoặc tuột xích giữa lúc trời đổ mưa, một mình chị loay hoay xoay xở vất vả khôn lường.

Nhưng khi nghĩ đến cảnh chồng “cơm đường, ngủ bụi”, chị chẳng bao giờ kêu ca, phàn nàn. Chị không than khổ, bởi nghĩ: “Anh còn khổ hơn mình, nếu anh biết anh sẽ suy nghĩ thêm”. Lần đầu mang thai, ăn uống thiếu chất, lại thêm vất vả, chị bị sẩy thai. 

Ba năm sau ngày cưới, anh chị có đứa con đầu lòng, niềm vui vỡ òa giữa lúc kinh tế tiếp tục eo hẹp. Thương vợ thiếu thốn, thương con bé nhỏ, anh tự nhủ “phải kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cho vợ con đầy đủ”. Một lần nữa anh vắt óc suy nghĩ, tính kế.

Đi buôn thì lỗ vốn, rủi ro rình rập, đường xa biết bao tai nạn. Thấy không ổn nên anh nghĩ cách kiếm tiền khác. Ở nhà có sẵn một số gỗ, anh mày mò thuê đóng giường tủ bán, thuê thợ về xin làm cùng, rồi học lỏm nghề mộc. Lãi lời không nhiều, nhưng đủ trang trải cuộc sống. 

Đứa con thứ hai ra đời, thêm nhân khẩu là thêm vui và phải thêm thu nhập. Lúc này, anh bàn với vợ nếu chỉ làm việc ở nhà thì công việc không ổn định và vẫn thiếu thốn. Thế nên, anh lại xin về làm ở ban kiến thiết cơ bản của xí nghiệp xe ngày trước. Dần dà, anh xin đi phụ xe, rồi dành dụm sửa cái xe cũ, cùng với một anh bạn chạy xe kiếm tiền. 

Mỗi sáng, chị nấu cơm, sắp cặp lồng cho chồng mang đi làm. Trong khi vừa có công việc ở xí nghiệp xe, vừa duy trì xưởng mộc ở nhà, anh “đầu tắt mặt tối”, rất vất vả nhưng kinh tế gia đình ổn định hơn. Chị thương anh đứt ruột khi thấy chồng cứ phải chạy đi chạy về, lo một lúc bao nhiêu thứ, kiếm đồng tiền khó khăn.

Thương chồng, chị tập trung vào việc chăm lo cho bữa cơm ngon lành cho chồng con, nhẹ nhàng với anh trong từng câu nói, mong sao anh đừng bận tâm gì với vợ con.

Anh tự nhận: “Mình nhiều áp lực, nhiều lúc quát vô cớ, nhưng vợ tốt tính nên không bao giờ để xảy ra điều gì. Biết vợ thế nên chẳng bao giờ làm gì để cô ấy buồn dẫu công việc của mình đôi lúc cũng đầy cám dỗ”. 

Anh Quang chia sẻ: “Sự khéo léo của người phụ nữ là rất quan trọng. Khéo léo ở đây là vợ mình không phải khéo mồm như người ta nịnh nọt, mà cái khéo ở đây là ăn nói rất nhẹ nhàng, không tranh cướp lời của chồng những lúc nóng giận”.

Khi chồng có điều sai trái thì dù giận mấy, vợ cũng vẫn đảm đang, nhà cửa sạch sẽ, cơm nước chỉn chu. Nhiều khi anh buồn chán không ăn nhưng thấy vợ nỗ lực để có “cơm dẻo canh ngọt” anh lại không đành lòng. Cuộc sống hôn nhân cứ thế trôi đi…

Càng già càng yêu nhau

Vất vả mãi cũng qua đi. Cuộc sống chính thức ổn định. 40 năm trôi qua, ở tuổi U70, anh chị đã lên chức ông bà nội. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh chị hãnh diện về cuộc hôn nhân ấy. 

Ngày ngày, nếu không có COVID-19 thì anh vẫn đạp xe, đi tập thể dục cùng với vợ. Anh kể, giọng buồn buồn: “Tôi luôn mong có những chuyến đi vòng quanh thế giới cùng vợ nhưng thời trẻ bọn mình quá nghèo. Nghĩ mà thương vợ, chẳng được đi đâu, bây giờ đỡ hơn thì sức khỏe kém rồi. Đi xa hay bị mệt, tàu xe hay say. Thương lắm”. 

Khi các con lớn dần và đã yên bề gia thất thì anh cũng buông bỏ bớt công việc để an dưỡng tuổi già. Anh nói: “Bây giờ mới là lúc yêu nhau đấy. Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Đi đâu cũng ngóng trông nhau”.

Có lẽ, vì vô ưu nên càng ngày dáng vẻ anh chị càng thư thái, vẻ mặt luôn mãn nguyện. Hỏi anh về bí kíp để đạt được bình an, anh nói: “Bọn mình chỉ mong sao có sức khỏe để cùng nhau đi nốt chặng đường đời. Không can thiệp vào việc của con cháu nữa, giúp được đến đâu thì giúp và phải để cho chúng tự đứng trên đôi chân của mình. Việc chính của mình là tham gia thể thao, giao lưu bạn bè, để tinh thần luôn sảng khoái”. 

Anh kể, nhiều bạn bè anh cứ bận bịu vất vả với con cháu, nấn ná hết việc này đến việc kia. Anh phải khuyên can họ: “Con cháu ai cũng thương, nhưng phải hiểu, nếu mình không khỏe mạnh, không vui vẻ thì chính chúng nó sẽ lại lo cho mình. Đặc biệt phải thương vợ mình, bây giờ các bà ấy có tuổi rồi, đừng lúc nào cũng phải chăm chăm lo cho con cháu”. 

Khi được hỏi về bí kíp của cuộc hôn nhân 40 năm đầy vất vả nhưng hạnh phúc, anh thổ lộ: càng có tuổi thì càng phải trân trọng nhau, suy cho cùng thì chỉ có hai người cùng nhau thôi. Con cháu yêu thương mấy thì cũng có cuộc sống riêng với bao điều lo toan. Hãy vận dụng câu nói “Cơm sôi bớt lửa” khi còn trẻ. Còn khi về già thì “Phải biết sống cuộc đời cho mình và biết buông bỏ việc của con cháu”. 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI