Tỷ phú Jack Ma "biến mất" bí ẩn giữa cuộc điều tra nhắm vào Alibaba?

04/01/2021 - 15:53

PNO - Nhiều đồn đoán xoay quanh tỷ phú Trung Quốc Jack Ma khi doanh nhân nổi tiếng này biến mất trước công chúng trong hơn hai tháng.

Sự biến mất kỳ lạ

Người sáng lập Alibaba không xuất hiện như đã định trong tập cuối cùng của chương trình truyền hình thực tế -  Tài năng Africa’s Business Heroes mà ông làm giám khảo. Chương trình mang đến cho các doanh nhân châu Phi mới lập nghiệp cơ hội cạnh tranh để giành lấy một phần 1,5 triệu USD.

Jack Ma (tên thật là Mã Vân) đã được thay thế bởi giám đốc điều hành của Alibaba trong trận chung kết tháng 11/2020. Hình ảnh của ông ấy cũng đã bị gỡ khỏi trang web quảng bá cho sự kiện.

Theo tờ Financial Times, người phát ngôn của Alibaba cho biết, ông Ma không thể tham gia hội đồng giám khảo "do vấn đề lịch trình”.

Đế chế kinh doanh của tỷ phú Ma - Ant Group, cũng bị Bắc Kinh giám sát kể từ khi ông có bài phát biểu gây tranh cãi ở Thượng Hải vào ngày 24/10, chỉ trích hệ thống quy định của Trung Quốc kìm hãm sự đổi mới và ví các quy tắc ngân hàng hoạt động như “câu lạc bộ của những người già”.

Ông Ma nói trong bài phát biểu: “Hệ thống tài chính ngày nay là di sản của Thời đại Công nghiệp. Chúng ta phải thiết lập một cái mới cho thế hệ tiếp theo và những người trẻ tuổi. Chúng ta phải cải tổ hệ thống hiện tại”.

Chỉ hơn một tuần sau, phiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant (trị giá kỷ lục 37-48 tỷ USD - vốn được cơ quan giám sát chứng khoán của Trung Quốc bật đèn xanh) ngay lập tức bị đình chỉ. Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải cho biết Ant xuất hiện “các vấn đề đáng kể như sự thay đổi trong môi trường quản lý công nghệ tài chính”.

Vào ngày 27/12/2020, Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo rằng họ đã ra lệnh cho các giám đốc điều hành Ant “đại tu” doanh nghiệp của mình để giải quyết vấn đề, tuân thủ quy định đối với các phân khúc tín dụng, bảo hiểm và quản lý tài sản, đồng thời không tham gia vào “hoạt động kinh doanh chênh lệch giá theo quy định”.

Ông Jack Ma trò chuyện tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở Kyiv, Ukraine vào năm 2019
Ông Jack Ma trò chuyện tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế ở Kyiv, Ukraine vào năm 2019

Nhà đầu tư kỳ cựu của Mỹ Mark Mobius cho biết động thái này được thiết kế để hạn chế các tổ chức tài chính trở nên quá lớn. Ông Mobius nói với CNBC: “Tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc đã vào cuộc vì họ nhận ra rằng phải kiểm soát những công ty này, để chúng không… quá lớn. Chính phủ Trung Quốc đang thức tỉnh trước thực tế rằng họ không thể cho phép các công ty này thống trị một lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là mảng tài chính".

Kết quả, các nhà chức trách Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba vào cuối tháng 12 và yêu cầu Ant Group phải cơ cấu lại hoạt động của mình.

Về phần mình, ông Ma đã tặng hàng triệu chiếc khẩu trang cho châu Âu Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch. Tỷ phú này cũng tham gia vào các công việc từ thiện, với Quỹ Jack Ma tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, khởi nghiệp, nữ lãnh đạo và môi trường. Theo báo cáo của Forbes, Quỹ Jack Ma đã phân phối hoặc cam kết hơn 300 triệu USD.

Bài đăng cuối cùng của ông Ma trên Twitter là vào ngày 10/10/2020.

Từ yêu đến ghét

Ở Trung Quốc, Jack Ma đồng nghĩa với thành công. Cựu giáo viên tiếng Anh trở thành doanh nhân internet và từng là người giàu nhất đất nước. Ông thành lập Alibaba - đối thủ mạnh mẽ nhất của Amazon. Sau khi tỷ phú Donald J. Trump đắc cử tổng thống năm 2016, ông Ma là người Trung Quốc nổi tiếng đầu tiên mà ông Trump gặp gỡ. Thành công đó đã khiến nhiều người gọi ông chủ cũ của Alibaba bằng cái tên "Daddy Ma".

Nhưng gần đây, tình cảm của công chúng đã quay ngược 180 độ, và Jack Ma trở thành người bị ghét bỏ, bị gọi là “kẻ xấu”, “nhà tư bản độc ác” và “con quỷ hút máu”. Sự thay đổi này xảy ra khi ông Ma đang phải đối mặt với rắc rối ngày càng tăng với chính phủ Trung Quốc.

Những người trẻ mới tốt nghiệp đại học, ngay cả những người có bằng cấp từ Mỹ, phải đối mặt với triển vọng việc làm hạn chế và mức lương thấp. Nhà ở tại những thành phố tốt nhất đã trở nên quá đắt đối với những người mua mới. Và giới trẻ ngập trong nợ vay từ những nền tảng cho vay trực tuyến mới, như tập đoàn Ant của ông Ma.

Sau tất cả thành công kinh tế của Trung Quốc, sự oán giận lâu dài đối với người giàu, đôi khi được gọi là trào lưu “ghét người giàu”, đã đổ lên đầu người đàn ông hiện chỉ giàu thứ ba đất nước - Jack Ma.

Từ vai trò là một giáo viên tiếng Anh, ông Jack Ma đã phát triển đế chế thương mại điện tử Alibaba nổi tiếng toàn cầu
Từ một giáo viên tiếng Anh, ông Jack Ma đã phát triển đế chế thương mại điện tử Alibaba nổi tiếng toàn cầu

Bắc Kinh dường như sẵn sàng khai thác sự bất mãn đó. Điều này đồng nghĩa với rắc rối cho các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân. Trong một cuộc họp lãnh đạo thường niên nhằm đưa ra quyết định cho các chính sách kinh tế của đất nước trong năm tới, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp chống độc quyền và ngăn chặn “sự bành trướng của tư bản một cách mất trật tự”.

Kết quả, một số doanh nhân nói rằng sự thù địch đối với tập đoàn Ant và ông Ma khiến họ băn khoăn về định hướng cơ bản của đất nước. Fred Hu, người sáng lập công ty đầu tư Primavera Capital Group ở Hồng Kông nhận xét: “Bạn có thể kiểm soát tuyệt đối hoặc bạn có thể có một nền kinh tế năng động, đổi mới, nhưng chắc chắn là bạn có thể có cả hai".

Tấn Vĩ (theo Yahoo, Quarzt, NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI