Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dịch vụ hàng không cao nhất khu vực và Đông Nam Á, cũng là khu vực mà ngành hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh và năng động nhất thế giới hiện nay.
Các con số thống kê cho thấy, cứ mỗi 1% tăng trưởng của ngành hàng không tương đương với khoảng 0,5% tăng trưởng GDP của một quốc gia. Như thế, sự phát triển của ngành hàng không phản ánh sự phát triển của cả nền kinh tế quốc gia.
Tại Việt Nam, cùng với sự tham gia thị trường của hàng không tư nhân tạo ra một cuộc cách mạng về đi lại bằng đường hàng không. Năm 2018, ngành hàng không Việt Nam đã vận chuyển gần 50 triệu lượt khách, tăng 10,1% so với năm 2017. Trong đó, chỉ tính riêng Vietjet đã vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách, tăng gần 40% so với năm 2017. Sự bùng nổ trong ngành hàng không mang tới cơ hội bay lần đầu cho hàng chục triệu khách hàng.
Năm ngoái, 4 hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 296.516 chuyến bay, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vietjet khai thác 118.923 chuyến, tăng 21,8% so với cùng kỳ 2017, số chuyến bay Jetstar Pacific và VASCO cũng tăng lần lượt 8,2% và 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Vietnam Airlines có số chuyến bay khai thác giảm nhẹ trong năm 2018 với 128.236 chuyến. Trong số này, có tới 81.200 chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không Việt tới hầu hết các nước châu Á, châu Âu, Úc. Tỷ lệ đúng giờ và chất lượng dịch vụ các chuyến bay của các hãng Việt Nam được khách quốc tế đánh giá cao.
Trong bối cảnh hạ tầng hàng không đang quá tải, tỷ lệ đúng giờ (OTP) của các hãng hàng không Việt Nam hiện ở mức cao so với trung bình thế giới là tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), VASCO là hãng có tỷ lệ chuyến bay đúng giờ cao nhất năm 2018 với 96,6%, xếp thứ hai là Vietnam Airlines với 89,2%, tiếp theo là Vietjet với 84,2% và của Jetstar Pacific là 81,5%.
Theo xếp hạng của OAG – Official Aviation Guide (chuyên về thống kê dữ liệu khai thác) về chỉ số đúng giờ của 250 hãng hàng không lớn nhất thế giới thì trong năm 2018. Tỷ lệ đúng giờ của nhiều hãng hàng không nổi tiếng thế giới khác cũng chỉ bằng hoặc tương đương với các hãng hàng không Việt Nam như Qatar Airways là 85,17%, KLM là 84,52%, All Nippon Airways là 84,43%, Singapore Airlines là 83,46%, Delta Air Lines là 83,08%, Emirates là 81,44%...
Tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong năm 2018, số chuyến bay đúng giờ cũng chỉ đạt 79,48%, tương đương với trung bình cứ mỗi 5 chuyến bay thì có 1 chuyến bay chậm giờ. Thực tế, để thực hiện 100% chuyến bay đúng giờ là không thể bởi phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan, các hãng hàng không đều cố gắng tối đa để tăng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế không chỉ cho bản thân hãng hàng không, cho khách hàng và cả nền kinh tế.
Theo số liệu mới nhất mà Cục Hàng không công bố, 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với trung bình thế giới. Theo đó, tổng số chuyến bay khai thác của cả ngành hàng không Việt Nam là 153.559 chuyến bay, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 130.208 chuyến bay đúng giờ, đạt tỷ lệ 84,8%. Cụ thể, tỷ lệ đúng giờ của Jetstar là 78,1%, của Vietjet là 81,5%, của Vietnam Airlines là 89,1%, của VASCO là 93%, của Bamboo là 93,8%. Bên cạnh thống kê về tỷ lệ chuyến bay đúng giờ thì liên quan đến số lượng hủy chuyến, VASCO ngược lại dẫn đầu với 1,7%, Vietnam Airlines là 0,1% và Vietjet là 0,2%.
Trong khi đó, tỷ lệ đúng giờ của các hàng không lớn nhất thế giới về số lượng chuyến bay khai thác trong tháng 6 phần lớn chỉ ở mức thấp hoặc ngang bằng với các hãng hàng không Việt Nam. Theo OAG, tỷ lệ đúng giờ của American Airlines là 71,1% với số lượng chuyến hủy là 3,7%, của Delta Air Lines là 78,7%, United Airlines là 69%, Southwest Airlines là 73,9%, Ryanair là 75,3%, British Airways là 71%, Air France là 74,9%, AirAsia cũng chỉ là 79,4%, All Nippon Airways là 86,6%... Đáng chú ý là EVA Airways trong tháng 6 vừa qua có tỷ lệ đúng giờ chỉ là 54,7%, tỷ lệ hủy chuyến lên tới 13,7% do tình trạng đình công.
Các hãng hàng không đã có các giải pháp để làm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến cũng như nỗ lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng lịch bay, cải tiến công tác điều hành bay, tăng cường công tác đảm bảo kỹ thuật bay, bố trí nhân viên trợ giúp khách chưa làm thủ tục tại khu vực làm thủ tục trước giờ đóng quầy 15 phút, thông tin cho các bộ phận an ninh, xuất nhập cảnh, hải quan hỗ trợ khách hoàn thiện các thủ tục sớm để không ảnh hưởng tới giờ khởi hành của chuyến bay… Phần lớn các tồn tại được chỉ ra trong quá trình kiểm tra trước đó đã được các hãng hàng không nhanh chóng khắc phục.
Theo Cục Hàng không, về cơ bản các hãng hàng không đã thực hiện tương đối đầy đủ trách nhiệm của người vận chuyển trong việc phục vụ hành khách trong trường hợp chuyến bay bị chậm hủy như ban hành đầy đủ các văn bản, quy trình triển khai phục vụ hành khách, cung cấp thông tin về tình trạng chuyến bay, thực hiện tốt công tác giải quyết các khiếu nại của khách hàng…
Các kết quả khai thác của hàng không Việt Nam trong năm 2018 và nửa đầu 2019 ghi nhận được con số tích cực, cho thấy nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân là rất lớn, có tiềm năng và cơ hội để phát triển hơn nữa. Để đảm bảo an toàn khai thác cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các hãng hàng không mà còn từ các cơ quan quản lý, cảng hàng không, điều hành bay, điều hành mặt đất, các lực lượng an ninh, hải quan xuất nhập cảnh, các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất… cùng phối hợp cho những chuyến bay an toàn, đúng giờ của ngành hàng không.
Cam đặc sản có giá từ 70.000-100.000 đồng/trái rụng hàng loạt trước tết khiến nhiều chủ vườn thấp thỏm lo âu, không dám nhận tiền cọc đặt cam tết của khách hàng.
Finelife Foodstore Lumière An Phú - một thương hiệu thuộc sở hữu của Saigon Co.op vừa khai trương tại chung cư Lumière Riverside (phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM).
Nhiều thương hiệu trong lĩnh vực từ hàng gia dụng, thời trang, tới mỹ phẩm… đang ghi nhận doanh số tăng vọt khi chuyển đổi bán hàng qua hình thức livestream.
Quyết định giảm lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến giá vàng thế giới giảm mạnh, giá vàng SJC trong nước giảm gần 1,2 triệu đồng/lượng.