Tuyển sinh vào ngành sư phạm: Bao giờ hết khó?

20/08/2018 - 06:18

PNO - Trong khi nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài sư phạm tuyển sinh khá thuận lợi, nhiều trường ngoài công lập còn không cần xét tuyển bổ sung thì nhiều trường sư phạm mới chỉ tuyển khoảng 50% chỉ tiêu và phải trông chờ vào đợt tuyển… vét.

Viễn cảnh được báo trước

Mới đây, Trường đại học (ĐH) Sư phạm Thái Nguyên thông báo tuyển thêm 215 chỉ tiêu. Ngay như ngành sư phạm tiếng Anh bậc ĐH và cao đẳng (CĐ) cũng vẫn phải tuyển bổ sung. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thiếu gần 400 chỉ tiêu cho 10 ngành sư phạm bậc ĐH. Trường ĐH Tây Nguyên còn sáu ngành sư phạm thiếu chỉ tiêu… 

Tuyen sinh vao nganh su pham: Bao gio het kho?
Có chính sách ưu đãi nghề giáo mới thu hút được người học thi vào ngành sư phạm. Trong ảnh: một tiết học của thầy trò Trường THPT Thăng Long (TP.HCM)

Với các trường ĐH sư phạm lâu năm mà vẫn phải tuyển bổ sung thì những trường ĐH mới, ít tiếng tăm sẽ vô cùng khó khăn. Cụ thể là một loạt trường như ĐH Quảng Bình, ĐH Tân Trào, ĐH Đồng Tháp, ĐH Quy Nhơn, ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Hùng Vương, ĐH Phú Yên, Trường ĐH Văn hóa Thể thao Du lịch Thanh Hóa… đều phải tuyển bổ sung ngành sư phạm cả bậc ĐH lẫn CĐ.

Ngành sư phạm khó tuyển sinh là viễn cảnh đã được dự báo trước. Tình hình tuyển sinh nhóm ngành này gần đây thật đáng thương. Mới năm ngoái, xã hội một phen hoảng hồn khi nhiều ngành sư phạm chỉ cần hơn 10 điểm (ba môn) là đậu. Dư luận đặt vấn đề, chất lượng người thầy sẽ đi về đâu?

Để đối phó dư luận, năm nay Bộ GD-ĐT đưa ra điều kiện điểm tối thiểu (điểm sàn) để được đăng ký vào sư phạm là từ 17 (đối với ĐH), từ 15 (đối với CĐ) và từ 13 (đối với trung cấp). Đây cũng là khối ngành duy nhất bị xác định điểm sàn. Điều này làm cho khối ngành sư phạm đã khó tuyển lại càng thêm khó. Và kết quả như trên là điều tất yếu. Về nguyên tắc, các trường còn có thể vớt vát ở đợt tuyển bổ sung, nhưng khả năng cũng rất mong manh.

Chưa có giải pháp thu hút thí sinh 

Trong khi đó, đào tạo sư phạm, ở nhiều nước, được xem là khối đào tạo trọng yếu và danh giá bởi nó đào tạo ra người thầy - nhân tố chính quyết định chất lượng của cả một nền giáo dục phổ thông quốc gia. Như ở Phần Lan - đất nước nhỏ bé nhưng có nền giáo dục phổ thông số một thế giới - chọn người học sư phạm nằm trong 10% thí sinh giỏi nhất và phải học đến thạc sĩ. 

Ở ta, nguyên nhân của việc không có người vào học đơn giản là vì thí sinh, đặc biệt là những thí sinh giỏi, không muốn vào. Khi người học không thích thì việc tăng điểm sàn không thể xem là biện pháp có thể xoay chuyển tình thế. Nếu trong đợt tuyển vớt, có được những thí sinh điểm cao thì đó cũng là những thí sinh không có ước vọng trở thành người thầy ngay từ ban đầu. Hiệu suất đào tạo và hiệu quả sử dụng về sau chắc chắn sẽ không cao khi người thầy không có sự đam mê cháy bỏng. Và cuối cùng, các thế hệ học trò sẽ phải trả giá.

Tình huống ấy đâu phải chưa từng được cảnh báo, nhưng bấy lâu, ngành giáo dục vẫn làm chính sách theo kiểu… đẽo cày giữa đường. Việc tuyển sinh cho khối ngành hết sức đặc biệt mà không được nghiên cứu, phản biện chỉn chu thì tất yếu phải nhận lấy hậu quả. Một người bình thường cũng nhìn ra vấn đề: muốn đầu vào sư phạm tốt thì đầu ra phải thật tốt. Thế nhưng, các nhà chính sách lại thích làm ngược.

Nghề rủi ro cao nhất, áp lực nhiều nhất, nhạy cảm bậc nhất, nhưng thu nhập lại thuộc nhóm thấp nhất. Hàng loạt sinh viên sư phạm học xong, không qua được vòng thi tuyển viên chức vì những lý do rất tế nhị, phải chấp nhận làm thầy giáo “hạng hai”. Hàng ngàn giáo viên sau hàng chục năm dạy hợp đồng với đồng lương bèo bọt đang đứng trước nguy cơ mất việc…  

Chúng ta không thể so sánh với những nước giàu có trên thế giới, nhưng chúng ta có quyền đòi hỏi người thầy phải được đối đãi tử tế, phải được nâng vị thế. Khi ấy, chỉ những thí sinh rất giỏi mới dám thi vào sư phạm và những ai đậu vào sư phạm chắc hẳn sẽ hãnh diện lắm thay. 

 Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI