Tuyệt chiêu giữ quả cam Vinh của lão nông xứ Nghệ

01/12/2024 - 07:43

PNO - Nhờ phun hỗn hợp nước cá lên men để xua đuổi bướm, ruồi vàng, vườn cam của ông Biên hạn chế được tình trạng cam rụng hàng loạt dù sản lượng cam cả xã bị sụt giảm.

Cam rụng hàng loạt, giá “nhích” nhẹ

Những ngày cuối tháng 11, các chủ vườn cam Vinh ở tỉnh Nghệ An đã bắt đầu mở trại, thu hoạch cam bán ra thị trường. Bà Nguyễn Thị Hoàng (trú xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) cho biết, năm nay cam chín muộn hơn so với những năm trước. Thời điểm này, đa số chủ các vườn cam mới bắt đầu chọn quả chín để cắt bán.

Theo bà Hoàng, vụ thu hoạch cam thường kéo dài 2-3 tháng. Dự kiến khoảng giữa tháng 12 cam sẽ chín để thu hoạch đại trà, kéo dài đến tết Nguyên đán. Năm nay vườn cam của bà rụng khá nhiều, giảm 20% sản lượng. Nhưng bù lại quả to, đẹp và chất lượng ổn định nên giá bán đầu vụ đã tăng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chủ vườn cam Vinh bắt đầu vào vụ thu hoạch, cung ứng ra thị trường
Các chủ vườn cam Vinh bắt đầu vào vụ thu hoạch, cung ứng ra thị trường

Nếu như trước đây các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… được xem là vựa cam Vinh, thì nay đa số các vườn cam ở đây đã bị thoái hóa, phải chuyển sang cây trồng khác, các vựa cam Vinh cũng vì thế dịch chuyển dần về các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành.

Bà Nguyễn Thị Sử (62 tuổi, trú xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cho biết, nếu như thời điểm này năm ngoái những người làm nghề hái cam thuê đã tất bật công việc cả ngày thì nay họ mới thỉnh thoảng có chủ vườn thuê. Năm nay cam chín muộn, quả lại rụng nhiều. Một số vườn cam giảm sản lượng tới 30%.

Tỉ mỉ kiểm tra những chùm cam trĩu quả trên cây, ông Trương Văn Biên (trú xã Đồng Thành) cho biết, thời tiết năm nay rất khắc nghiệt, song tháng nào cũng có mưa nên khá thuận lợi cho cây cam phát triển. Tuy nhiên, sương muối lại xuất hiện nhiều khiến cam rụng hàng loạt thời điểm mới đậu quả và khi bắt đầu chín.

Ông Biên kiểm tra chất lượng cam trong vườn để chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch đại trà
Ông Biên kiểm tra chất lượng cam trong vườn để chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch đại trà

“Gần 1 tháng trước, khi cam bắt đầu chín bói thì cam của nhiều người trong vùng bắt đầu rụng hàng loạt. Khi kiểm tra vườn, tôi nghĩ khả năng cao là do sương muối nên dùng máy bơm phun nước lên để rửa cho cả vườn. Nhờ vậy nên tỉ lệ cam rụng giảm rất nhiều so với nhiều vườn cam khác bên cạnh” - ông Biên nói.

Hơn 2.400 gốc cam Xã Đoài lòng vàng hơn 10 năm tuổi của gia đình ông năm nay ước đạt hơn 50 tấn trái, giảm 20 tấn so với vụ cam năm ngoái. Với giá bán 35.000-45.000 đồng/kg như hiện tại, ông Biên dự tính vẫn có lãi hơn 1 tỉ đồng sau khi đã trừ các chi phí đầu tư.

Dùng nước cá lên men xua đuổi sâu bọ

Hơn chục năm gắn bó với cây cam, ông Biên nói rằng, trồng cam không quá khó nhưng cần sát sao để kịp xử lý nhanh khi gặp bất thường. “Loại này khó tính, khó chiều, mẫn cảm với thời tiết, côn trùng phá hoại. Vì thế nên trồng cam dễ phất lên nhưng cũng dễ bể nợ lắm” - ông Biên nói.

Hỗn hợp nước cá lên men được ông Biên để sẵn dưới các gốc cây cam để phun đuổi bướm, ruồi vàng khi chúng xuất hiện
Hỗn hợp nước cá lên men được ông Biên để sẵn dưới các gốc cây cam để phun đuổi bướm, ruồi vàng khi chúng xuất hiện
Sau khi ủ, nước cá có màu đen, mùi tanh nồng nặc
Sau khi ủ, nước cá có màu đen, mùi tanh nồng nặc

Theo ông Biên, để hạn chế côn trùng, sâu bọ mỗi chủ vườn có một cách làm riêng. Để bảo vệ vườn cam, lão nông này đã kỳ công tìm ra nguyên lý hoạt động của sâu bướm, ruồi vàng rồi chế tạo ra hỗn hợp nước cá lên men để phun; ủ riềng, gừng, tỏi… để làm chế phẩm sinh học phun trừ sâu, nhện đỏ… thay cho các hóa chất.

“Với loại chế phẩm phòng ruồi vàng, tôi phải dùng cá đồng, mật, nước lã và chế phẩm EM ủ ít nhất 6 tháng. Mùi của loại nước này có mùi tanh rất khó chịu, nhiều người ngửi vào thậm chí còn buồn nôn” - ông Biên nói và cho hay, loại bướm ngài, ruồi vàng thường theo mùi hương của cam để chích hút gây hại, khi phun hỗn hợp này, mùi tanh nồng của cá lấn át mùa cam nên chúng sẽ không vào vườn.

Hỗn hợp nước cá lên men cũng được ông Biên phun theo hình chữ thập hoặc theo vùng, chứ không phun lên toàn bộ vườn cam. So với sử dụng hóa chất phòng trừ dịch bệnh trên cây cam thì chế phẩm sinh học tự tạo chi phí rẻ hơn rất nhiều, giúp ông tiết kiệm được gần 80 triệu đồng mỗi năm so với trước đây. Không chỉ tiết kiệm chi phí, phương pháp này còn giúp vườn cam của ông Biên phát triển khoẻ mạnh, sai quả và giảm mạnh tỉ lệ rụng quả những năm qua.

Cam Vinh hiện được thương lái thu mua tận vườn với giá 35.000-45.000 đồng/kg
Cam Vinh hiện được thương lái thu mua tận vườn với giá 35.000-45.000 đồng/kg

Ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành - cho biết, toàn xã có 128ha cam, trong đó có 70ha đã cho thu hoạch quả, sản lượng đạt gần 1.000 tấn mỗi năm. Những năm qua, một số chủ vườn cam đã chủ động dùng các loại chế phẩm sinh học, hoặc đầu tư làm màng lưới để xua đuổi sâu bọ, ruồi vàng thay cho các loại thuốc hóa chất. Nhờ vậy, thương hiệu cam Đồng Thành ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, tin dùng vào dịp tết.

Năm nay, nhiều vườn cam trên địa bàn xã xuất hiện tình trạng rụng quả khá nhiều khiến sản lượng cam toàn xã có xu hướng giảm. “Nhiều vườn bị rụng quả tới 30%, cũng không rõ nguyên nhân nhưng có thể là do thời tiết” - ông Tuấn nói.

Năm 2007, cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với quy mô 12 xã thuộc 5 huyện. Đến năm 2019, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được mở rộng lên 73 xã thuộc 11 huyện.

Năm 2022, Nghệ An có hơn 3.000ha cam, song đến nay giảm chỉ còn 1.800ha. Một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích cam Vinh giảm mạnh được xác định là do lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng cam khiến đất bị thoái hóa, gây bệnh.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI