U hiếm gặp gây lồi mắt trái bé trai 15 tháng tuổi

28/10/2019 - 13:51

PNO - Lúc gần 1 tuổi, bé K. thường xuyên chảy nước mắt, mũi, người nhà nghĩ bé nóng sốt thông thường. Cho đến khi một bên mắt của bé K. lồi ngày càng nhiều, đi khám mới biết bé mắc khối u hiếm gặp.

Ngày 28/10, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho hay, ê-kíp bác sĩ của bệnh viện đã phẫu thuật xử lý khối u có kích thước 3,5cm trong hốc mũi bên trái của bé L.M.K. (15 tháng tuổi, ở Bình Dương).

Bác sĩ Thúy cho biết, bé K. đến bệnh viện khám do lồi mắt và suốt 4 tháng qua bị nghẹt mũi phía bên trái, khiến bé thở khó, có lúc phải há miệng để thở. Bé được người nhà đưa đi khám ở nhiều bệnh viện, uống thuốc điều trị nhưng không thuyên giảm.

1 tháng trước khi nhập viện, bé K. bị lồi mắt trái ngày càng nhiều, bé tiếp tục được mẹ là chị Hồng Lanh đưa đi các bệnh viện nhi, bệnh viện có chuyên khoa mắt để khám. Các bác sĩ phát hiện trong hốc mũi trái của bé K. có khối u, chưa ảnh hưởng đến thị lực nên chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM.

U hiem gap gay loi mat trai be trai 15 thang tuoi
Khối u hiếm gặp gây lồi mắt trái bé K.

Sau khi thăm khám, làm nội soi, CT Scan và MRI vùng mũi xoang, sọ não, bác sĩ chẩn đoán trong hốc mũi trái bé K. có u với kích thước lớn khoảng 3,5cm.

Khối u gây biến dạng, phá hủy xương sàng, huỷ xương thành trong hốc mắt trái và một phần nền sọ, đè ép các cấu trúc hốc mũi, chèn ép đỉnh hốc mắt, hậu nhãn bên trái khiến mắt bé ngày một lồi, sinh thiết nhận định đây là u sợi không sinh xương hiếm gặp ở trẻ em.

May mắn cho bé K., khối u lành tính, có thể mổ để xử lý.

Ngay lập tức, các bác sĩ của bệnh viện hội chẩn và lên nhiều phương án dự phòng trước khi mổ nội soi cho bé, do khối u nằm ở sát nền sọ, nguy cơ chảy dịch não tủy trong lúc mổ rất cao.

Sau nhiều tiếng đồng hồ bóc tách, ê-kíp buộc loại bỏ một phần xương giấy, xương sàng sọ do khối u bám quá chặt, xử lý toàn bộ khối u cho bé K.

U hiem gap gay loi mat trai be trai 15 thang tuoi
Sau phẫu thuật 1 tuần, sức khỏe bé K. đã ổn định, vết mổ ở hốc mũi thông thoáng, bé hết lồi mắt, sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ Thúy cho biết: “Có thể khối u đã có từ khi bé K. được sinh ra nhưng các bác sĩ không phát hiện được. Tuy hiện tại khối u đã được loại bỏ nhưng trong thời gian tới, bé phải được khám sức khỏe theo chỉ định của bác sĩ để xử lý kịp thời nếu khối u tái phát”.

Theo bác sĩ Thúy, mỗi năm, có khoảng 60-70 ca trẻ dưới 15 tuổi mắc u sợi sinh xương vùng mũi. Trường hợp u sợi không sinh xương như bé K. thì hiếm gặp, nhưng rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm, khối u có thể xâm lấn vào vùng não sọ gây chảy dịch não tủy, nguy hiểm đến tính mạng.

PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy – Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM nói thêm: “Khối u vùng hốc mũi ở trẻ em thường gặp trong những khối u vùng đầu cổ. Tuy nhiên triệu chứng xuất hiện âm thầm, khó phát hiện, bệnh nhi thường đến khám khi những khối u hốc mũi lớn và chèn ép những cấu trúc xung quanh. 

Nếu bé bị nghẹt mũi, chảy máu mũi, chảy mũi kéo dài, người lớn nên đưa bé đến các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để khám, vì nếu không được phát hiện kịp thời, khối u sẽ phát triển chèn ép hốc mắt gây lồi mắt, giảm cử động mắt, không nhìn rõ, có thể mù vĩnh viễn, hoặc nguy hiểm hơn khối u chèn ép vào sọ não gây những triệu chứng về thần kinh như nhức đầu, nôn ói, nguy cơ tử vong cao”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI