Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: có rộng mở cơ hội trúng tuyển?

09/02/2015 - 09:30

PNO - PN - Quy định về xét tuyển của Bộ GD-ĐT đang khiến nhiều thí sinh lo lắng vì cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ có thể không rộng mở như mong đợi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Một hay một vài?

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh, mùa tuyển sinh 2015, các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt kéo dài 20 ngày. Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31/10 hằng năm đối với trường ĐH và 15/11 hằng năm đối với trường CĐ.

Tuyen sinh DH, CD 2015: co rong mo co hoi trung tuyen?

Lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết thêm, tất cả trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đều phải tiến hành xét tuyển theo từng đợt chung trong thời gian do Bộ ấn định. Điều này đồng nghĩa, mỗi đợt, thí sinh (TS) sẽ dùng phiếu báo điểm thi để đăng ký xét tuyển vào bốn ngành của cùng một trường, ứng với kết quả các tổ hợp môn thi mà TS có được.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định, quy định này về bản chất giống như phương thức “3 chung” trước đây. Đó là TS đăng ký dự thi và dự thi vào trường ĐH, CĐ nào, nếu đã trúng tuyển thì chỉ được cấp giấy báo trúng tuyển. Chỉ khi nào TS thi rớt và có điểm thi từ mức điểm sàn trở lên mới được cấp các phiếu báo điểm để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường còn thiếu chỉ tiêu.

Phương án này tuy giúp các trường tránh TS “ảo”, nhưng sẽ hạn chế cơ hội trúng tuyển của TS. Ví dụ, nếu trước đây TS thi hai khối A và B sẽ có hai nguyện vọng chính thức, thế nhưng với quy định này, TS thi sáu môn cũng chỉ có một nguyện vọng.

Thí sinh được thoải mái rút - nộp hồ sơ

Phản hồi trước những ý kiến này, đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng cho rằng thông tin trên là chưa chính xác. Theo lãnh đạo Cục, điểm thuận lợi quan trọng nhất của phương thức xét tuyển được quy định trong dự thảo là TS đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi, như vậy TS có cơ sở để chọn ngành, trường theo nguyện vọng và phù hợp với kết quả thi.

Cũng theo phân tích của vị lãnh đạo này, mặc dù trong mỗi đợt xét tuyển, TS chỉ được sử dụng một giấy, nhưng mỗi giấy cho phép đăng ký xét tuyển tối đa vào bốn ngành hoặc nhóm ngành của một trường (trong khi đó, trước đây TS có thể thi tối đa hai trường ở hai đợt khác nhau và mỗi trường chỉ một nguyện vọng). Như vậy, theo dự thảo quy chế tuyển sinh mới, TS có số nguyện vọng đợt đầu tiên nhiều hơn số nguyện vọng của kỳ thi “3 chung”.

Ngoài ra, nếu trước kia ở đợt xét tuyển đầu tiên TS đã đăng ký cố định ở một hoặc hai trường và không được rút hồ sơ thì theo phương án xét tuyển mới, TS được phép thay đổi nguyện vọng trong trường hoặc rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác. Theo quy định, ba ngày một lần các trường phải công khai thông tin xét tuyển để TS biết được khả năng trượt, đỗ của mình.

Tuy nhiên, việc phải liên tục cập nhật thông tin đã khiến nhiều trường lo lắng vì sẽ thêm công đoạn, đồng thời sẽ thiệt thòi cho TS ở xa vì chỉ học sinh thành phố mới có thể liên tục rút - nộp hồ sơ. PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - địa chất cho rằng tạo điều kiện cho TS, nhưng cần có giải pháp hài hòa giữa các trường và TS. TS phải cân nhắc cẩn trọng chứ không phải thích là nộp, thích là rút. Bộ GD-ĐT nên dãn thời gian cập nhật thông tin từ ba ngày lên năm ngày để đỡ gây áp lực cũng như phức tạp cho các trường.

DUNG NHI

Có ý kiến cho rằng TS sẽ chịu thiệt thòi hơn trước kia do dự thảo quy chế tuyển sinh cho phép ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, TS cũng chỉ nộp vào một trường với bốn nguyện vọng như đợt 1. Lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng cho hay, ban soạn thảo quy chế ghi nhận và sẽ cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI