Hãy tiêm chủng ngay khi đến lượt!
Tối 8/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã phát động chiến dịch truyền thông “Tiêm vắc xin, vững niềm tin” trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng, kêu gọi sự ủng hộ, chung tay của mỗi người tham gia tiêm vắc xin, bảo vệ mình và cộng đồng. Thời gian qua, việc sử dụng vắc xin nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân trong điều kiện vắc xin còn hạn chế. Bộ Y tế đã phối hợp với các tỉnh, thành phố sẵn sàng công tác tiêm chủng, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả - minh bạch - công bằng.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát động chiến dịch truyền thông "Tiêm vắc xin, vững niềm tin" trên mạng xã hội Facebook |
“Hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta hãy thực hiện trách nhiệm đối với bản thân, cộng đồng bằng cách cùng nhau quyết tâm thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Hãy tiêm chủng ngay khi đến lượt”, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi người dân tham gia hưởng ứng.
Đánh giá về chiến dịch này, ông Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, việc truyền tải thông tin giúp cứu mạng sống của con người nên rất quan trọng trong chiến dịch chống COVID-9. Mặc dù số ca đang giảm nhưng có một điều rõ ràng virus vẫn tồn tại, do đó cần phải tìm cách sống chung với virus. Một trong những biện pháp quan trọng để giải quyết tình trạng này là tiêm phòng đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19.
Tuy nhiên, ông Kidong Park cũng lưu ý, hiện Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị chủ động cho việc đất nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, về vấn đề này, WHO khuyến nghị rằng "cần phải cảnh giác và tránh chủ quan". Theo ông, vắc xin có ý nghĩa quan trọng song không phải là “chìa khóa vạn năng” để ngăn chặn sự lây lan của virus mà cần nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế).
Chỉ 9% người Việt Nam được khảo sát do dự về tiêm vắc xin COVID-19
|
Tỷ lệ do dự tiêm vắc xin ở người trưởng thành tại Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á, theo khảo sát của Facebook |
Tại buổi tọa đàm sau lễ phát động, ông Tamer Farag - chuyên gia kiểm soát bệnh tật của Facebook (trụ sở tại Hoa Kỳ) - cho biết, Facebook đã tiến hành một cuộc khảo sát, thu thập gần 4 triệu phản hồi từ Việt Nam. Trong đó, Facebook đã có một khảo sát về việc tiêm chủng vắc xin COVID-19. Kết quả cho thấy, trong những người trưởng thành chưa được tiêm vắc xin, Việt Nam có tỷ lệ do dự tiêm vắc xin thấp nhất so với các nước Đông Nam Á khác. Theo khảo sát mới nhất vào tháng 8, con số này ở Việt Nam là 9%, trong khi ở Thái Lan là 18%, Lào là 31%, Campuchia là 51%...
“Đây là thông tin đáng khích lệ để Việt Nam triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19”, ông Tamer Farag nói.
Bên cạnh đó, phản ứng tiêm vắc xin cho trẻ em ở Việt Nam là tích cực. 90% người được hỏi cho biết chắc chắn tiêm phòng cho trẻ em khi có vắc xin.
Chia sẻ về các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, từ thực tiễn đã chứng minh, các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thực hiện của các địa phương, đặc biệt là biện pháp giãn cách xã hội áp dụng kịp thời, đúng đắn đã đạt được kết quả tích cực tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Cho đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh đã có tín hiệu khả quan, vì vậy, để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Thời gian tới, sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa việc đồng bộ các giải pháp để chăm sóc tối đa, kiểm soát chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội, tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Đại diện Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc tăng cường xét nghiệm để phát hiện sớm cách ly nhanh, phân loại kịp thời và hiệu quả bệnh nhân COVID-19. Các ngành, địa phương phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng y tế lưu động, tổ COVID-19 cộng đồng; tổ chức nâng cao năng lực của đội ngũ y bác sĩ trong công tác xét nghiệm, điều trị, phân luồng công tác khám chữa bệnh; tiếp tục phát huy vai trò của mô hình các trạm y tế lưu động đã áp dụng hiệu quả tại TPHCM để theo dõi, điều trị F0 tại nhà.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng rút ra 7 bài học kinh nghiệm để tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả.
Thứ nhất là sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của Ban bí thư, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
Thứ hai, triển khai sớm, kiên định với biện pháp chống dịch xuyên suốt: ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và hiện nay là vắc xin để không bùng phát diện rộng, gây quá tải bệnh viện từ đó tập trung điều trị các ca bệnh nặng.
Thứ ba là vai trò quan trọng của bài học theo phương châm 4 tại chỗ, chú trọng vai trò của các địa phương, tổ COVID-19 cộng đồng.
Thứ tư là minh bạch, truyền thông sâu rộng để hưởng ứng sự đồng thuận của người dân.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành với tinh thần bảo vệ người dân lên hàng đầu, các bộ ngành cùng khắc phục khó khăn để đạt được hiệu quả các biện pháp chống dịch, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia… về công tác phòng chống COVID-19. Dù còn nhiều khó khăn, thời gian qua, Việt Nam cũng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, hỗ trợ một số quốc gia gặp khó khăn trong đại dịch…
Thứ bảy, huy động lực lượng lớn nhân viên y tế chưa từng có trong tiền lệ để kịp thời hỗ trợ các địa phương.
H.Anh