Tuyển sinh lớp Một: Gồng gánh áp lực đón học sinh tuổi “dê vàng”

04/08/2021 - 06:26

PNO - Năm học 2021-2022 là năm lứa trẻ sinh năm 2015 bắt đầu vào lớp Một. Tuổi “dê vàng” được dân gian quan niệm là tuổi đẹp nên gây áp lực không nhỏ lên nhiều địa phương trong việc đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ.

Chiều 3/8, UBND TP.HCM quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện công tác huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh lớp Một, lớp Sáu kết thúc trước ngày 19/8. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức chủ động triển khai tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến, điều chỉnh thời gian và ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung kế hoạch tuyển sinh gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trước ngày 6/8.

Hầu hết các quận, huyện vùng ven, ngoại thành đều gặp áp lực khi sắp xếp chỗ học vì áp lực dân lao động nhập cư quá đông. Việc dân số cơ học cứ tăng dần đều khiến sĩ số các lớp đầu cấp luôn bỏ xa chuẩn. Với chương trình tiểu học mới thì sĩ số chuẩn là 35 học sinh/lớp. Thế nhưng, con số đẹp này chỉ có… trong mơ. 

Q.12, nơi có tỷ lệ người nhập cư cao của TP.HCM, đang thực hiện các công đoạn tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến. Đợi đến khi hết dịch, các công đoạn còn lại của tuyển sinh sẽ hoàn thành nốt. Nhưng ở thời điểm này đã có thể thấy rõ sĩ số lớp Một ở hầu hết các trường đều từ 50 học sinh/lớp. Vì để đáp ứng đủ chỗ học cho con em người dân trên địa bàn nên tỷ lệ học sinh lớp Một được học hai buổi/ngày chưa đến 20%. Với học sinh lớp Sáu bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì khá hơn một chút, sĩ số xấp xỉ 50 học sinh/lớp và tỷ lệ học hai buổi/ngày đạt khoảng 30 - 40%. 

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12, TP.HCM) - một trong những trường có áp lực tuyển sinh đầu cấp - ẢNH: PHÚC TRẦN
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12, TP.HCM) - một trong những trường có áp lực tuyển sinh đầu cấp - ẢNH: PHÚC TRẦN

Còn ở Q.Gò Vấp, đã có khoảng 50% học sinh đầu cấp đăng ký, nộp giấy tờ bằng hình thức trực tuyến. Số còn lại khi hết dịch sẽ tiếp tục hoàn thành. Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho hay: Năm nay, số học sinh vào lớp Một dự kiến của quận hơn 8.700 em. Quận chưa có thêm trường mới, chỉ có thêm 12 phòng học ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu nên cũng có khó khăn về chỗ học.

Theo tình hình tuyển sinh đến thời điểm này, lớp Một sẽ có sĩ số khoảng 45 học sinh/lớp. Tuy nhiên, đến khi năm học mới chính thức bắt đầu có thể lên đến trên dưới 50 học sinh/lớp, vì học sinh sẽ theo cha mẹ từ quê vào TP.HCM sinh sống. Tuyển sinh lớp Sáu dự kiến khoảng hơn 7.400 em nên sĩ số tạm thời đạt “chuẩn” trên dưới 45 học sinh/lớp. 

Tại Q.Bình Tân, theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận, số học sinh dự kiến vào lớp Một năm tới của quận có thể lên đến 11.000 em, tương đương với năm học trước. Tuy nhiên, cho đến nay, qua hình thức đăng ký trực tuyến, chỉ mới có khoảng 8.000 em đăng ký nhập học. Số học sinh còn lại hiện quận chưa rõ, là do các em nằm trong khu vực phong tỏa, hay theo ba mẹ đi về quê mà chưa đăng ký nhập học trực tuyến.

Còn với học sinh lớp Sáu, năm học tới, dự kiến quận có khoảng 7.800 học sinh, nhưng hiện nay cũng chỉ mới có khoảng 5.000 em đã nộp hồ sơ. Năm học tới, quận chỉ có thêm một trường tiểu học, với sức chứa khoảng 1.500 học sinh, nên tỷ lệ học sinh lớp Một của quận được học hai buổi/ngày luôn chỉ ở mức khoảng 60%.

Một hiệu trưởng Trường tiểu học ở Q.7 cho biết, số học sinh đăng ký dự tuyển theo diện đúng tuyến vào trường đã khoảng 55 em/lớp (trừ các lớp tích hợp). Áp lực trường lớp năm nay một phần là do lứa tuổi học sinh dê vàng quá đông.

Hay như Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức) có bốn lớp Năm ra trường nhưng dự kiến phải tuyển sáu lớp Một mới. Trường được giao tuyển 210 học sinh ở các khu phố của P.Tăng Nhơn Phú A. Do nhu cầu của phụ huynh là công chức, cán bộ công tác gần trường nên phải nhận thêm số trái tuyến. Để đảm bảo đủ chỗ học, trường thêm số lớp Một, lấy phòng chức năng để thiết kế lớp học…

Quá tải sĩ số, chỗ học gần như là bài toán dài kỳ với những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội - nơi thu hút nhiều dân nhập cư đến sinh sống và làm việc. Dù TP.HCM có tốc độ xây dựng trường lớp rất nhanh nhưng cũng không thể kịp với tốc độ tăng dân số cơ học. Theo các nhà giáo dục, giải pháp có thể là hệ thống trường ngoài công lập chia sẻ áp lực này. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải tính toán chính sách hỗ trợ một phần học phí hoặc tương tự để người học có thể lựa chọn loại hình trường này, giảm áp lực cho trường công. 

Trẻ về quê tránh dịch cũng không kéo giảm được áp lực

Đó là chia sẻ của ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12. Theo ông, nhiều trẻ đang theo cha mẹ là lao động nhập cư tạm thời về quê tránh dịch dẫn đến số lượng tuyển sinh đầu cấp tại một số quận, huyện có thể giảm. Tuy nhiên, việc giảm cơ học này cũng chỉ mang tính tạm thời. Khi hết dịch, các em sẽ lại theo gia đình vào TP.HCM sinh sống, làm việc và học tập. Vì vậy, dù số liệu có giảm nhưng không giúp giảm được áp lực. Về lâu dài vẫn phải đảm bảo xây dựng đủ trường lớp. 

Tương tự, một trưởng phòng GD-ĐT cũng thừa nhận, việc giảm số lượng này chỉ mang tính tạm thời. Hết dịch, dòng người lại chuyển về TP.HCM. Lúc này, vẫn phải giải quyết chỗ học, chuyển trường cho con em người dân đến TP.HCM sinh sống. Vì vậy, dự báo tình hình tuyển sinh đầu cấp năm nay còn nhiều vất vả, các công đoạn phải kéo dài và chấp nhận những biến động nhất định.

Tiêu Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI