Nhiều năm gần đây, gần như năm học nào các trường đại học cũng phải ra “tối hậu thư” cảnh báo đối với những sinh viên có kết quả học tập quá kém và sau đó là loại thẳng tay hàng trăm sinh viên không đủ sức theo học tiếp. Hậu quả này là do các trường siết chặt đầu ra hay đã quá dễ dãi đầu vào?
|
Sinh viên Trường đại học Kinh tế tài chính đang nghe tư vấn kế hoạch học tập |
“Rụng” như sung!
Hơn 600 sinh viên (SV) của Trường đại học (ĐH) Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa nhận quyết định cảnh báo học vụ học kỳ (HK) II năm học 2016-2017, trong đó có hơn 200 trường hợp là SV các ngành/khoa chất lượng cao.
Những SV này có điểm trung bình HK dưới 2 (theo hệ số 4) trong HK đầu của khóa học và dưới 2,5 ở các HK tiếp theo. Trường cũng đã buộc thôi học 32 SV các ngành thuộc khoa Chế tạo máy, Điện - điện tử, Cơ khí động lực và Chất lượng cao. Đây là những SV đã bị cảnh báo học vụ 3 lần liên tiếp, vượt quá thời gian tối đa được phép học ở trường, hoặc bị kỷ luật lần thứ 2 do nhờ người khác thi hộ hoặc đi thi hộ.
Tương tự, mỗi năm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng buộc thôi học 700-800 SV. Những SV có điểm dưới 1 sẽ được trường cảnh cáo lần đầu bằng cách cho xuất hiện thông tin cảnh báo khi truy cập hệ thống đăng ký học tập. SV có điểm 0,6-0,8 sẽ bị cảnh cáo ở mức 2 là không cho truy cập dữ liệu quản lý đào tạo. Các em này sẽ được gửi thông báo, phải gặp cố vấn học tập để được hỗ trợ. Nếu điểm chỉ là 0,4-0,5, SV sẽ bị buộc thôi học.
Đầu tháng 11 này, Trường ĐH Luật TP.HCM đã công bố danh sách hơn 200 SV chính quy và văn bằng hai dự kiến bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học 1 năm hoặc buộc thôi học (từ HK I năm nay) vì có kết quả học tập yếu kém. Trong đó, khoảng 110 SV dự kiến bị buộc thôi học vì đã 2 lần bị cảnh cáo học vụ. Những SV còn lại sẽ bị cảnh cáo học vụ hoặc đình chỉ 1 năm học do có kết quả học tập quá kém, điểm trung bình HK II năm rồi chỉ dưới 1; trung bình năm học dưới 3,5 hoặc 5 tùy quy chế của từng hệ.
Thống kê sau 6 năm (thời gian đào tạo tối đa), Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã mất khoảng 15-20% số SV nhập học.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết: “Dựa vào quy chế đào tạo tín chỉ thì lượng SV bị đuổi học hằng năm và cảnh báo học vụ khoảng 200-300 em. Nếu tính tỷ lệ tốt nghiệp theo đúng tiến độ 4 năm thì chỉ được khoảng 60%, số còn lại là do học không nổi, không phù hợp với ngành đang theo học, do nợ môn…
Đó là đã căn cứ theo quy chế tín chỉ, vốn có lợi hơn cho SV về việc tích lũy đủ môn học trong suốt thời gian đào tạo. Nếu tính thẳng tay như kiểu đào tạo theo niên chế ngày trước thì số lượng rơi rụng còn lớn hơn nhiều".
“Bóp” đầu ra để có chất lượng?
Phó giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh: “Cảnh báo học vụ là căn cứ theo Quy chế đào tạo tín chỉ để SV cải thiện và chỉ buộc thôi học sau 3 lần cảnh báo. Chúng tôi yêu cầu các thầy phải làm thật chặt nên SV bị đuổi học khá nhiều, mỗi năm khoảng 200-400 SV. Làm như vậy, chúng tôi có được những SV thật sự đủ sức theo học ĐH".
Đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khuyến cáo, người học phải có nền tảng kiến thức vững vàng, đặc biệt là kiến thức đại cương để sau này nếu cần chuyển hướng sang ngành nghề khác vẫn có thể thích ứng tốt. Các bạn trẻ đừng chủ quan cho là đã thi đỗ điểm cao thì chắc chắn sẽ... tốt nghiệp!
Tuy nhiên, buộc thôi học sau vài lần cảnh báo học vụ chỉ là cách của những trường có “số má”, có lợi thế trong việc tìm kiếm người học. Thực tế, các trường tư, trường “top dưới” rất khó thẳng tay được như thế. Đơn giản vì nếu lọc quá kỹ thì sẽ không có người học.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng dẫn chứng: “Đầu vào của các trường tư vốn đã thấp, quá trình đào tạo và đầu ra cũng không được siết chặt, nếu không nói là “thả”, nên chất lượng SV rất thấp. Một số thầy của trường tôi khi dạy thỉnh giảng ở các trường tư thường được “chỉ đạo ngầm” là không đánh rớt quá nhiều. Đuổi học nhiều thì lấy ai đóng học phí? Thị trường sẽ quyết định chất lượng.
Thật ra, không thể làm mãi như thế được. Dung túng cho SV kém chất lượng ra trường, làm không được việc, về lâu dài lại tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Từng có một đơn vị dầu khí tại Vũng Tàu lúc đầu đã “chê” SV của trường tôi là chỉ tốt nghiệp loại trung bình, khá; nên đã tuyển những em có bảng điểm “đẹp” xuất sắc của các trường tư. Sau một thời gian, họ đã phải quay lại tuyển SV của trường tôi vì SV có bảng điểm “đẹp” không hẳn đã làm được việc”.
Điểm đầu vào thường không nói lên được điều gì vì phương thức học ở phổ thông và ĐH khác nhau. Nhiều em đậu cao nhưng vào ĐH thì “dội” ngay. Tệ hại hơn là nhiều em chỉ nhắm đến việc được học ĐH, chứ không tính đến sự phù hợp của ngành nghề theo học, cuối cùng là đuối sức giữa đường.
Đó là chưa kể, khi đã ĐH, thoát được sự kèm cặp của gia đình, có em “bung” hết mọi nền nếp, bị đuổi học chỉ vì ham chơi game, bán hàng đa cấp, dồn sức làm thêm để kiếm tiền trước mắt…
Lâu nay, các trường thường đổ lỗi cho SV là thiếu nghiêm túc, không nỗ lực học hành, dẫn đến kết quả học tập kém…; nhưng công bằng mà nói, các trường cũng có lỗi không nhỏ trong việc này.
Đầu tiên là ngay từ khâu tuyển sinh, trường không chú trọng xem xét năng lực phù hợp với từng ngành nghề của thí sinh, chỉ lo tuyển sao cho đủ chỉ tiêu nhằm đảm bảo nguồn thu và nguồn ngân sách cấp.
Thứ nhì, nhiều trường ĐH công lập ở Việt Nam xưa nay vẫn đào tạo theo định hướng tinh hoa, trong khi việc tuyển sinh thì ngày càng đại trà, chất lượng đầu vào (đánh giá theo điểm thi) cứ thấp dần và hiện đã thấp hơn rất nhiều so với 10-15 năm trước.
Thực tế này đặt ra một vấn đề lớn: khi đầu vào đã đại trà, không còn tinh hoa nữa, thì nội dung chương trình cũng như phương thức đào tạo phải thay đổi thế nào để phù hợp với sự thay đổi của đối tượng theo học, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Tại sao khi được học trong môi trường ĐH ở nước ngoài, SV lại phát triển tốt nhưng lại gặp khó khăn, thậm chí thất bại trong môi trường học tập ở Việt Nam?
Nếu chương trình nặng và giáo viên yêu cầu cao mà giúp chất lượng đào tạo được nâng lên thật sự, giúp SV ra trường nhanh chóng thích ứng được với công việc thì chẳng có gì phải bàn.
Nhưng e rằng, cũng tương tự chương trình phổ thông hiện hành, chương trình ĐH đang quá nặng nề, buộc SV phải gồng mình gánh những thứ vừa thiếu thực tiễn, lại chẳng liên quan gì đến ngành nghề mình đang học và công việc trong tương lai.
Gia Tuệ