Tuyển sinh lớp một: Trông người mà nghĩ đến ta

04/04/2018 - 08:51

PNO - Tất cả đều minh bạch, rõ ràng, không có sự gửi gắm, không làm chiếu lệ và thiên vị như ta...

LTS: Dù đến tháng Năm các quận, huyện mới phân tuyến cho việc tuyển sinh lớp Một, nhưng thời điểm này nhiều phụ huynh đã tìm đường chạy chỗ học cho con. Việc chạy trường cùng với những nguyên do khác khiến cho công tác tuyển sinh vào lớp Một tại TP.HCM năm nào cũng gây xôn xao dư luận. Về vấn đề này, thạc sĩ Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, người có cơ hội đi học tập ở nhiều nước - đã gửi bài phân tích cho Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Tôi được sang Pháp cùng đoàn giáo dục tiểu học TP.HCM theo chương trình dạy tiếng Pháp. Chúng tôi đến thăm một số trường tiểu học và gặp nhiều em học sinh (HS) Việt Nam đang học tại đây. Có em mới cùng gia đình đến Pháp 1 năm, có em 2 năm... Tôi tìm hiểu và bất ngờ với cách họ gọi HS vào học và tiếp nhận HS mới.

Theo đó, ở mỗi khu vực hành chính có một ban giáo dục. Ban này sẽ tiếp nhận hồ sơ HS, lên danh sách vào lớp Một và chuyển xuống trường để nhà trường làm thủ tục tiếp nhận. Độ tuổi nào thì học lớp đó. Dù ngôn ngữ các em mới định cư chưa rành, nhưng không sao, nhà trường sẽ giúp em từng bước để hòa nhập.

Ngoài ra, ban giáo dục cũng sẽ xem xét hồ sơ cha mẹ và thu nhập gia đình của HS để quyết định là phụ huynh sẽ phải đóng tiền ăn ở trường toàn phần, được giảm bao nhiêu, được trợ cấp hoàn toàn hoặc cấp học bổng… Địa phương sẽ lo hết những “chuyện bên lề” để hiệu trưởng tập trung cho công tác giáo dục.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý về chuyên môn, quản lý nhà trường, quản lý giờ lên lớp của giáo viên và hồ sơ sổ sách chứ không phải làm nhiệm vụ gọi HS hay tuyển sinh vào đầu năm học như ở ta. Nếu không có nhà riêng, hiệu trưởng sẽ ở nhà công vụ và được hưởng một số chính sách theo quy định. 

Tuyen sinh lop mot: Trong nguoi ma nghi den ta
 

Về chuyên môn, thanh tra giáo dục ở Pháp có quyền hạn rất lớn, như đề nghị cho giáo viên lên lương; kỷ luật hạ bậc lương khi vi phạm, sai sót; hoặc  phải đi tu nghiệp… Thanh tra giáo dục gần như là hội đồng độc lập để đánh giá, phản biện. Tất nhiên, hiệu trưởng không thể và cũng không cần… thâu tóm quyền lực.

Tôi cũng từng đưa đoàn hiệu trưởng tiểu học TP.HCM đi học tập kinh nghiệm các trường tiểu học Singapore, trong đó có  trường tiểu học Nanyang. Ngôi trường thật lý tưởng, từ cơ sở vật chất đến các hoạt động giáo dục. Tại phòng truyền thống có hình ảnh của quá trình xây dựng nhà trường từ bãi đất đến ngôi trường khang trang. Trong đó, có hình ảnh ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore hiện nay, dắt tay đứa con mình lúc tan trường...

Chúng tôi cảm nhận được rằng, HS ở đây thật hạnh phúc. Cô hướng dẫn của chúng tôi là người Việt Nam định cư tại Singapore nhờ tôi xin cho con cô được vào học khi gặp hiệu trưởng. Chúng tôi ngỏ lời, nhưng vị hiệu trưởng cho biết việc tuyển sinh được làm theo quy định. Con của viên chức chính phủ được chọn trường cho thuận tiện công việc mà bố mẹ đang đảm trách và các trường tiểu học sẽ ưu tiên tiếp nhận. Tiếp đến là con em của những gia đình đang sống xung quanh trường theo bán kính quy định.

Ngoài các thành phần trên, nhà trường sẽ thông báo công khai số lượng học sinh sẽ được tiếp nhận thêm. Nếu số lượng này là 100 em thì hội đồng nhà trường sẽ dành 50% cho những phụ huynh đóng góp tiền để phát triển các hoạt động nhà trường, lấy từ trên xuống một cách công khai. 50% còn lại sẽ dành cho những phụ huynh đóng góp công sức như đăng ký lao động bằng nhiều hình thức cho nhà trường trong thời gian rảnh rỗi và phù hợp với năng lực, thời gian của mình.

Cuối đợt đóng góp, hội đồng nhà trường sẽ ghi nhận tấm lòng của những phụ huynh đã tận tụy với con em mình và sẽ bình chọn để được nhận con vào học. Tất cả đều minh bạch, rõ ràng, không có sự gửi gắm, không làm chiếu lệ và thiên vị như ta... 

Trở lại với TP.HCM, câu chuyện vào lớp Một luôn nóng khi tới mùa tuyển sinh. Cha mẹ có con sắp vào lớp Một đều lo lắng, chạy vạy nhờ giới thiệu vào trường tốt nhất. Nhưng từ khi nào điều đơn giản là vào lớp Một trở thành khó khăn mỗi khi đến mùa nhập học? Trong khi trên lý thuyết, tất cả trường tiểu học của TP.HCM đều tốt, thầy cô đều đủ chuẩn. Nhưng có lẽ điều này chưa đủ thuyết phục.

Lúc còn công tác, tôi vẫn đề nghị các trường tiểu học giới thiệu cho phụ huynh và các cháu học trường mầm non trong vùng, cho các cháu đi tham quan làm quen với nơi mình sắp vào lớp Một. Trường giới thiệu với cha mẹ học sinh về cơ sở vật chất và hoạt động giáo dục và hãy cho phụ huynh có niềm tin vào nhà trường. 

Tôi luôn mong ước có sự công bằng trong giáo dục tiểu học vì đó là nền tảng của văn minh, khởi đầu cho tình yêu thương và hạnh phúc của con người. 

ThS Lê Ngọc Điệp 
nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI