"Tuyệt chiêu” xử lý chồng nhậu của đàn bà miền Tây

29/10/2021 - 12:07

PNO - Tôi làm dâu miền Tây. Mỗi lần các bà vợ xóm tôi tụ họp thì đề tài không thể thiếu là than phiền chồng nhậu.

Tôi người miền Trung, làm dâu miền Tây nên hồi đầu “mồm chữ O, mắt chữ A” khi thấy cái cách đàn ông xứ này nhậu.

Mở mắt ra đã gầy độ nhậu, các ông có thể súc miệng bằng rượu. Đi làm về nhậu. Đám giỗ, đám cưới… nhậu từ ngày phụ tới ngày chính. Tôi nghe má chồng kể, đã có những người tan nhà nát cửa vì nhậu. Nhưng phần nhiều các bà vợ chấp nhận “sống chung với lũ”. 

Ảnh mang tính minh họa - Ảnh Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Ảnh Jcomp

Xong việc rồi nhậu

Những ngày đầu về làm dâu miền Tây, tôi không sao hiểu được nhà chị Út Cam - cách nhà chồng tôi vài căn - ngày nào cũng có mâm nhậu 5-7 người. Trong lúc chồng và các “chiến hữu” cụng ly khí thế thì chị Út tất bật lo cho bầy heo hơn 50 con ăn, rồi tắm rửa, dọn chuồng heo. Thỉnh thoảng có việc chạy vào nhà, chồng hoặc các “chiến hữu” đưa ly rượu đế cho chị. Chị ực một ngụm, nhón một miếng “mồi” rồi cười hề hề ra cho heo ăn tiếp. 

Tôi lạ bởi quê tôi không có cảnh ăn nhậu như vậy, càng không có chuyện chồng ngồi nhậu, vợ vất vả cày cuốc mà vẫn vui vẻ. Sau, tôi mới biết vợ chồng chị Út có thỏa thuận: Chồng nhậu thì nhậu, nhưng vẫn phải xong việc. Việc của anh là nấu cám heo và nấu lò rượu. Vì vậy, dù có nhậu, nhưng anh vẫn hoàn thành sự phân công lao động, nên không ảnh hưởng đến gia đình. 

Làm dâu miền Tây 5 năm, tôi dần xem chuyện nhậu của các ông chồng là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Tôi rất nể đàn bà miền Tây. Tuy chấp nhận “sống chung với… nhậu”, nhưng các bà đều có bí kíp và cao tay để quản chồng nhậu. 

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Nhậu xong, xúm lại rửa chén, lau nhà

Người có “số má” về chuyện nhậu trong xóm tôi là anh Tám Vị. Mọi người hay đùa là anh không bao giờ “thiếu nước chân” (rượu trong người), và luôn uống “gối đầu”. 

Anh nhậu ngày 2-3 cữ, có bạn cũng nhậu, mà không có bạn thì cũng uống vài chung rượu trong bữa cơm. Tháng 3/2020, anh bị xuất huyết bao tử, người gầy guộc, xanh xao. Bác sĩ dặn anh không được uống rượu. Vợ anh ra tối hậu thư “cấm rượu”, nếu không chị bỏ đi. Anh sợ chết, tuân thủ triệt để. 

Gần bảy tháng sau, bệnh ổn, anh thuyết phục vợ nới lỏng cho anh “nhậu một lần/tuần”. Thấy chồng buồn vì thiếu rượu nên chị động lòng. Nhưng qua tuần thứ hai thì anh Vị nhậu hai bữa liên tục. Chị thắc mắc, anh tỉnh queo “tui nhậu ứng cho tuần sau”. 

Đến tuần sau, anh nhậu bốn bữa, chị lại truy vấn. Anh Vị cười “tụi ứng hết tháng sau”. Vậy là vỡ trận. Không quản được thời gian nhậu của chồng, chị quay qua khống chế “tửu lượng” và không gian: Không được say bét nhè, chỉ được nhậu tại nhà và không được bày bừa. 

Từ đó, mỗi sáng chị đi bán xôi ở chợ thì chồng gầy độ nhậu với bạn tại nhà. Đến 10 giờ chị về thì nhà chị như có cô Tấm từ trong quả thị bước ra: Rửa chén, quét nhà, quét sân tinh tươm. Chuyện thật như đùa này đến từ thông báo của chồng chị với “chiến hữu”: “Tụi bây muốn nhậu ở nhà tao thì phải dọn dẹp sạch sẽ, bày ra bả về chửi chết”. 

Do chị trước đó ra giao kèo: “Ông nhậu thì nhậu, mà phải dọn dẹp sạch sẽ nghen”. Vậy nên, trước khi nhậu, hoặc nhậu xong là mấy ông xúm lại rửa chén, lau nhà, quét sân. 

Trong số “chiến hữu” đó có anh Út Chiếu, làm nghề cào cá. Nhìn anh cặm cụi quét sân bóng loáng, tôi và má chồng thắc mắc: “Không biết ở nhà ổng có chịu dọn vậy hông?”. Chị Tám Vị giải thích: “Không làm dễ gì vợ ổng cho đi nhậu. Vợ ổng bán khoai mì kế tui nè, bả nói việc trong nhà một tay ổng làm đó”. 

Vợ hóa… sư tử

Một lần, nhà tôi có giỗ. An - người cháu rể của tôi - vừa sà xuống đã xí ngay chai rượu, rót lia lịa và hối mọi người uống và trò chuyện, An giữ vai trò là cây hài đinh. Tuy nhiên, tôi vẫn không mấy thiện cảm với An, vì sự vồ vập của An với rượu. 

Sau này khi quen thân, tôi ngồi cùng mâm với chồng và những người họ hàng. Tôi hỏi An về lý do những lần vội vã. An cười: “Vợ con cho đi nhậu chỉ một tiếng đồng hồ. Con không hối anh em nhậu nhanh thì… lỗ. Đơn ly hôn vợ viết sẵn, về trễ là hôm sau lên huyện liền”. 

Tưởng chỉ là câu chuyện hài hước của An, nhưng khi tôi hỏi Quyên - vợ An - Quyên gật đầu: “Con cho nhậu thoải mái… trong một tiếng. Phải có giới hạn mới kìm được mấy ông”. 

“Nhậu thì nhậu, làm thì làm”, ngoài lúc cụng ly, anh An siêng năng phụ vợ làm bánh tráng để bỏ mối
“Nhậu thì nhậu, làm thì làm”, ngoài lúc cụng ly, anh An siêng năng phụ vợ làm bánh tráng để bỏ mối

 

An không phải dạng sợ vợ. Tôi từng chứng kiến cảnh Quyên cơm bưng nước rót cho chồng khi An đi nhậu về. Nhưng An là người tôn trọng thỏa thuận vợ chồng. Cậu ta từng có lần vi phạm thỏa thuận, hôm đó hết “tăng một” ở đám cưới, An đi tăng hai ở đám giỗ đến 7 giờ tối chưa về. Sau nhiều cuộc gọi có lời hứa “anh về liền” vẫn không thấy bóng chồng, Quyên phi tới chỗ nhậu, gọi chồng ra ngoài. 

An vừa ra cửa, Quyên nhào tới như con sư tử vồ mồi: Cào cấu, túm đầu, tay đập bình bịch vào chồng. Cậu em của Quyên ra giải cứu anh rể cũng bị dính một chưởng xước mặt. 

Về nhà, em Quyên mách mẹ: “Bà Quyên bị ai nhập, dữ như quỷ”. Câu chuyện này nhanh chóng loan truyền khắp xóm Cái Hố, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

“Anh về em nói chuyện này xíu”

Cao thủ trong quản chồng nhậu của xóm tôi là cô giáo Trang. Chồng chị có một hội bạn thân, cứ 2-3 ngày lại tổ chức nhậu, mỗi lần nhậu lai rai từ sáng đến chiều, hoặc từ chiều đến khuya lơ khuya lắc. 

Ngày nào, mấy ông nhậu cũng có hết đứa trẻ này đến đứa trẻ khác réo ba về. Các ông hứa “chút ba về”, nhưng con vừa khuất dạng thì bay mất lời hứa. Chị Trang không sai con đi, mà chính chị đi. Chị không vào nhà, mà đứng ngoài ngõ. Chị cất tiếng: “Anh về nhà xíu đi, em nói chuyện xíu hà”. Anh Hưng - chồng chị - nhẹ nhàng: “Em về trước đi, chút chút anh về liền”. 

Chị Trang vẫn đứng đó, mặc trời nắng hay mưa, giọng ngọt như rót mật: “Anh về xíu đi, em nói chuyện xíu rồi anh quay lại”. Chỉ một câu, chị kiên nhẫn lặp lại vài chục đến cả trăm lần trong mỗi lần gọi chồng, với cùng âm lượng, sắc độ. 

Nói thật, đó là câu nói dịu dàng nhất tôi từng được nghe. Anh Hưng cũng kiên trì trả lời đúng một câu: “Em về trước đi, chút chút anh về liền” và tiếp tục cuộc nhậu. Nhưng không còn cảnh cụng ly rôm rốp, vỗ đùi đen đét và tiếng khà sảng khoái của mấy ông. Mấy ông đều trở nên căng thẳng, vẻ như rón rén uống. Có lần chồng tôi tham gia, anh nói lúc đó ly rượu đắng nghét thật sự. Ai cũng trông anh Hưng về nhà để đỡ căng thẳng, còn anh Hưng có lẽ sợ đứng lên theo vợ về thì quê với hội bạn nên cũng ngồi lì. 

Tôi nhớ những cảnh đó y như trong phim và tôi hóng chờ kết quả xem ai thắng. Còn má chồng tôi và các bà thím trong xóm thì la: “Hoặc tao về nhà ngủ cho “phẻ”, hoặc tao nhào vô lôi cổ nó về rồi, tới đâu thì tới, chớ hơi nào đứng ngoài nắng mấy tiếng đồng hồ”. 

Và sau hơn ba tiếng đồng hồ vờn “về” - “chút về”, anh Hưng đành đứng lên theo vợ ra về. Thật ra, chị Trang từng ăn tát vì “tội” dám đứng đợi chồng, nhưng sau mấy lần về trước mà chồng vẫn bặt tăm, chị chấp nhận chịu đựng, kiên nhẫn đến cùng.

Kết cuộc, anh Hưng và cả hội bạn nhậu đều ớn cái câu ngọt như mía lùi “anh về em nói chuyện này xíu đi”, nên chị Trang vừa cất giọng “anh về…” thì anh Hưng uống hết tua là đứng lên. Hiện, chỉ hiếm hoi trong đám tiệc anh mới nhậu với hội bạn. Anh chị mở trang trại chăn nuôi heo, chí thú làm ăn và vừa xây ngôi nhà thật to.

Chuyện nhậu ở miền Tây hay xóm tôi không có gì lạ, nó cũng phần nào phản ánh văn hóa vùng đất trù phú. Nhưng vẫn có cái lạ là giờ đây các ông không nhậu say bét nhè như ngày xưa, không chửi lộn, đánh lộn như ngày xưa, cũng không còn đi nhậu về đập phá đồ đạc, rượt vợ đánh con như ngày xưa… Tất cả những thay đổi đó có tác nhân chính yếu là “hậu phương” của các ông.

Ngày xưa, các chị/các mẹ không có tiếng nói vì hoàn toàn lệ thuộc vào chồng, và họ luôn có tâm lý cam chịu, chịu đựng các ông chồng nhậu. Về sau, các chị/các mẹ, ngoài việc đồng áng, còn đi mua bán, làm mướn… nên có đồng ra đồng vào. 

Đàn bà miền Tây cũng không còn tâm lý mặc nhiên chịu đựng, đã có những góp ý, thỏa thuận với chồng về việc nhậu. Và những góp ý, thỏa thuận đó đã giúp các ông chồng tiết chế hơn khi nhậu. 

Giang Thùy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.