Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo vẫn thấp

19/01/2022 - 07:30

PNO - Tại Việt Nam, cứ bốn lao động nam có việc làm thì một người đã qua đào tạo, tỷ lệ 25%, trong khi ở nữ giới, tỷ lệ này là 20%.

Rõ ràng, bên cạnh những biểu hiện dễ thấy, bất bình đẳng giới còn thể hiện trong việc tiếp cận giáo dục và đào tạo trong lao động.

Ngành nghề “của nam” vẫn đa dạng hơn nữ
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (ngụ Q.11, TP.HCM) cho biết, gia đình muốn chị theo nghề kế toán, nhưng chị lại thích làm hướng dẫn viên du lịch. Cô gái 22 tuổi đã có đủ các chứng chỉ cần thiết cho cả hai ngành nghề. Ngoài sự giằng co giữa sở thích bản thân và ý chí của cha mẹ, Quỳnh còn gặp muôn vàn khó khăn về giới tính. Cô gái thừa nhận: “Ưu điểm của phụ nữ không thua gì nam giới nhưng thú thật chúng tôi cũng có không ít mặt hạn chế, như thường xuyên gặp phải những vấn đề liên quan đến tâm sinh lý khiến nữ giới bị bó hẹp về các lĩnh vực có thể tham gia”. 

Học viên các lớp đào tạo ngành bếp tại TP.HCM - ẢNH: QUỐC NGỌC
Học viên các lớp đào tạo ngành bếp tại TP.HCM - ẢNH: QUỐC NGỌC

 Từ đặc thù về tâm sinh lý mà Quỳnh đề cập, từ năm 2013, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có Thông tư 26 quy định rõ 77 công việc cấm sử dụng lao động nữ và 39 công việc không sử dụng phụ nữ mang thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí đến chức năng sinh đẻ, nuôi con. Đây là một thực tế cho thấy “không gian” chọn lựa nghề nghiệp của nam vẫn lớn hơn nữ.

Trong trường hợp của Quỳnh, còn phải kể đến nhận thức của gia đình, xã hội về phụ nữ vốn vẫn nặng nề về thiên chức làm mẹ, làm vợ, làm dâu, tạo ra nhiều rào cản hạn chế việc định hướng nghề nghiệp của nhiều bạn nữ. Các gia đình luôn muốn con gái làm công việc hành chính văn phòng để còn có thời gian chăm sóc gia đình, chồng con mà rất ít quan tâm đến sở nguyện.

Ông Nguyễn Văn San - Trưởng bô môn truyền thông đa phương tiện, Đại học Quốc tế Hồng Bàng - cho rằng dù hiện nay vấn đề bất bình đẳng giới đã có những cải thiện. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn quan niệm con trai phải nối dõi tông đường, nên thường được ưu tiên học lên cao hơn, đặc biệt điều này xảy ra nhiều ở nông thôn khi tỷ lệ lao động nữ được đào tạo chỉ đạt 12,3% và chỉ bằng gần 1/3 tỷ lệ ở khu vực thành thị (36,3%).

Ông San cũng cho rằng, đặc điểm nghề nghiệp đã qua đào tạo đối với nam giới cũng đa dạng hơn nữ giới. Các ngành về kỹ thuật như kỹ thuật cơ khí, cơ khí chế tạo máy, kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin… hiện đang cần rất nhiều nhân lực nhưng lại được coi là phù hợp với nam giới. Số nữ sinh chọn học những ngành này cũng rất ít.
Để cải thiện tỷ lệ lao động nữ qua huấn luyện, đào tạo, theo ông San, Nhà nước nên xây dựng các chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nữ đã qua đào tạo trước, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ đã qua đào tạo. “Chính phủ nên ưu tiên cho vay vốn giải quyết việc làm đối với các dự án tạo nhiều việc làm cho lao động nữ đã qua đào tạo. Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động nữ và bình đẳng giới. Các cấp học cần lồng ghép vào chương trình những nội dung về bình đẳng giới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vấn đề này” - ông San đề xuất.


Bản chất kinh tế không phân biệt giới tính

Tăng cường phổ biến thông tin và hỗ trợ người lao động quay trở lại
Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có văn bản trả lời cử tri gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố. Theo đó, đối với kiến nghị cải cách quy trình, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện để công nhân được tiếp cận các chính sách, gói hỗ trợ của Nhà nước thuận lợi, kịp thời, nhanh chóng, sở đồng ý rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ so với quy định nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhất là lao động nữ. Đơn cử như thời gian xử lý hồ sơ hỗ trợ NLĐ thực hiện tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương được rút ngắn 
một ngày.
Liên quan đến hỗ trợ NLĐ nhập cư, Sở LĐ-TB&XH đưa ra nhiều giải pháp như hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động bằng cách thông tin về nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp theo lĩnh vực, ngành nghề, các chính sách phúc lợi. Triển khai các chính sách của Trung ương về hỗ trợ NLĐ có thu nhập thấp các chi phí sinh hoạt tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế để bù đắp những khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Ngoài ra, sở còn đưa ra chương trình hỗ trợ NLĐ tự tạo việc làm thông qua việc tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ xóa đói giảm nghèo, Tổ chức Tài chính vi mô CEP... khi có nhu cầu chuyển đổi công việc, tự tạo việc làm.

Theo bà Trần Thị Xuân Quyên - Giám đốc Tư vấn đào tạo Công ty Quản lý bất động sản nghỉ dưỡng và giải trí quốc tế IRR, tình trạng lao động nữ có việc làm đã qua đào tạo thấp hiện nay là do Nhà nước cũng như doanh nghiệp ít có chính sách rõ ràng, cụ thể cho lao động nữ. Doanh nghiệp một số lĩnh vực vẫn rất e ngại vấn đề sức khỏe phụ nữ và thai sản, đồng thời các ngành nghề đòi hỏi phải có sức khỏe, ngoài giờ, tay nghề cao lao động nữ vẫn khó đáp ứng. “Nếu thuê lao động nữ làm bartender theo ca đến 2g sáng, khách sạn phải bố trí xe đưa về. Trong khi cũng là vị trí đó mà là nam năng suất làm việc cũng cao, chịu được áp lực và không phải lo những vấn đề sức khỏe, an ninh” - bà Quyên dẫn chứng.

Bà Quyên lấy thêm ví dụ để bàn giải pháp: “Trong ngành bếp, tỷ lệ nam làm bếp nóng vẫn chiếm 70%. Trong khi nữ đa phần được bố trí làm ở bếp lạnh, công việc nhẹ nhàng, ít áp lực. Lao động nữ thường được bố trí ở những vị trí mang tính chất tỉ mỉ, đòi hỏi khéo tay như ngành bếp bánh, nữ chiếm đến 60%. Do vậy, tôi cho rằng cần chọn lựa, bố trí ngành nghề phù hợp và ưu tiên đào tạo, khai thác những ưu điểm của nữ giới để từ đó phát triển thị trường lao động”.

Ông Lê Vũ Hoàng Nguyên - Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Lộc Phúc Fine Jewelry - nêu quan điểm, bản chất kinh tế không phân biệt giới tính nhưng do quan điểm văn hóa đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn lao động. Việc phân chia vị trí công việc hoặc đặc thù ngành nghề còn rất nhiều khác biệt. Doanh nhân thì thường gắn với hình ảnh nam doanh nhân, còn một số ngành nghề lao động phổ thông như công nhân luôn là hình ảnh nữ giới. Ngay cả chương trình truyền hình đình đám như Shark Tank cũng luôn chỉ có một nữ doanh nhân. “Quan niệm như vậy đã dẫn đến những công việc chuyên môn được đào tạo đòi hỏi những kỹ năng cao sẽ tập trung cho nam giới nhiều hơn nữ giới. Điển hình như số lượng nam phi công luôn cao hơn nữ phi công và ngược lại số lượng nữ hộ sinh lại luôn cao hơn nam hộ sinh. Nếu cứ theo suy luận như vậy thì không lẽ ngành nữ hộ sinh lại có trình độ chuyên môn kém hơn nữ phi công” - ông Nguyên vừa đặt vấn đề, vừa gợi mở giải pháp. 

Quốc Ngọc

 

Nữ học viên các lớp pha chế tại TP.HCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Nữ học viên các lớp pha chế tại TP.HCM. Ảnh: QUỐC NGỌC

 

Thông tin tuyển dụng:

* Khu nghỉ dưỡng nhà vườn JE T’aime Villa (xóm 2, thôn 14, xã Đambri, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cần tuyển:
- 1 lễ tân nữ, có ngoại hình đẹp, 25 - 30 tuổi, 2 năm kinh nghiệm trở lên, sử dụng máy tính và các ứng dụng quản lý đặt phòng thành thạo, tiếng Anh giao tiếp; kỹ năng thương lượng đối thoại tốt.
- 1 pha chế, 1 buồng phòng, 2 làm vườn, 1 phụ bếp, 2 phục vụ nữ.
Yêu cầu: làm việc 8 tiếng/ngày, nghiêm túc, chăm chỉ, trung thực, thân thiện, vui vẻ, hòa đồng, trẻ trung, sức khỏe tốt. Cam kết làm việc lâu dài.
Lương khởi điểm từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, tùy vị trí công việc. Ngoài ra, người lao động còn được phụ cấp lễ tết, lương tháng 13, bao ăn ở (có nhà ở cho nhân viên ở xa), một tuần nghỉ 1 ngày, có thể dồn phép nghỉ 4 ngày/tháng, môi trường làm việc trẻ trung, thân thiện, lịch sự.
Hồ sơ xin việc gồm: đơn xin việc, giấy chứng nhận sức khỏe, lý lịch có chứng nhận của địa phương.
Liên hệ: 0909 016 789 (chị Nga), 0933 973 268 (anh Thọ).
* Các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đăng thông tin tuyển dụng và lao động nữ cần tự ứng tuyển vui lòng gửi thông tin về chuyên trang Lao động nữ & Việc làm, Báo Phụ Nữ TP.HCM số 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q3, TP.HCM, hoặc email: nhipcauhoivien@gmail.com, hoặc diemtrang@baophunu.org.vn, hoặc qua Zalo 0703 428 957. Thông tin được đăng tải và chia sẻ miễn phí.

 Báo Phụ Nữ TP.HCM

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI