|
Tuyệt chiêu siêu diễn chỉ là hát nhép và giả gái để gây cười? |
Được quảng cáo khá rầm rộ, nhưng ngay từ số đầu tiên phát sóng (ngày 20/7), gameshow Tuyệt chiêu siêu diễn (TCSD - do Đài Truyền hình TP.HCM và công ty Điền Quân phối hợp thực hiện) đã khiến không ít người xem hoang mang vì mức độ nhảm của chương trình.
Được Việt hóa từ chương trình Lip Sync Ultimate của tập đoàn giải trí quốc tế Imagine Group, TCSD được nhà sản xuất giới thiệu là gameshow mang tính giải trí cao, kết hợp cả âm nhạc và hài hước. Tiêu chí thắng giải của TCSD dựa trên ba yếu tố theo thứ tự ưu tiên: tính sáng tạo, tính hài hước và giải trí, tính chuyên nghiệp trong diễn xuất.
Tiêu chí là vậy, nhưng sau cả ba tập phát sóng, sự sáng tạo rõ ràng là điều xa xỉ khi mỗi thí sinh ngay từ cách xây dựng câu chuyện, phong cách nhân vật, bối cảnh, đạo cụ… không thấy điểm gì khác biệt. Đa số các tiết mục dự thi đơn thuần chỉ là nhép miệng và nhảy nhót. Thậm chí như phần thi của các thí sinh (TS) Mã Lập Vĩ (tập 1), Quốc Đạt (tập 2) nhép giọng chứ không có bất kỳ diễn xuất nào mà vẫn được chọn để ghi hình phát sóng.
Đáng nói hơn, tên gọi của chương trình là TCSD, nhưng yếu tố diễn gần như không có, nói chi “siêu diễn” cho quá xa vời. Bên cạnh đó, khả năng nhảy múa, kỹ thuật dàn dựng của phần đông TS có giới hạn nên ngay cả phần múa minh họa cũng chưa thật sự ấn tượng nếu không muốn nói đôi khi làm người xem… rối mắt vì mạnh ai nấy múa loạn xạ trên sân khấu.
Yêu cầu các tiết mục biểu diễn của người chơi phải mang đậm yếu tố hài hước và giải trí, nhưng phải chăng giả gái chính là yế u tố giải trí và hài hước của TCSD? Cả ba tập phát sóng, tập nào TS cũng giả gái. Mỗi tập ít nhất có hai tiết mục, riêng tập 2 có đến bốn trong số sáu tiết mục phát sóng giả gái của các TS Thanh Quang, Minh Tiến, Duy Ân và Hồng Phong. Ngoại trừ tiết mục của TS Minh Tiến khán giả có thể chấp nhận vì dù không nhiều khả năng diễn xuất, nhưng anh chàng vũ công tự do này còn có khả năng nhảy múa.
Trước đó, ở tập 1, tiết mục của TS Minh An cũng khiến người xem khó chịu khi anh chọn hai diễn viên nam đóng giả gái để phụ diễn cho phần thi của mình. Phải chăng đây là cách TS này cố kiếm tiếng cười để thoả mãn tiêu chí của chương trình, bất chấp mọi lý do? Hay ở tập 3, người xem cũng ngơ ngác với tiết mục hát nhép và tạo dáng giống ca sĩ Hồ Ngọc Hà của TS Quang Diệu. Một TS nam nhép giọng nữ và tạo hình, uốn éo cho giống một nữ ca sĩ liệu có gì để gọi là tuyệt chiêu, là tài năng hay sự hài hước?
Vì sao những người thực hiện chương trình cứ phải cho TS nam nhép ca khúc của ca sĩ nữ rồi uốn éo, vặn vẹo? Chẳng lẽ âm nhạc Việt Nam và thế giới nghèo nàn đến mức các TS nam không thể chọn được cho mình một ca khúc nào của ca sĩ nam để nhép và diễn nên đành giả gái để giả giọng nữ? Là một gameshow truyền hình được phát sóng rộng rãi, khán giả nhỏ tuổi, đặc biệt là trẻ ở tuổi mới lớn sẽ nghĩ gì trước hình ảnh những TS nam mặt hoa da phấn, mắt xanh, môi đỏ ngúng nguẩy, đong đưa… tràn ngập trên màn ảnh nhỏ?
Những tiết mục giả gái cứ hồn nhiên diễn ra, những người “cầm cân nẩ y mực” không hề có một lời nhắc nhở người chơi, hoặc thắc mắc vì sao lại phải giả gái. Ngược lại, nhiều tiết mục giả gái được các giám khảo khen ngợi tán thưởng bằng những tràng cười hô hố ngay trên ghế nóng. Giám khảo Thu Trang, sau phần thi của Minh An còn cao hứng “Tiết mục hấp dẫn. Chị thích hai bà con gái kia” và tiếc vì Minh An không bựa bằng hai người bạn giả gái! Hay tiết mục của TS Phúc Lợi (tập 3) với câu chuyện cô gái quê đi lừa chàng trai mới quen nhưng bị “gậy ông đập lưng ông” trên nền ca khúc Phải lòng con gái Bến Tre không chỉ gây khó chịu vì màn giả gái mà còn vì nội dung câu chuyện kể khá xa lạ với nội dung ca khúc.
Thế nhưng Tiến Luật vẫn bày tỏ sự thích thú vì cho rằng TS có “trò” và “đã là siêu diễn thì phải có trò xem mới thú”. Thu Trang còn tặng thêm lời khen: “Có đầu tư… Chị cũng rất thích”. Điều đáng nói ở đây, không chỉ vai trò của giám khảo, mà chính trách nhiệm biên tập, định hướng của nhà đài. Cả nhà đài lẫn đơn vị sản xuất chương trình quá dễ dãi và cẩu thả khi chọn lựa và thực hiện những chương trình giải trí phát sóng trên truyền hình.
“Bựa”, “xàm” - những từ ban giám khảo TCSD thường sử dụng trong phần nhận xét người chơi có lẽ là lời bình luận đúng nhất dành cho chương trình này. Chẳng phải để tìm sự hài hước, dí dỏm (vì chẳng có gì để cười khi người chơi chỉ biết hát nhép và cố tình làm lố bằng những động tác hình thể hay kiểu hát bẻ miệng, trợn mắt để cố tạo sự khác lạ), cũng không thể tìm kiếm tài năng hoặc những ý tưởng sáng tạo chỉ từ việc nhép, TCSD đang được nhiều khán giả điểm danh và liệt kê thêm vào danh sách những gameshow hài nhảm và lố trên truyền hình.
Theo quy định hiện hành, việc hát nhép đang bị cấm khi trình diễn trước công chúng, nhưng những gì đang diễn ra ở TCSD thì dường như lại đang cổ xúy cho hành vi sai trái này.
Phương Minh