Tuyệt vọng nhìn những "thiên thần" nhỏ ở Gaza lần lượt ra đi

24/11/2023 - 21:41

PNO - Thiếu thuốc men, nhiên liệu và mọi thứ hoang tàn nên dù đã cố hết sức nhưng các bác sĩ phẫu thuật đành phải nhìn những em bé lịm dần.

Một thành viên của Hội Chữ thập đỏ giúp các bác sĩ Palestine ở Khan Younis kiểm tra một đứa trẻ bị thương hôm thứ Ba. Ảnh: Mohammed Talatene/Avalon
Thành viên của Hội Chữ thập đỏ giúp các bác sĩ Palestine kiểm tra tình trạng của một em bé bị thương hôm 22/11

Các bác sĩ buộc phải chọn cứu sống bệnh nhân hay để họ chết

Trong hành lang đông đúc của Bệnh viện châu Âu ở Khan Younis, các bác sĩ đang quyết định xem trong số các bệnh nhân, ai được cứu sống và ai sẽ phải chết.

Hàng trăm người bị thương lẫn di tản tìm đến bệnh viện khiến các nhân viên y tế bị quá tải. Trong khi đó, họ đang phải vật lộn với tình trạng thiếu thuốc trầm trọng, khẩu phần ăn giảm dần và nguồn điện cũng như thông tin liên lạc liên tục bị gián đoạn.

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Paul Ley tại Bệnh viện châu Âu cho biết, bệnh nhân và những người bị thương nằm tràn lan trên hành lang, ở các lối đi của bệnh viện. Các bác sĩ làm việc suốt ngày đêm trong 4 phòng phẫu thuật để cứu sống bệnh nhân. Đồng thời phẫu thuật cắt cụt các chi cho các ca nhiễm trùng sau nhiều ngày không được điều trị và thiếu thuốc giảm đau trầm trọng. Trong tình hình nguồn lực đang cạn kiệt, bác sĩ còn phải quyết định nhanh chóng và buộc phải để những đứa trẻ bệnh nặng chết dần để cứu những người có cơ hội sống nhiều hơn.

Bác sĩ Ley cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 500 bệnh nhân sơ tán khỏi các bệnh viện trong những ngày gần đây. Điều này càng khiến nhân viên y tế kiệt sức.

“Nhiều người đã không được điều trị trong nhiều ngày vì các bệnh viện ở đó không hoạt động. Chúng tôi đang bị quá tải còn họ không còn đường nào để đi, không có lối thoát cho họ” - ông nói.

Hy vọng mong manh 

Theo Bộ Y tế Palestine, kể từ ngày 10/7 khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bắt đầu, hơn 14.000 người đã thiệt mạng ở Gaza, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Trong khoa phỏng của Bệnh viện châu Âu có gần 100 bệnh nhân, gần 2/5 trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi.

Tiến sĩ Ley (60 tuổi) là bác sĩ người Pháp. Ông đến Gaza cùng với một nhóm cuộc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế gần 4 tuần trước. Ông và các nhân viên y tế khác chưa bao giờ rời khỏi bệnh viện mà phải làm việc suốt ngày đêm khi số lượng những người bị thương quá nhiều. 

Nhân viên bệnh viện hy vọng lệnh ngừng bắn kéo dài 4 hoặc 5 ngày có thể dẫn đến chấm dứt các đợt tấn công, hoặc có thể tạo cơ hội để dải Gaza nhận được hàng viện trợ nhân đạo. Bởi nhiều nạn nhân đến bệnh viện đã bị thương nhiều ngày trước và đã bị nhiễm trùng. Bác sĩ Ley cho biết, một số người không thay băng trong 10 ngày nên vết thương của họ bị hoại tử, vi khuẩn đã ăn vào xương. Trong những trường hợp khác, các bác sĩ phẫu thuật buộc phải cắt bỏ những chi lẽ ra có thể cứu được.

“Chúng tôi thực hiện các ca phẫu thuật với mức độ gây mê tối thiểu, thậm chí không có thuốc tê. Có rất nhiều người khóc lóc, la hét vì đau đớn nhưng chúng tôi không có đủ thuốc giảm đau. Chúng tôi giữ chúng cho trẻ em hoặc những trường hợp rất nghiêm trọng".

Trong khuôn viên bệnh viện, hàng ngàn gia đình tuyệt vọng được dồn vào những nơi trú ẩn được che chắn tạm bợ bằng gỗ hoặc bìa cứng. Những ngày qua, họ đang đối mặt với những đợt lạnh giá vào ban đêm. Tại những nơi khác ở Khan Younis, hàng chục ngàn người chen chúc trong những nơi trú ẩn do Liên hiệp quốc điều hành. Tại một trung tâm dạy nghề, hơn 35.000 người phải dùng chung 48 nhà vệ sinh và 4 phòng tắm.

“Điều kiện thật kinh khủng. Tất cả trẻ em đều bị bệnh, ho hoặc mắc các vấn đề về dạ dày. Nhiều người tranh giành chỗ ngủ và thức ăn” - một người quản lý cho biết.

Tiến sĩ
Tiến sĩ Paul Ley

Bác sĩ Ley cho biết, điều khó khăn nhất đối với các bác sĩ là đưa ra quyết định phân loại bệnh. "Có một đứa trẻ 12 tuổi bị bỏng 90% nên chúng tôi chọn không điều trị, như vậy nghĩa là phải nhìn em chết dần. Chúng tôi cố gắng giữ cái đầu tỉnh táo và bình tĩnh còn các bác sĩ địa phương thì rất đau đớn bởi đây là gia đình, người dân của họ. Tôi buộc phải nói với họ rằng: Chúng ta không thể làm gì được nữa". 

Bác sĩ Ley cho biết ông đã bị sốc khi thấy nhiều bệnh nhân chấp nhận buông xuôi. Như một phụ nữ 35 tuổi có chồng và con đã thiệt mạng khi ngôi nhà của họ bị phá hủy. Cô tỏ ra vô cảm, bất động khi được thông báo rằng 2 chân của cô sẽ phải cắt cụt. “Rất nhiều người không còn quan tâm, không còn thiết tha gì nữa” - ông kể.

Nhưng vẫn có những khoảnh khắc hy vọng được thắp lên dù mong manh. Gần đây, bác sĩ Ley điều trị cho một người đàn ông 32 tuổi bị thương do mảnh đạn ở bụng, chân trái và một “lỗ to bằng nắm tay” ở cẳng tay phải. Cô em gái 11 tuổi của bệnh nhân đã cảm ơn Ley, nói rằng cô hạnh phúc khi anh còn sống, và nói rằng em muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật khi lớn lên. “Điều đó có ý nghĩa thật sâu sắc với tôi, lúc này” - bác sĩ Ley nói.

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI