Không cần chọn phương thức đăng ký nguyện vọng
Ngày 2/4, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD-ĐT - đã có lưu ý một số điểm mới trong kế hoạch tuyển sinh ĐH, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023 vừa ban hành. Theo đó, ngay từ thời điểm này, thí sinh tham gia xét tuyển sớm cần cập nhật thông tin các trường đã công bố để nắm được phương thức, thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển sớm. Năm nay, các trường tổ chức xét tuyển sớm, thông báo kết quả và cập nhật danh sách xét tuyển sớm lên hệ thống trước 17 giờ ngày 8/7. Thí sinh đã có kết quả trúng tuyển xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống chung của bộ.
Năm 2023, thí sinh đăng ký xét tuyển hoàn toàn trực tuyến và không giới hạn số nguyện vọng trong thời gian 3 tuần, từ ngày 10 đến 30/7. Trong thời gian này, thí sinh cũng được thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần. Dự kiến các em biết kết quả thi tốt nghiệp THPT trong khoảng ngày 17 đến 19/7, lúc này vẫn còn thời gian đăng ký nguyện vọng nên rất thuận lợi cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng phù hợp với điểm thi của mình. Đến ngày 25/7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe. Khi đó, thí sinh xét tuyển vào các khối ngành này vẫn còn thời gian điều chỉnh nguyện vọng. Đặc biệt, các bước tuyển sinh trực tuyến đều được đẩy lên sớm và rút ngắn thời gian để các trường có thể khai giảng vào đầu tháng 9/2023.
|
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào Trường đại học Nguyễn Tất Thành năm 2023 - Ảnh: P.T. |
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, về cơ bản kỳ thi tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm 2023 giữ ổn định như quy chế đã ban hành năm 2022. Tuy nhiên có một số điểm trong quy chế đến năm 2023 mới có hiệu lực. Trong đó, đối với điểm ưu tiên theo khu vực chỉ áp dụng trong 2 năm là năm thi tốt nghiệp THPT và năm kế tiếp. Ngoài ra, với tổ hợp 3 môn thi, từ mức 22,5 điểm trở lên thì điểm ưu tiên khu vực, đối tượng sẽ giảm dần để đến 30 điểm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên nữa. Bên cạnh đó, năm nay các trường cũng phải công bố quy chế tuyển sinh dựa trên quy chế của Bộ GD-ĐT, trong đó phải đưa ra những phương án giải quyết rủi ro nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.
Một đổi mới về kỹ thuật là hệ thống phần mềm hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT được hoàn thiện hơn để khi thí sinh đăng nhập vào hệ thống, ở mỗi bước đều hiển thị những hướng dẫn kỹ càng, tránh tối đa sai sót. Đặc biệt năm nay khi đăng ký trực tuyến, thí sinh chỉ cần đăng ký ngành và trường chứ không cần lựa chọn phương thức nữa. Bộ và các trường sẽ giúp các thí sinh đỗ vào nguyện vọng tốt nhất theo phương thức phù hợp nhất. Điều này là để tránh tình trạng nhiều thí sinh nhầm lẫn phương thức xét tuyển như năm trước.
Chiến lược chọn nguyện vọng
Bà Nguyễn Thu Thủy lưu ý thí sinh nên nghiên cứu trước các nguyện vọng ngay từ thời điểm này chứ không đợi đến ngày 10/7. Đồng thời, các em cần sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vì mỗi em chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo thứ tự đăng ký. Thí sinh không nên đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng để tránh rủi ro nhưng cũng không nên đăng ký quá nhiều.
Trước băn khoăn của thí sinh có nên đặt nguyện vọng vào những ngành đào tạo mới mở, bà Nguyễn Thu Thủy cho hay, mỗi khi mở ngành mới, các trường đều có khảo sát dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và đảm bảo các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Khi lựa chọn theo đuổi các ngành nghề mới, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội vì là người đi đầu, song bên cạnh đó các em lại thiếu kinh nghiệm của người đi trước. Do đó, quan trọng là các trường phải công bố đầy đủ thông tin về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cơ hội thực hành, thực tập đến thí sinh. Nếu chưa có đủ thông tin thì các em không nên vội vàng quyết định.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo - Trường ĐH Hùng Vương TPHCM - đánh giá thời điểm này vẫn có những học sinh còn bối rối trong việc lựa chọn nguyện vọng của mình. Theo bà, giữa chọn trường và chọn ngành, các em cần tập trung chọn ngành trước, vì ngành đi đôi với nghề, là công việc mà các em gắn bó sau này. Nếu không thích, không đam mê ngành học thì thí sinh khó theo học và cũng không thể gắn bó với nghề. Sau khi đã chọn ngành nghề phù hợp đam mê, năng lực thì đến chọn trường, căn cứ theo năng lực học tập và khả năng tài chính. “Không nên chọn nguyện vọng vào trường quá cao so với năng lực vì khó đậu. Cũng không nên chọn trường có mức học phí quá cao so với khả năng tài chính gia đình vì có thể sẽ không theo nổi 4 năm học” - bà Nguyễn Thị Mai Bình khuyên.
Để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành mình yêu thích, tiến sĩ Lê Xuân Trường - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM - góp ý thí sinh cần tham khảo ý kiến gia đình, thầy cô để có chiến lược đặt thứ tự nguyện vọng một cách thông minh. Nếu thích 1 ngành học, thí sinh chọn các nguyện vọng ở những trường phù hợp năng lực. Ngoài ra, các em chọn thêm vài trường cao hơn và vài trường thấp hơn năng lực. Thông thường nên đặt những nguyện vọng vừa với năng lực ở thứ tự 3-4 trong danh sách, dự phòng một số nguyện vọng cao hơn và một số nguyện vọng thấp hơn để tăng cơ hội trúng tuyển.
Xu hướng đào tạo liên ngành có lợi cho sinh viên Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM - đánh giá xu hướng chọn ngành nghề năm nay về cơ bản vẫn tập trung vào những nhóm ngành “hot”, như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh... Bên cạnh đó, có một số nhóm ngành mới được thí sinh quan tâm gần đây như nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo... Đặc biệt, nhu cầu lựa chọn nhóm ngành mang tính liên ngành đang tăng cao, chẳng hạn thương mại điện tử, quản lý chuỗi cung ứng logistics. Do đó, năm nay ĐH Quốc gia TPHCM đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thí sinh. Hiện nay, ĐH Quốc gia TPHCM có những chính sách cho phép sinh viên học ngành chính ở 1 trường và học ngành phụ ở các trường thành viên, chính sách cấp song bằng... Chẳng hạn, sinh viên Trường ĐH Bách khoa có thể đăng ký học phần ở Trường ĐH Kinh tế - Luật, sinh viên Trường ĐH Quốc tế có thể học thêm tín chỉ ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Giữa các trường thành viên có sự trao đổi để có những chương trình liên ngành. Năm nay, các trường chú trọng đến chương trình liên ngành, song bằng, ngành chính - ngành phụ, mục đích để sinh viên có nhiều cơ hội được đào tạo năng lực liên ngành đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Thạc sĩ Cao Quảng Tư - Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn - cũng cho rằng xu hướng đào tạo hiện nay là 1 ngành học có thể có nhiều hướng đi sau tốt nghiệp, có tính liên ngành, cung cấp cho sinh viên nhiều kỹ năng khác nhau. “Chẳng hạn, ngành học rất thu hút thí sinh là thương mại điện tử. Chúng ta đang sống trong thời đại số, nhu cầu mua bán hàng hóa qua nền tảng online rất lớn. Muốn vận hành hệ thống sàn thương mại điện tử cần nhân viên vừa có kiến thức kinh doanh, quản trị vừa có kỹ năng công nghệ thông tin. Do đó, đây là một trong những nghề đòi hỏi đào tạo liên ngành, phù hợp xu thế công nghệ” - ông Cao Quảng Tư nói. |
Các mốc đăng ký, xét tuyển đại học 2023 - Thí sinh thi tốt nghiệp THPT vào ngày 28 và 29/6. - Thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngày 17-19/7. - Thí sinh đăng ký nguyện vọng trực tuyến từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7. - Thí sinh thanh toán trực tuyến từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8. - Các trường thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 trước 17 giờ ngày 22/8. - Thí sinh tiến hành xác nhận nhập học trực tuyến trước 17 giờ ngày 6/9. |
Phương Thanh