Ừ, sửa soạn để làm gì? Tiền mua mớ kem dưỡng da, kem chống nắng rẻ cũng đôi trăm, mắc cả bạc triệu hoặc chục triệu, tiền đó, mua thêm tấm áo cho con, món ngon cho chồng, hay bỏ vào quỹ tiết kiệm, phòng khi đau bệnh.
Sửa soạn để làm gì, khi mỗi ngày hai bận bôi bôi trét trét mất thời gian, mà có phải chỉ bôi trét không đâu, còn phải nhớ kỹ lọ nào bôi trước, lọ nào bôi sau. Như tối thì đầu tiên là tẩy trang, mới đến sữa rửa mặt, lau khô thì nào nước hoa hồng, nào serum, nào kem dưỡng… Sáng, có bỏ một số bước thì cũng phải dưỡng ẩm rồi kem chống nắng…
Thời gian của phụ nữ có chồng con quý như vàng, thời gian của phụ nữ U40 có chồng có con, có công việc ổn định, càng quý.
Sáng ra, trăm công ngàn việc từ nấu ăn sáng, đánh thức con, thay đồ, cho con ăn, chở con đi học. Đến cơ quan, gặm vội chiếc bánh mì rồi cắm mặt vào máy tính cho các dự án, các kế hoạch, đối tác… Chiều đón con về nấu cơm, tắm rửa, lại cho con ăn, dạy con học, dỗ con ngủ đã hết hơi.
Con đi ngủ, nằm dài trên giường, vừa thả lỏng người vừa nghĩ mai ngày ba bữa nấu gì cho cả nhà? Đồng phục đi học của con, quần áo đi làm của chồng đã thẳng thớm chưa? Cái kế hoạch gửi lúc chiều có đúng ý sếp chưa? Mà đã xong đâu, khi chồng đòi, phải chiều ổng một tý. Không chiều, có khi gia đình tan nát, khổ cả mẹ lẫn con. Nên phụ nữ U40 vừa có chồng, vừa có con, vừa có công việc, thời gian đâu? Tiền đâu?
|
Phụ nữ có chồng con sửa soạn để làm gì? - Ảnh minh họa |
Sửa soạn sợ… chồng ghen
Tiếp theo, sửa soạn để làm gì? Chồng đó, con đó, ngày nào lại không gặp, có sửa soạn đẹp hơn cũng vậy, nhìn hoài, chả lẽ không biết trên mặt có bao nhiêu cái mụn, bụng có bao nhiêu ngấn mỡ?
Nhiều khi bận chiếc đầm mới, tô xíu môi son hay xức tý nước hoa, chồng đã lườm nguýt, tưởng tòm tem thằng khác, tưởng diện cho thằng khác, rồi ghen bóng ghen gió, lại mệt. Chưa kể quan niệm của mọi người thường là cứ hễ chỉn chu một chút, người thân thân sẽ hỏi tại sao thay đổi, người không thân lại xì xào to nhỏ chắc muốn cưa cẩm sếp hay nhân viên trẻ trong công ty. Lại nhức đầu. Sửa soạn làm gì để lỡ một ngày không vui nào đó, cha mẹ chồng hay cha mẹ ruột nạt thẳng vào mặt: “Làm vợ, làm mẹ mà bỏ mặc chồng con chỉ chăm chăm lo cho bản thân”.
Tôi có cô bạn, thu nhập không dưới trăm triệu một tháng, trong khi anh chồng đi làm chỉ đủ tiền xăng, tiền ăn sáng. Một trăm triệu đó, bạn chia rất rõ ràng cho ba mẹ bao nhiêu, hai đứa cháu mất mẹ mà bạn đang nuôi giúp anh trai bao nhiêu, chồng ăn thế nào, cho con học thêm những gì. Ba mẹ, chồng, con, cháu, bạn hào phóng mua đồ này đồ kia, vài trăm ngàn đến một triệu là bình thường, nhưng với bản thân mình, bạn tính từng đồng.
Quần áo, giày dép của bạn không cái nào giá quá hai trăm ngàn. Mỹ phẩm thì ngoài chai sữa rửa mặt, bạn chỉ dám mua "nhõn" một cây son môi, khi nào dùng hết, mới cân nhắc chuyện mua cây tiếp theo. Nước hoa không, kem dưỡng không, dưỡng thể càng không.
May là bạn xương nhỏ, dáng dong dỏng cao nên dù mặc đồ rẻ cũng không khiến người ta ngại mắt. Bạn luôn bận quần dài, áo có tay, thỉnh thoảng mới thêm cái áo khoác. Người không thân nghĩ bạn kín đáo. Người thân thì mỗi lần thấy bạn vén tay áo hay xắn ống quần lên, lại xót, lại thương, lại giận. Da tay, da chân của bạn khô, thâm, sạm, thậm chí còn có những chiếc vảy nhỏ. Tháng 12, khi những cơn gió heo may thổi về, da mặt bạn cũng khô, bong lên từng mảng.
Thấy bạn như vậy, tôi hay rù rì rằng, 60 triệu mà bạn đang chi cho tất cả thành viên trong gia đình mỗi tháng (bạn cắt hẳn 40 triệu cho quỹ tiết kiệm), bạn nên siết mỗi người một ít, dành lại khoảng ba triệu để lo cho bản thân. “Mình không lo cho mình thì không ai lo cho mình hết”, và “mày xứng đáng được tiêu một ít trong số tiền mình kiếm được”- tôi bảo.
Những lần như thế, bạn nhìn tôi như thể người ngoài hành tinh: “Tao tính hết rồi. Ba triệu đó có thể làm được khối việc”. Ừ, khối việc đó đều dành cho người thân của bạn, không có việc nào để bạn chăm chút hay tái tạo bản thân.
|
Phụ nữ không chăm sóc, nhan sắc rất nhanh "sập xệ" - Ảnh minh họa |
Đến con cái cũng xấu hổ vì mẹ
Tôi lại biết một cô bạn khác, vợ chồng thu nhập cũng tròm trèm con số trăm triệu, nhưng dù ở nhà hay ra đường, thậm chí khi lên giảng đường, đứng trước hàng trăm sinh viên, bạn cũng không sửa soạn gì. Ở nhà bạn bận những bộ đồ cũ nát, nhàu nhĩ. Ra đường, hoặc bạn mặc định với chiếc áo dài đồng phục của khoa, hoặc mặc tới mặc lui những bộ đồ từ năm nảo năm nào. Mỗi lần dự tiệc cùng cơ quan chồng, nhìn bạn như một bà nhà quê lọt thỏm trong dòng người quần là áo lượt.
Con trai của bạn đang học lớp Bốn, không hiểu sao, mỗi lần mẹ đến đón, chưa kịp yên vị trên xe đã giục mẹ nhanh chóng rời cổng trường. Ban đầu bạn cũng thắc mắc, nhưng công việc cứ thế cuốn đi, rồi quên luôn.
Đến một chiều, tan học, cu cậu không đi về phía mẹ mà cứ đứng im một chỗ. Bạn thắc mắc, đến gần thì cậu tránh đi. Bạn nổi nóng, quát lên thì cậu bé rơm rớm bảo: “Lần sau mẹ không cần đón nữa, con tự về”. Bạn giận điên người, lôi con lên xe rồi về nhà làm ầm lên.
Nhưng phải đến khi chồng vào cuộc, bạn mới biết cu cậu bị bạn bè chọc: “Mẹ bạn xấu và giống người nhà quê”. Nghe con nói, bạn giật mình nhìn lại mình trong gương: 37 tuổi mà da đã sạm đi, trên mặt xuất hiện đồi mồi và những nếp nhăn ở đuôi mắt, khóe miệng. Nhìn xuống tay chân thì thô cứng, không còn mịn màng trắng trẻo như xưa. Nghĩ đến những nỗi khổ của bản thân, đến những cố gắng gom góp cho gia đình, để đổi lại phản ứng của con, bạn bật khóc.
May là chồng bạn hiểu chuyện, từ lâu anh đã khuyên bạn nên chăm chút bản thân, mua thêm vài bộ đồ đẹp, tậu thêm vài chai tinh chất dưỡng da, bạn tiếc tiền nên không mua. Nhân phản ứng của con trai với mẹ, chồng bạn kéo bạn đến trung tâm mua sắm, chọn cho bạn vài chiếc đầm hợp tuổi, nhờ nhân viên tư vấn bộ mỹ phẩm giá vừa túi tiền, lại dắt bạn đến tiệm tóc, kiên nhẫn chờ thợ uốn uốn, nhuộm nhuộm.
Khoảng tuần sau, tan học, con trai bạn tròn mắt nhìn mẹ trong chiếc đầm chấm bi nhỏ, mái tóc chỉn chu. Cậu cười đến mang tai, vừa khen mẹ đẹp, vừa cố ý kéo mẹ nán lại nói chuyện trước cổng trường để “khoe” với bạn bè.
Mình không yêu mình thì ai yêu mình?
Cô bạn thu nhập trăm triệu của tôi không vượt qua nhẹ nhàng như vậy. Trong đám cưới của cháu gái bên chồng, dù cố tình diện áo dài trong tiệc chính, nhưng trong mâm cơm cùng họ hàng, bạn vô tình để lộ những vết thâm sạm ở tay, những vết bong tróc trên mặt, cùng vẻ ngoài già dặn hơn chồng, nên nhận được không ít góp ý thẳng thắn lẫn bóng gió của họ hàng nhà chồng.
|
Nếu bạn không yêu thích chính mình, thì sẽ không ai yêu bạn được nữa - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock |
Một người bạn thân lâu năm của anh chồng từ nước ngoài về, cũng nhầm tưởng bạn là chị gái chồng, khiến bạn vừa giận vừa xấu hổ. Sau chuyện đó, bạn đến gặp tôi, ra tối hậu thư: “Mua giúp mình một bộ mỹ phẩm trong vòng một triệu”. Nghe định mức số tiền, tôi thở dài một hơi, tự nhủ: “Thôi, ít nhất bạn cũng có thay đổi, từ từ rồi cải tạo tiếp”.
Nói vậy, bởi tôi cũng đã từng như thế. Tôi từng nghĩ lập gia đình và có con rồi, thì không cần phải làm đẹp nữa, nên đâm ra lơ là bản thân. Cho đến một ngày, khi tham gia tiệc công ty cùng chồng, nhìn các nữ đồng nghiệp vừa trẻ vừa đẹp, vây quanh anh, tôi mới giật mình. Do được tôi chăm sóc chu đáo, nên trông chồng không thua kém ai trong công ty, nhưng tôi thì ngược lại. Không ít người trong bữa tiệc còn tưởng nhầm tôi là chị gái của ai đó ở quê mới lên, được em gái/em trai mang đến dự tiệc cho biết với người ta.
Điều đó khiến tôi quyết tâm thay đổi. Trước, có mười đồng, tôi dồn hết cho chồng, cho con. Giờ, tôi dành cho con bốn đồng, cho chồng ba đồng, ba đồng còn lại, tôi sắm sửa cho bản thân. Ban đầu, vài người bạn không hiểu, cứ thắc mắc mãi về sự thay đổi đó. Tôi chỉ cười mà không giải thích. Bởi hơn ai hết, tôi nhận ra, nếu tôi không yêu thương mình, thì sẽ không còn ai có thể yêu mình được nữa.
Huỳnh Hằng