Tuyển sinh đại học riêng: Trường thấp thỏm, thí sinh lo

05/03/2014 - 15:11

PNO - PN - Thời điểm này, đã có hơn 50 trường ĐH-CĐ nộp cho Bộ GD-ĐT đề án xin tuyển sinh ĐH riêng. Trong khi các trường thấp thỏm chờ Bộ duyệt phương án để tiến hành tổ chức tuyển sinh, thì Bộ lại quyết định bỏ điểm sàn...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Tuyển sinh riêng: Hãy đợi đấy!

Theo công bố gần đây, Bộ đã nhận được từ hơn 50 trường ĐH-CĐ phương án tuyển sinh riêng, cả trường tư và công, trường “top dưới” lẫn “top trên”. Nhiều trường dành đa số chỉ tiêu để xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ - con đường “dễ” nhất cho cả thí sinh và nhà trường.

Trong phương án tuyển sinh riêng của mình, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định đề xuất: 30% chỉ tiêu sẽ tuyển theo kỳ thi “ba chung” với điểm tuyển bằng điểm “sàn” trở lên, 70% chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển bằng phương thức: điểm thi ĐH + điểm những môn học tương ứng ở lớp 12 chia 2, bậc ĐH sẽ lấy từ 6 điểm trở lên và CĐ sẽ lấy từ 5,5 điểm trở lên. Tương tự, Trường ĐH Yersin Đà Lạt cũng có hai phương án tuyển là thi “ba chung” (30% chỉ tiêu) và xét (70% chỉ tiêu). Tuy nhiên, cách xét tuyển có hơi khác: điểm trung bình ba môn ở ba năm học THPT+ điểm trung bình ba môn tương ứng trong kỳ thi tốt nghiệp chia 6, ĐH sẽ lấy từ điểm 6 trở lên và CĐ sẽ lấy từ 5,5 trở lên...

TS Nguyễn Đăng Liêm - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định nói: “Phương án tuyển của trường được Bộ đánh giá tốt, được đưa lên mạng lấy ý kiến. Nhưng mới đây Bộ lại bỏ điểm sàn nên trường phải điều chỉnh phương án để phù hợp với các tiêu chí mới mà Bộ sẽ công bố trong thời gian tới. Cũng nóng ruột, vì thời hạn đăng ký dự thi của thí sinh sắp bắt đầu”.

Nhiều trường có đề án tuyển sinh theo “ba chung” buộc phải sửa ngay đề án cho phù hợp với tình hình mới khi không còn điểm sàn. PGS-TS Phạm Bá Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin Đà Lạt cho biết: Với việc bỏ điểm sàn và nếu được tuyển riêng, năm nay trường chúng tôi hy vọng việc tuyển sinh sẽ khởi sắc. Không tuyển được 100% thì cũng được 80% chỉ tiêu.

Không chỉ nhà tuyển sinh phải chạy theo kế hoạch mới để tìm kiếm người học, mà học sinh cũng hoang mang không kém. “Em định đăng ký dự thi vào trường thuộc ĐHQG là chính và một hồ sơ vào trường có xét tuyển học bạ cho chắc, nhưng không biết đến khi nào thì Bộ mới xác định phương án tuyển sinh. Em chỉ sợ đăng ký rồi gần đến ngày thi Bộ mới cho biết là không cho xét tuyển học bạ, lúc đó chỉ còn có một “chân”, lỡ trượt là coi như xong. Đáng lý với những chuyện trọng đại như thi ĐH, Bộ nên có thông tin sớm cho người học đỡ lo lắng, giờ nước đến chân rồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, một học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến nói.

Theo nhiều nhà tuyển sinh, việc Bộ nghĩ tới việc giao quyền cho các trường tự lựa chọn cách tuyển người học là hợp lý, nhưng cách làm của Bộ lại quá cập rập. Các trường ĐH-CĐ dù chưa “tin” vào kết quả gần 100% đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn chọn con đường dễ nhất để “vét” người học. Rồi đây, khi không còn điểm sàn, chắc chắn nhiều trường tha hồ xét và tuyển cho đầy chỉ tiêu.

Tuyẻn sinh dai hoc rieng: Truong thap thom, thi sinh lo

Bộ nên sớm có thông tin để thí sinh và các trường đỡ lo lắng - Ảnh : Phùng Huy

Thách thức đang chờ

Đối với nhiều trường, nhất là các trường ĐH "top dưới", việc bỏ điểm sàn và được tự chủ tuyển sinh sẽ giúp việc tuyển sinh “dễ thở” hơn. Nhưng, theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chất lượng của Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ ngoài công lập, việc tuyển sinh ngày nay không còn dễ dàng theo kiểu “cứ mở ra là có người vào học” nữa. “Nới lỏng đầu vào là một chuyện, nhưng có nguồn để tuyển không lại là chuyện khác. Tôi có cảm giác nguồn tuyển đã cạn, vì số trường ĐH - CĐ hiện quá nhiều, trường công lại có nhiều cách để tuyển thêm chỉ tiêu như tuyển hệ tại chức, hệ liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước…” - bà Phương Anh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Liêm cũng cảm nhận: “Cuộc cạnh tranh sắp tới sẽ vô cùng gay gắt. Không chỉ cạnh tranh giữa trường tư với trường công mà còn cạnh tranh giữa các trường tư với nhau, giữa chương trình trong nước với các chương trình nước ngoài. Phụ huynh cũng đã thấy rõ: học chương trình Việt Nam quá kéo dài và thiếu thực tiễn, nên những gia đình khá giả hoặc sẽ cho con học chương trình nước ngoài tại Việt Nam, hoặc cho con du học”. Và, trong cuộc cạnh tranh ấy, theo PGS-TS Phạm Bá Phong, trường tư luôn phải chịu bất lợi, vì chưa có bề dày và đặc biệt là chi phí mà người học phải đóng góp luôn cao hơn trường công.

Theo Tiến sĩ Liêm, giữ được chất lượng đào tạo cũng như chỗ đứng trong tương lai là không đơn giản. Do vậy, các trường "top dưới" phải đầu tư mạnh và có tính đột phá vào cơ sở vật chất; thu hút đội ngũ giảng viên tốt, thậm chí từ nước ngoài về; mạnh dạn đổi mới chương trình đào tạo, bỏ đi những nội dung lạc hậu, không thiết thực nhằm rút ngắn thời gian đào tạo. PGS-TS Phạm Bá Phong nói: “Trong cạnh tranh có nhiều mặt, nhưng quan trọng nhất là chương trình đào tạo phải phù hợp với đối tượng sinh viên mình đang đào tạo. Trường tôi tự xác định là ĐH ứng dụng nên chương trình đào tạo cũng hướng đến tính thiết thực để sinh viên sau khi tốt nghiệp là làm được việc ngay, được xã hội tín nhiệm”.

 Minh Nhật

Lùi thời hạn nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2014

Ngày 4/3, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục đào tạo (Bộ GD-ÐT) cho biết, thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi ÐH, CÐ năm 2014 sẽ lùi hơn một tuần so với năm trước. Theo đó, thời gian nhận hồ sơ sẽ kéo dài từ 17/3 cho đến 17/4 tại những điểm do Sở GD-ÐT quy định. Lịch trình cụ thể Bộ đang soạn thảo quy chế và sẽ thông tin sớm nhất tới thí sinh. Lãnh đạo Cục cũng cho biết, những trường tổ chức tuyển sinh theo đề án riêng trực tiếp thu nhận hồ sơ không qua hệ thống các Sở GD-ÐT sẽ tự quyết định thời gian.

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI