Tuyệt đối không để dịch tả heo lọt vào TP.HCM

05/03/2019 - 10:20

PNO - Sáng 5/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tháng 2 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2019. Vấn đề dịch tả heo châu Phi và dịch heo tai xanh làm “nóng” cuộc họp.

Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Phạm Thành Kiên cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, TP xác định ổn định nguồn hàng cung cấp cho TP là nhiệm vụ rất quan trọng.

Tuần qua, Sở Công thương đã phối hợp với Sở NN-PTNT làm việc với 3 đơn vị, triển khai thu mua, thuê kho lạnh để thu thịt đông lạnh 3.600 tấn/ngày, chuẩn bị nguồn giống khi tái đàn, đồng thời đảm bảo nguồn heo để chuẩn bị tái đàn sau dịch.

“TP sẽ đảm bảo nguồn và giá cho người dân, song song đó sẽ làm việc với một số doanh nghiệp cung cấp nguồn giống ở TP”, ông Kiên cho hay.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu, TP tuyệt đối không được để xảy ra dịch tả heo trên địa bàn TP. Ông Liêm nói: “TP.HCM là địa bàn tiêu thụ thịt lớn nhất nước nên không để thịt bị nhiễm dịch  lọt vào TP,  lọt vào sẽ gây dịch lây lan”.

Tuyet doi khong de dich ta heo lot vao TP.HCM
Vấn đề dịch tả heo châu Phi và dịch heo tai xanh là nội dung làm “nóng” cuộc họp sáng nay

Giám đốc Sở NN-PTNT TP Nguyễn Phước Trung thông tin, đến thời điểm hiện tại, có 202 hộ của 7 tỉnh có dịch. TP.HCM đã chủ động tổ chức hội nghị triển khai chỉ thị của Chính phủ, UBND TP về việc ứng phó với dịch.

“TP chưa tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhưng vẫn đưa ra phương án tiếp nhận để có tình huống xử lý tốt. TP yêu cầu các sở ngành tập trung vào 3 giải pháp chính. Thứ nhất là tăng cường lực lượng kiểm soát chặt tại trạm giao thông do Chi Cục thú y, lực lượng quản lý thị trường và Công an TP đảm trách. Thứ hai là kiểm soát chặt tại các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, đặc biệt là kiểm soát nguồn nhập vào để đảm bảo nguồn có nguồn gốc.

“Các quận huyện phải tăng cường kiểm soát giết mổ trái phép, bởi vì nếu không kiểm soát được việc này thì nguy cơ bị nhiễm bệnh rất lớn” – ông Trung nói và cho biết cũng đã phát hiện ra một trường hợp 300 con heo của xã Đông Hưng, tỉnh Thái Bình chuyển qua TP.HCM đi về Vĩnh Long. Nhưng sau khi kiểm tra lại ở Vĩnh Long, lô hàng này không vào Vĩnh Long, có thể quay về TP.HCM nên việc này phải kiểm soát kỹ.

Ông Trung cho biết thêm, khi xảy ra dịch, TP đã yêu cầu ngưng không nhận heo từ phía Bắc, tập trung nhận heo từ Đông Nam Bộ và miền Tây. “Nếu không kiểm soát chặt để heo bệnh lọt vào TP thì nguy cơ lớn” – ông Trung nói.

Ông Trung cũng nhấn mạnh đến hai nhóm giải pháp khác là tuyên truyền và nhóm các biện pháp sinh học.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm cho biết, dịch tả heo không lây cho người mà lây cho heo, khi heo chết đưa ra thị trường sẽ gây ảnh hưởng đến giá cả, nguy cơ về an toàn thực phẩm và dịch bệnh khác, nhất là bệnh lây truyền.

“Virus này tồn tại rất lâu, cả ngàn ngày trong điều kiện thịt đông lạnh, không gây bệnh tả cho người nhưng ảnh đến đàn heo. Do vậy cần bố trí lực lượng kiểm tra, tập trung ở chợ đầu mối kiểm soát kiểm tra nguồn gốc của thịt heo. Hiện chưa phát hiện heo dịch tả châu Phi nhưng đã phát hiện heo bệnh khác mà nguồn heo từ tỉnh khác đưa về”, bà Phong Lan nói.

Đầu tháng 4 có đầy đủ giám đốc sở, củng cố kiện toàn cơ bản bộ máy các đơn vị thuộc UBND TP 

Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Thành Phong thông tin về việc kiện toàn nhân sự ở các sở ngành. "Cố gắng đầu tháng 4 có đầy đủ giám đốc sở, củng cố kiện toàn cơ bản bộ máy các đơn vị thuộc UBND TP, không để trường hợp cấp phó phụ trách nữa" - ông Phong nói.

Cụ thể, hiện nay ở TP.HCM có hai sở đang khuyết vị trí giám đốc là Sở Giao thông Vận tải và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Giao thông Vận tải hiện do Phó Giám đốc Trần Quang Lâm phụ trách từ ngày 7/1/2019. Giám đốc sở cũ là ông Bùi Xuân Cường được điều động sang làm Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị từ ngày 4/1.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện do Phó Giám đốc Lê Thị Huỳnh Mai phụ trách sau khi giám đốc sở cũ là ông Sử Ngọc Anh được điều động làm Bí thư Quận ủy Gò Vấp, từ tháng 11/2018.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP cũng thiếu vị trí tổng giám đốc từ lâu mà không có người thay thế. Có trường hợp nghỉ hưu, có trường hợp xin nghỉ vì lý do cá nhân. "Việc nghỉ hưu được thông báo trước 6 tháng, lẽ ra việc chuẩn bị nhân sự phải làm ngay từ lúc đó, để khi nhận quyết định nghỉ hưu thì có người thay ngay. Nhưng thực tế hiện nay nhiều đơn vị phải giao cho cấp phó điều hành, việc này rất khó đối với các vấn đề pháp lý, nhất là đối với các tổng công ty. Vừa qua kiểm điểm, tôi cũng đã thấy trách nhiệm trong việc này và sẽ không để xảy ra nữa" - ông Phong nói.

Gia Hưng – Mai Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI