Ừ nhỉ, sao không cứ “chill” đi!*

07/08/2020 - 19:47

PNO - Gần 100 ngày giãn cách trước kia, chúng ta kịp nhận ra con người cần biết bao cuộc sống với những người khác.

Chúng ta nhận ra điều đáng sợ nhất không hẳn là cái chết, cái đói hay bệnh tật mà chính là rơi vào cõi thiếu niềm vui, thiếu tình người, thiếu lạc quan, chìm đắm trong hoảng loạn, đau đớn, tuyệt vọng một cách vô lý. Chúng ta đã từng làm được rồi và sẽ làm được nữa phải không?

Chúng ta đã có những ngày tết Canh Tý 2020 bàng hoàng, khi trên bếp nồi thịt kho tàu hãy còn nóng, trên bàn thờ ông bà hoa chưa tàn, trái cây cúng hãy còn tươi. Nụ cười hãy còn trên môi người già trẻ nhỏ, đã phải vội vội vàng vàng dàu dàu lo lắng. Ai nấy ở yên trong nhà nếu không cần thiết ra đường, trường học đóng cửa, hàng quán nghỉ bán, công xưởng hoạt động cầm chừng… Bao nhiêu người cả ngày chân chỉ bước từ sau bếp ra bậu cửa. Quanh quẩn với những món ăn, trang sách, ti vi rồi hoa cỏ…

Chúng ta đã bảo ban nhau cúi xuống từng cành cây ngọn cỏ xung quanh nhà để lắng nghe cuộc sống, tìm ra những điều thú vị. Chúng ta đã bảo ban nhau dọn dẹp nhà cửa quang quẻ, nói chuyện nhiều hơn với những người thân yêu thương của mình vì đâu phải lúc nào cũng có thể “nhìn thấy nhau” lâu đến vậy. Chúng ta đã bảo ban nhau cùng nhìn về ngày mai. Và chúng ta đã cùng nhau đi qua những tháng ngày nặng trĩu ấy.

Ngày lệnh giãn cách xã hội được tháo gỡ, niềm vui vỡ òa khắp chốn. Những đứa trẻ - luôn mong được đừng đến trường trong những ngày bình thường - đã hớn hở dậy sớm, nai nịt chỉn chu, thập thò chờ trời mau sáng để gặp bạn bè, thầy cô, trường lớp, dẫu rằng chiếc khẩu trang lúc ấy vẫn còn che kín mặt. Những người lớn bộn bề căng thẳng trong công việc bắt đầu thèm trở lại những sớm mai ngủ nướng, thong thả nhấp từng giọt cà phê cũng háo hức được gặp đồng nghiệp, cười xòa nói dăm ba câu chuyện đông tây vu vơ bên bữa cơm văn phòng ở một góc quán quen nào đó. Những cụ già thèm lắm rồi không khí công viên lúc cả thành phố vẫn còn ngái ngủ, đưa tay đưa chân theo tiếng nhạc dưỡng sinh của nhóm bạn đồng niên…

Thế mà, như con quái vật gớm ghiếc chỉ có trong câu chuyện kể hằng đêm cho trẻ, cơn đại dịch, quay trở lại, nhanh chóng và nguy hiểm khôn lường. Chúng ta lại ít nhiều sợ hãi. Nhưng lần này đã khác, có “kinh nghiệm chiến trường” hơn, nên mọi người bình tĩnh hơn. Những lời nguyện cầu bình an, đi kèm lời khuyên, thông tin “rất ư khoa học” được truyền cho nhau, ngay cả khi những con số báo kết quả xét nghiệm dương tính ngày càng tăng, khi đã có những người ra đi…

Gần 100 ngày giãn cách trước kia, chúng ta kịp nhận ra con người cần biết bao cuộc sống với những người khác. Chúng ta nhận ra điều đáng sợ nhất không hẳn là cái chết, cái đói hay bệnh tật mà chính là rơi vào cõi thiếu niềm vui, thiếu tình người, thiếu lạc quan, chìm đắm trong hoảng loạn, đau đớn, tuyệt vọng một cách vô lý. Chúng ta đã từng làm được rồi và sẽ làm được nữa phải không? Nhất định không chạm tay vào cõi đáng sợ ấy.

Mấy hôm trước, tôi nhớ mình không thể kìm được cơn xúc động khi xem một clip được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Một bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít, vỗ tay giữ nhịp hát cùng bệnh nhân bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng. Sau lớp khẩu trang kín mít, giọng hát vẫn vút cao khỏe khoắn đầy nội lực. Nội lực của tinh thần lạc quan vì người khác lan tỏa, đi thẳng vào nơi sâu kín nhất của tâm hồn con người, khiến ai xem cũng bật lên thành hai từ giản dị mà có sức nặng ngàn cân: thương quá! 

Cách đây vài tuần, những bạn trẻ là du học sinh Việt Nam hiện vẫn đang ở nước ngoài, đã tổ chức các cuộc thi, phong trào nghe tên rất…cưng như “Phong tỏa để lan tỏa” hay “Chuyện đâu còn đó, chill đi chớ phải lo” nhằm “thổi bay” những áp lực và căng thẳng trong cuộc sống, những tất bật của công việc, trong mùa dịch. Đó là những món quà tinh thần vô giá, trở thành động lực cổ vũ, khích lệ mọi người giữa những ngày căng thẳng này. Ừ, lo thì lo nhưng cứ “chill” đi nhỉ!

Cũng mấy hôm nay, lại “lùm xùm” chuyện đăng hình ảnh các bác sĩ trên Facebook cá nhân với hashtagbaovebacsi của một nhãn hàng sữa - như là hình thức quảng cáo của nhãn hàng ấy. Mỗi cá nhân chia sẻ là góp vào quỹ dành cho nhân viên y tế 10.000 đồng. Và dù có nhiều ý kiến hoài nghi không đồng tình về tính minh bạch của chương trình nhưng hình ảnh ấy vẫn được chia sẻ liên tục. Tôi biết, nhiều người trong số ấy vẫn chưa rõ tường tận về chương trình. 

Tôi biết, có rất, rất nhiều người đã hưởng ứng những lời kêu gọi mang tư cách cá nhân, dù cho cá nhân đó là người mà họ không hề quen biết hoặc chỉ là bạn Facebook của nhau. Kệ, với họ, miễn hướng được về những tuyến đầu thương yêu, là thấy an lòng.

Thật biết ơn điều đó! Biết ơn cái thứ luôn ấm nóng dù ngoài kia lạnh lẽo như thế nào vẫn cứ vẹn nguyên gõ những nhịp đều đặn bên trong ngực trái của con người: trái tim. Hãy để trái tim cảm nhận và lên tiếng! Nếu sai thì sao? Vẫn là cái sai của tình thương lòng trắc ẩn - cái chứng chỉ duy nhất để con người có thể dựa vào và ngẩng cao đầu mà bước tiếp.

Cuộc sống con người có bao giờ đơn giản như là bài toán 1+1 = 2 đâu. Tính toán, xét đoán là cần thiết nhưng đôi lúc hãy để trái tim làm việc của nó. Như người ta vẫn hay “sến súa” hãy tin cái gì từ trái tim ắt hẳn sẽ đến những trái tim.

Tháng Tám là thời điểm hằng năm cứ nghe những câu văn nhẹ nhàng vang lên trong tâm trí, tựa như nhịp thước khe khẽ của ông giáo dạy vỡ lòng ngày ấu thơ: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh…” là lúc bắt đầu một năm học mới.

Năm nay, tháng Tám đã đến mà trẻ cuối cấp còn phập phồng cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có an toàn không, lây nhiễm bệnh không… Vậy mà, nụ cười nước mắt cho ngày tạm biệt thời áo trắng vẫn cứ tràn khắp.

Những tấm hình kỷ yếu hồn nhiên xinh xắn, những bức ảnh “dìm hàng” được tải lên Facebook của học trò tôi với rộn rã tiếng cười. Những ly chè đậu đỏ được vét đến hạt cuối cùng vì “cô nói ăn hết là đậu đỏ choét luôn!”. Những nụ cười trong veo nối dài trên dãy hành lang hun hút ngày học cuối.

Chiều hôm nay tôi pha ly cà phê nóng, ngồi bên trong khung cửa sổ. Những hạt mưa tạt vào lớp kính rồi nối đuôi nhau chảy dài xuống như bầy lòng ròng thi xem ai bơi mạnh nhất. Cây hoa giấy nhà kế bên có một cành xương xẩu đi lạc sang bên này mang theo cả cụm hoa hồng tươi xác pháo, đẹp tuyệt! Qua lớp kính mờ mờ, nhìn ra ngoài, tôi có cảm tưởng mình đang chiêm ngưỡng một bức tranh sơn dầu ở một phòng triển lãm tranh nào đó.

Điện thoại tôi rung lên báo tin nhắn đến. “Em để bịch rau mới hái ở vườn nhà nội ngoài cổng. Chị ra lấy vô ăn. Mưa gió em không kêu. Đợi hết mưa ra lấy, mùa dịch ăn uống cho khỏe vào!”. Tin nhắn của một người bạn. Tôi như thấy bạn tôi đội chiếc nón lá, chân xỏ đôi dép tổ ong cũ của ông nội, lui cui trong mảnh vườn với cơ man nào là cải, hẹ, càng cua, rau dền… Tôi như thấy bạn tôi, nhỏ bé lùng bùng trong chiếc áo mưa lòn tay qua cổng bỏ bịch rau rồi quay về…

Cuộc sống vẫn sẽ mãi tươi hồng mà, phải không? 

Triệu Vẽ

* Chill là từ gần đây các bạn trẻ hay dùng, hiểu nôm na là bình tĩnh lại nào, mọi chuyện sẽ ổn thôi.

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI