Tỷ trọng thực phẩm có khả năng minh bạch nguồn gốc, xuất xứ còn thấp

03/12/2022 - 09:36

PNO - Tỷ trọng thực phẩm nông lâm thủy sản có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng thành phố.

Ngày 3/12, tại Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) của 15 tỉnh, thành tổ chức hội nghị sơ kết công tác ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TPHCM và các tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL ATTP TPHCM - phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Quốc Ngọc
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL ATTP TPHCM - phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: Quốc Ngọc

Công tác phối hợp trong những năm qua giữa BQL ATTP thành phố và Sở NN-PTNT các tỉnh  Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long đã khẳng định mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn về TPHCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác…) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Thông qua ký kết và triển khai các chương trình, BQL đã có phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh, thành thiết lập hệ thống quản lý đối với các cơ sở đạt chứng nhận an toàn kinh doanh tại TPHCM. Đặc biệt, các cơ sở cung cấp vào bếp ăn trường học, hệ thống kinh doanh hiện đại, đến chợ đầu mối, chợ truyền thống  được quản lý, kiểm soát tương tự như “chuỗi thực phẩm an toàn”.

Tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO... cung cấp cho người dân TPHCM ngày càng được nâng lên. Cụ thể, sản phẩm thịt đạt sản lượng 321.850 tấn/năm, chiếm tỷ lệ 97,53% nhu cầu tiêu dùng thịt của người dân thành phố; trứng gia cầm đạt hơn 534,6 triệu quả/năm, chiếm 59,33% nhu cầu; rau, củ, quả đạt hơn 272.102 tấn/năm, đáp ứng 15,11% nhu cầu và thủy sản đạt 25.470 tấn/năm, đáp ứng 5,66% nhu cầu.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL ATTP TPHCM, mặc dù chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản đã được cải thiện đáng kể nhưng không ổn định. Tỷ trọng thực phẩm nông lâm thủy sản có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng thành phố.

Số vụ vi phạm về ATTP, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc phát hiện đã được các cơ quan truyền thông phản án trong thời gian qua đã gây bức xúc cho người tiêu dùng. Đơn cử như sản phẩm không đạt VietGAP nhưng lại dán nhãn VietGAP hay phát hiện tình trạng mẫu không đạt chỉ tiêu ATTP.

Để có định hướng các giải pháp khắc phục các tồn tại, nâng cao chất lượng, an toàn, minh bạch nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong thời gian tới, BQL ATTP thành phố và Sở NN-PTNT các tỉnh thống nhất nhiệm vụ trọng tâm để phối hợp.

Đó là xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững góp phần triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản bền vững giao thương giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2022-2025.

Các bên hỗ trợ, tạo điều kiện tìm đầu ra cho sản phẩm an toàn, được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, GAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ…), các sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất từ các doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ, hệ thống siêu thị của TPHCM đến khảo sát vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh để ký kết, bao tiêu sản phẩm. TPHCM hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm hoàn thiện các thủ tục, thực hiện quy định truy xuất nguồn gốc, giám sát ATTP để đưa nông sản, thực phẩm an toàn vào tiêu thụ tại thành phố.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI