Tỷ phú công nghệ chơi nghệ thuật

04/11/2017 - 15:16

PNO - Thay vì lên mạng “chém gió” hay rao giảng đạo đức, nhiều tỷ phú công nghệ của thế giới kiến tạo giá trị cộng thêm bằng cách chơi và sưu tầm nghệ thuật.

Bill Gates nổi tiếng am tường nghệ thuật, từng lập kỷ lục ở Mỹ khi mua tác phẩm Lost on the Grand Banks của danh họa Winslow Homer (1836 - 1910) vào năm 1998 với giá 36 triệu USD. Bức tranh hiện được treo ở thư viện nhà Gates. 

Trong thư viện này còn có bức Room Of Flowers của Childe Hassam ước tính có giá khoảng 20 triệu USD, bức Polo crowd của George Bellows được mua tại cuộc đấu giá của Sotheby’s năm 1999 với giá 27,5 triệu USD, bức The Nursery của William Merritt Chase giá 10 triệu USD… Tác phẩm nghệ thuật “triệu đô” đầu tiên mà Bill Gates mua là Distant Thunder của Andrew Wyeth, với giá 7 triệu USD vào năm 1996, khi ông ở tuổi 41. 

Ty phu cong nghe choi nghe thuat

Ba tỷ phú công nghệ trẻ tuổi Mark Zuckerberg, Dustin Moskovitz và Sean Parker bên những tác phẩm graffiti của David Choe

Không chỉ sành sỏi trong việc sưu tập những tác phẩm hội họa kinh điển, Bill Gates còn say mê đọc sách, như ông nói là cách vượt ra “bên ngoài sự đúng sai để đẩy bản thân tới giới hạn”. Thư viện riêng của ông chứa đầy những cuốn sách quý hiếm. Tiêu biểu nhất trong số này là cuốn sổ viết tay mang tên Codex Leicester của thiên tài toàn năng Leonardor da Vinci.

Nhà tỷ phú mua cuốn này năm 1994 với giá 30,8 triệu USD, đến nay nó được định giá khoảng 50 triệu USD. Bill Gates không giải thích tại sao ông dốc số tiền lớn như thế cho 72 trang sổ tay, nhưng có thể thấy đây là cuốn duy nhất trong số 30 cuốn sổ tay bộc lộ tư tưởng, suy nghĩ cá nhân của Leonardor da Vinci.

Sự “liên tài” về khoa học và nghệ thuật cũng có thể là lý do để Bill Gates thể hiện sự trân trọng trước di sản của người mang tới nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận ở thời Phục Hưng.

Ngoài thú chơi mà chỉ tỷ phú đô la mới kham nổi, Bill Gates còn có những sở thích dân dã khác như chơi tennis, đánh guitar, nghe nhạc rock với hai ban nhạc yêu thích là Weezer và U2. 

Cùng thời và từng có những thời điểm vượt mặt Bill Gates về ngôi vị giàu nhất thế giới, các tỷ phú công nghệ Jeff Bezos, Carlos Slim… cũng nổi tiếng về chơi và sưu tầm nghệ thuật. Nhà sáng lập kiêm CEO của đế chế thương mại điện tử Amazon từng bỏ ra 23 triệu USD để mua bảo tàng dệt có diện tích hơn 2.400m2 của thành phố Washington DC. 

Còn trùm viễn thông Mexico chi 70 triệu USD để xây bảo tàng mang tên người vợ quá cố Soumaya Domit Gemayel. Bảo tàng này trưng bày hơn 66.000 tác phẩm đắt giá, trong đó có những tác phẩm của Monet, Vincent van Gogh, Leonardor da Vinci. 

Ty phu cong nghe choi nghe thuat

Evan Spiegel và họa sĩ ThankYouX bên bức chân dung Steve Job

Trong khi đó, tỷ phú Paul Allen biến niềm đam mê nghệ thuật thành công việc kinh doanh “lời lãi”. Ông từng bán bức tranh của họa sĩ Mark Rothko với giá 56,2 triệu USD dù trước đó mua với giá 34,2 triệu USD.

Nhà đồng sáng lập Microsoft có bộ sưu tập gồm 40 bức tranh phong cảnh quý về châu Âu và Mỹ từng được triển lãm tại bảo tàng nghệ thuật ở Portland và Seattle. Vì đam mê điện ảnh và âm nhạc mà ông còn mua luôn rạp chiếu phim yêu thích, xây dựng một bảo tàng để tưởng nhớ thần tượng là nghệ sĩ guitar huyền thoại Jimi Hendrix.  

Trong thời thị trường nghệ thuật và công nghệ cùng bùng nổ, đang xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú thế hệ 7x, 8x dành thời gian, tiền bạc sưu tầm tác phẩm hội họa, mỹ thuật thay vì mua bất động sản, tậu siêu xe. CEO Marissa Mayer của Yahoo cùng hai nhà sáng lập Path là Dave Morin và Jim Breyer chung tay lập bảo tàng nghệ thuật hiện đại San Francisco, nhằm trưng bày, tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật công nghệ.

Đến thế hệ 9x, CEO Evan Spiegel của SnapChat thuê các họa sĩ, nhà thiết kế trẻ vẽ tranh tường cho trụ sở mới của công ty ở Venice, California. Các bức tranh mang màu sắc sặc sỡ như xanh, đỏ, vàng, thể hiện sắc độ công nghệ, trong đó nổi bật là bức vẽ nhà sáng lập “táo khuyết” Steve Jobs.

Nói như nhà quản trị kỳ cựu Jeff Dauber của Apple, người có bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ và thường xuyên tổ chức những cuộc thưởng lãm tại nhà: Phải chăng các tỷ phú dần nhận ra những tác phẩm tuyệt mỹ có thể lưu dấu lịch sử, chứa đựng triết lý cùng nét đẹp trường tồn và đó là giá trị vô giá mà không một chiếc xe hơi, ngôi nhà hay mảnh đất nào có thể sánh bằng?

 Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI