|
Phượt thủ U70 Hạnh Hòa đã chinh phục 19 ngọn núi và hang động |
Với 2 nghề đặc thù ấy, tôi đã đi nhiều hơn những bạn làm ở văn phòng đồng thời cũng được ngắm nghía nhiều hơn những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Lòng ham muốn đi khắp nơi cũng vì thế mà càng sinh sôi. Sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm, trèo non lội suối, có ngày đi về hơn 20 cây số là chuyện nhỏ khi bạn ở tuổi 20, thậm chí 40.
Nhưng tuổi càng dày, công việc thay đổi thì chuyện bạn ngồi mài quần trên ghế văn phòng sẽ càng nhiều. 2 chân của bạn chỉ được sử dụng nhiều hơn khi bạn lui tới… phòng gym. Nếu không, nó sẽ trì trệ dần hoặc mất luôn khả năng đàn hồi của các khớp. Cứ hỏi các vị hay than van đau khớp thì biết. Lên cầu thang chừng 10 bậc đã muốn ngồi ịch xuống rồi.
Tôi cũng từng trải qua cảm giác đau đớn này khi bị suy giãn tĩnh mạch do ngồi làm việc quá lâu. Để tự cứu mình, tôi đã đến phòng gym không sót ngày nào nhằm “luyện gân cốt” và khi thấy chân cẳng khá hơn một chút, tôi cho phép mình đi du lịch.
Muốn biết đá biết vàng, biết sức mình đến đâu, bạn phải tham gia những chuyến du lịch bụi, du lịch ít tiền. Bạn sẽ được đi bộ nhiều hơn để tiến thêm một bước nữa đến đỉnh của sự rèn luyện thân thể: tham gia những chuyến trekking băng rừng vượt núi bằng đôi chân mà người ta thường gọi là đi phượt.
Từ ô tô đến xe... "căng hải"
Các U55 trở lên thường đã về hưu rồi. Trông cháu, cà phê hưu trí mãi cũng chán, một hôm, bà bạn đồng cảnh ngộ réo: “Đi chơi không? Có tour ngắn ngày này hay lắm nè”.
Tour nhỏ gọn, kén khách, chỉ toàn đàn bà và tài xế cũng là đàn bà. Trên xe, chuyện nổ như bắp rang và đến nơi nào cảnh đẹp một chút là bà lại hô hoán cả nhóm xuống… ẹo để chụp hình (đấy là phototour của bà Dona Đỗ Ngọc).
Một chuyến đi như vậy, các bà trèo lên trèo xuống xe, chạy nhảy như gái tơ trên các cánh đồng cỏ hoa phơi phới, chui vào lùm bụi bất chấp sâu bọ rắn rết (thực ra sau khi chụp hình xong mới hú hồn hú vía nghĩ đến các con vật kinh dị đó), rồi lội sông, lội bùn… đủ cả. Chân cẳng cũng gọi là được luyện từ từ, lại có nhiều ảnh đẹp nên đi tour dạng này rất được lòng các mợ, các chị xinh đẹp và thích ăn ngon.
Đi tour bằng ô tô, ở khách sạn tiện nghi thì chưa gọi là phượt thủ được. Thế nên vài chị có máu phiêu lưu hơn bắt đầu nghĩ đến các chuyến trekking hoàn toàn bằng xe… “căng hải” (2 cẳng/2 chân). Một chị lân la hỏi thăm kinh nghiệm từ phượt thủ thứ thiệt: “Chị ơi, em tính đi cung Tà Năng - Phan Dũng vì nghe nói nó là đồi thoai thoải, ít phải leo trèo…”. Chưa nghe hết câu, chị phượt thủ đã ban cho một cái trề môi, lắc đầu: “Ôi giời, yếu ớt cỡ em mà đòi đi cung ấy à? Nó dễ thật nhưng với em thì luyện chân thêm 6 tháng rồi hãy nghĩ đến”.
|
Tác giả (thứ hai từ trái sang) tham gia vượt sông bằng bè nứa |
Luyện chân, theo chị, là leo lên leo xuống cầu thang bộ mỗi ngày khoảng 50 lần trở lên. Nếu tính thang 10 bậc thì sẽ là 500 bậc. Phải leo một hơi, các chặng nghỉ không được gần quá và tối đa 2 phút. Chừng nào leo lên leo xuống kể cả chạy mà thở không hụt hơi, chân không bị chuột rút, lưng không đau như bị đấm thì coi như luyện thành công. Ngán ngẩm chưa? Thôi thì quên Tà Năng - Phan Dũng đi. Các thí sinh phượt thủ U70 bèn nghĩ tới chặng leo ngắn hơn để thử, bèn đi đến núi Bà Đen.
Sau khi đi cáp treo lên đỉnh, “thí sinh” đi bộ xuống và leo lên 500 bậc thang để đến một chùa khác. Cuộc đi phải dừng chân nghỉ khoảng… 20 chặng và thở hào hển vang cả ngọn núi nhưng dù sao cũng vượt qua rồi dù khi về nhà, 2 bàn chân phồng rộp, lưng không thẳng nổi, phải dán cao kín mít. Kinh nghiệm rút ra: leo núi phải có giày chuyên dụng, không ăn no và uống nước quá nhiều…
Từ cái gì cũng đến... mặc kệ sợ
Phụ nữ có nhiều nỗi sợ kỳ quái khó giải thích, tuổi tác và nghề nghiệp chẳng giúp ích gì cho nỗi sợ này. Có khi một bà ăn được thịt lươn lại vô cùng sợ… giun; có bà diệt gián, diệt chuột rất hùng hổ lại sợ con thằn lằn ẽo ợt nằm tuốt trên tường. Nhưng tựu trung, đa số đều sợ sâu bọ, rắn rết, thằn lằn…
Đi lội rừng lội suối, khả năng gặp đỉa, vắt, sâu bọ, rắn rết là thường, nhất là vào mùa mưa rừng đầy lá mục, là hang ổ của chúng. Thế nên, các U70 phượt thủ loại gà mờ chỉ thích đi rừng vào mùa khô, khi ấy sâu đã hóa bướm bay từng đàn vừa đẹp vừa lãng mạn. Tất nhiên có những khoảnh rừng luôn ẩm ướt vì cây dày nắng xuyên không tới thì việc bị vài con vắt bám vào người cũng có thể xảy ra.
U70 lúc ấy vừa chạy vừa nhảy tưng tưng còn hơn U30, miệng la hét ầm ĩ; cá biệt hơn còn khóc rống lên cho đến khi bạn đồng hành vừa cười ngặt nghẽo vừa trấn an: “Thôi nào, tôi lôi chúng nó xuống hết rồi”.
Cuộc di chuyển kể từ phút ấy đầy nghi ngại, mắt thôi mơ màng nhìn hoa bướm trên cao mà cúi gằm xuống đất, miệng lầm bầm tụng kinh liên hồi. Phật trên cao nhìn xuống chắc cũng phải phì cười.
Mới đây, có cô bạn rủ tôi theo chân một công ty đi trồng cây gây rừng ở vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận. Nghe đến rừng là tôi ừ ngay, bụng nghĩ: rừng nhưng gọi là vườn chắc không có mấy con kinh dị ấy đâu. Nhưng đang mùa mưa, thêm vào đó, ban tổ chức dặn đem theo thuốc xịt côn trùng, vớ dài và áo dài tay, nón rộng vành để chống vắt nên tôi khá lo lắng, bèn chơi trò bói hoa.
|
Phượt thủ U70 |
Đi thì bị vắt bám chắc xỉu, mà mình từng xỉu vì vắt rồi. Không đi thì mất cơ hội ngắm rừng. Cuối cùng, bởi mê rừng quá nên máu liều nổi lên. Đi.
Tôi chống vắt như thế nào nhỉ? Xin các phượt thủ thứ thiệt kiếm dầu xoa bụng kẻo cười lăn như chị phượt thủ tôi quen khi nghe tôi liệt kê vật dụng chống vắt. Cập rập quá, không mua được tất dài để bó kín ống quần, tôi đem theo 1 cuộn băng keo to để băng chằng chịt những chỗ da thịt hở ra.
Trước khi lên đường, ngồi thộn mặt nhìn cuộn băng keo, tôi phải đấu tranh tư tưởng mãi để đừng làm trò băng bịt đó. Trời ơi, các bạn đồng hành của mình toàn quần lửng áo ngắn tay, mình làm vậy thật giống quái nhân, chỉ khiến cho họ cười. Thế nếu bị vắt bám vào thì sao? Thì bóp chết nó luôn chứ sao! Bà Liên, bà nặng hơn nửa tạ mà sợ cái con bé tí, trọng lượng chỉ tính bằng gam à?
Cuộc băng rừng leo ghềnh, xuống thác của tôi cuối cùng đã mỹ mãn mà không bị một con vắt nào bám vào người dù trước đó tôi có dặn một U30 đi sau mình: “Cháu ơi, nếu cháu thấy con gì nhúc nhích trên người cô thì cháu lặng lẽ nhặt đi giùm cô, đừng cho cô biết”.
Ơn trời, ơn rừng, suốt chuyến đi không có lúc nào cháu chạm vào người cô, chứng tỏ không hoàng tử vắt nào lai vãng. Mỹ mãn thế là cùng chứ gì!
Khi đi rừng, quan trọng nhất là độ bền của sức khỏe để tự chủ, không ảnh hưởng đến người khác. Cho nên, mới có chuyện phải “luyện chân” vì luyện chân là lúc ta biết mức độ sức khỏe tim mạch, huyết áp, phổi, khớp gối… của bản thân. Leo cầu thang giỏi, bạn sẽ leo được các dốc núi, trèo qua các lối mòn cheo leo, khúc khuỷu, tuy có chậm hơn so với các U30, U40. Đừng quên bạn đã U60, U70 rồi nên các sự cố vẫn có thể xảy ra trên hành trình. Các phượt thủ thứ thiệt kinh nghiệm là thế mà vẫn trượt ngã, thở ra bằng tai, xuống dốc bằng mông, bị thương bầm dập…; huống gì các phượt thủ gà mờ đi được 4km đã là một kỳ tích. Tôi hơi bị liều khi vượt sông bằng bè nứa dù không biết bơi. Tuy ỷ lại có nhiều U30 đi cùng sẵn sàng túm cổ mình đưa vào bờ nhưng vài phút ngồi trên bè khiến tim tôi đập loạn xị. Ngủ trong lều, lán giữa rừng cũng là một vấn đề. Tôi đã bị một con kiến cánh chui vào tai lúc giữa đêm khiến cả nửa đêm còn lại thức trắng vì sợ và tìm cách… dụ nó ra. |
Phạm Thị Ngọc Liên