Ủ phân để trồng rau cho gia đình: Dễ ợt!

21/02/2020 - 07:16

PNO - Nếu biết cách, chúng ta sẽ biến những thực phẩm dư thừa thành phân hữu cơ với hàm lượng dinh dưỡng cao để trồng cây.

Nếu biết cách, chúng ta sẽ biến những thực phẩm dư thừa như các loại rau, vỏ trái cây, cơm nguội, bã trà, cà phê... thành phân hữu cơ với hàm lượng dinh dưỡng cao để trồng cây. 

Những rổ rau mầm mơn mởn 

Hai cô Lê Thị Hòa và Nguyễn Thị Kim (P.4, Q.Gò Vấp, TP.HCM) sáng nay đi tập thể dục trễ vì phải tranh thủ thu hoạch rau. Cô Hòa khoe ba rổ rau mầm xanh mướt vừa mới cắt: “Rau mầm này tôi tự tay gieo hạt và chăm sóc gần tuần này. Ngoài phân hữu cơ tôi ủ thì rau chỉ cần… uống nước”. 

Cô Hòa cho biết thêm, từ ngày cô biết cách ủ phân hữu cơ, rau sạch ăn không hết, thi thoảng còn đem biếu cho bà con hàng xóm, ai ăn cũng khen ngon. Trên sân thượng nhà cô, một vườn rau xanh tốt với đủ các loại rau thơm, hành, ngò, ớt, mồng tơi, khổ qua, đu đủ… Nhờ có phân hữu cơ cô tự ủ mà các loại cây rau đều xanh tốt. 

Cô Hòa và cô Kim thu hoạch rau xanh
Cô Hòa và cô Kim thu hoạch rau xanh

Cũng như cô Hòa, cô Kim cho biết, nhà không rộng rãi nhưng cô thích trồng hoa. Mấy tháng qua, học được cách ủ phân hữu cơ nên cô lại có thêm sở thích trồng rau để vui tuổi già, vừa không bỏ phí nguồn “rác” thải lại vừa có rau sạch để ăn. 

Rời nhà cô Hòa, chúng tôi đến thăm nhà cô Nguyễn Thị Đào, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 5, P.4, Q.Gò Vấp. Trên chiếc kệ inox cũ cô đặt nhiều vỏ hộp sữa để trồng rau mầm. Cô Đào cũng là một trong những người tiên phong tham gia lớp học làm phân hữu cơ. Sau khi học và thực hành thành công, cô Đào tận dụng khoảng trống sân nhà, 

ban-công để trồng rau, hết đợt này đến đợt khác. Ngoài rau mầm, cô Đào còn trồng thêm rau muống, cải ngọt, mồng tơi, đậu xanh… Nhờ vậy mà nhà cô chẳng bao giờ phải đi chợ mua rau.

Thấy cô Đào trồng rau, bà con trong xóm cũng học tập và làm theo. Đến nay cô đã hướng dẫn cho hơn 10 chị em cùng làm. 

Ủ phân từ thực phẩm dư, thừa

Nhiều chị em ngại việc ủ phân từ thực phẩm dư thừa sẽ gây mùi hôi, nhưng phó giáo sư - tiến sĩ Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cho biết: “Phân hữu cơ được ủ từ thực phẩm sẽ có mùi thơm nhẹ và có hàm lượng dinh dưỡng cao”. 

Với cách làm đơn giản, chỉ cần thái nhỏ từ 1-2cm, trộn chung với xơ dừa tỷ lệ 1:1, cho thêm men vi sinh, đảo đều rồi cho vào một cái xô có đục những lỗ nhỏ trên thân và dưới đáy cho thoáng khí; mỗi tuần đảo một lần để quá trình lên men được đều, chỉ sau bốn tuần sẽ thu được hỗn hợp phân hữu cơ sạch, có thể trồng các loại cây, rau trong gia đình. n

Chị Lâm Kim Phụng, Chủ tịch Hội LHPN P.4, Q.Gò Vấp cho biết, Hội phối hợp với Trường đại học Công nghiệp tổ chức dạy cách làm phân hữu cơ, lớp đầu tiên có 12 chị tham gia, nhưng đến nay, sau bốn lớp đã hơn 100 người. Nhiều chị còn hướng dẫn lại cho bà con trong xóm cùng làm để vừa không lãng phí thực phẩm, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức sống xanh trong cộng đồng.

Quy trình ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình 

- Chuẩn bị các nguyên liệu dùng để ủ phân (loại bỏ các tạp chất như ni-lông, kim loại, thủy tinh…).
- Dùng dao băm nhỏ nguyên liệu kích cỡ 1-2cm (tránh băm nát quá, sẽ làm mất độ xốp). 
- Trộn mùn xơ dừa và nguyên liệu ủ theo tỷ lệ 1:1 theo thể tích. 
- Bổ sung 20g men vi sinh và 1.000ml nước cho mỗi xô nguyên liệu (loại xô 20 lít), phun đều bề mặt xô. 
- Xô ủ đục lỗ quanh thành khoảng cách tương đương 2cm và 6 - 8 lỗ ở đáy. Sau khi cho nguyên liệu ủ vào xô, đậy nắp. Đáy xô lót một lớp xơ dừa. Tránh để mưa làm ướt nguyên liệu. 
- Đảo trộn phân ủ định kỳ 7 ngày/lần, trong 4-6 tuần. 
- Kiểm tra độ ẩm theo phương pháp nắm tay, đánh giá mùi và màu sắc. 
- Khi kết thúc quá trình ủ phân, dùng sàng lỗ 1-2cm rây lấy phần tinh (phân mùn) để trồng cây. 
- Phần trên sàng trộn cùng nguyên liệu cho ủ mẻ tiếp theo. 

* Lưu ý: nguyên liệu phù hợp để ủ phân là các loại rau, củ, quả và vỏ của nó, thực phẩm thừa như bã trà, bã cà phê, cơm, đậu phụ… và các nguyên liệu khác như lá cây, hoa tươi… 
Không nên dùng rau, củ đã qua chiên xào vì có chứa dầu mỡ; các loại hạt cứng, vỏ mít, vỏ dừa, thơm, chanh, cỏ dại, gỗ, tro, giấy báo... 

Có thể sử dụng men vi sinh EM Fert-1, mua tại Công ty cổ phần kỹ thuật Sao Mai 254/5/128 Lê Văn Thọ, P.11, Q.Gò Vấp.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI