Tuyển sinh đại học nhiều đợt, sao không thi THPT quốc gia hai đợt?

22/08/2018 - 06:24

PNO - Góp ý dự thảo Luật Giáo dục, một số ý kiến cho rằng, việc giữ hay bỏ kỳ thi THPQ quốc gia, cần phải đánh giá và khảo sát cụ thể chứ một vài hiện tượng không thể nói lên vấn đề.

Hội nghị góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 21/8 tại TP.HCM đã xoáy vào nhiều vấn đề như kỳ thi THPT quốc gia, cho học sinh phổ thông nghỉ thứ Bảy…

Tuyen sinh dai hoc nhieu dot, sao khong thi THPT quoc gia hai dot?
Nhiều ý kiến cho rằng mỗi năm chỉ có một kỳ thi THPT quốc gia nên thí sinh rất căng thẳng. Trong ảnh: thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018

Đại biểu đòi tăng thêm kỳ thi quốc gia

Phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Xuân Hải - Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng, mỗi năm chỉ có một lần thi THPT quốc gia nên rất căng thẳng. “Tại sao chúng ta cho phép tuyển sinh đại học nhiều đợt trong năm nhưng không cho phép hai kỳ thi trong một năm?”, ông Hải đặt câu hỏi.

Trước luồng quan điểm cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia có đến 97-98% thí sinh tốt nghiệp thì có cần phải thi không, phó giáo sư Hải khẳng định: đã học là phải thi. Cần phải duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia bởi kỳ thi đạt được hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và làm cơ sở để các trường xét tuyển đại học. Ông phản đối việc giao về cho các trường đại học tự tổ chức kỳ thi này, bởi nếu giao kỳ thi cho các trường đại học, sẽ còn điều tiếng ghê gớm hơn những gì xảy ra ở tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn. Mấy trăm trường đại học tự ra đề, tự tổ chức thi, tự chấm thi thì không thể biết được độ tin cậy đến mức nào.

Bà Phan Thị Thu Hà - nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp - cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa xảy ra nhiều sai sót không mong muốn nhưng đó chỉ là tai nạn. Cần duy trì kỳ thi nhưng cần tính toán lại, sai chỗ nào xử lý chỗ đó chứ không nên bỏ kỳ thi. Theo bà Hà, kỳ thi THPT quốc gia nên phân loại trở lại như năm 2015, việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực. 

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho rằng, nếu chỉ dựa vào kỳ thi THPT để chọn sinh viên vào đại học, cao đẳng thì chưa chuẩn. “Theo khảo sát của chúng tôi, những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên năm thứ nhất bỏ học rất cao. Có trường tỷ lệ bỏ học lên đến 70%. Việc giữ hay bỏ kỳ thi, chúng ta cần phải đánh giá và khảo sát cụ thể chứ một vài hiện tượng không thể nói lên vấn đề”, bà Dung dẫn chứng.

Từ góc độ nhà quản lý giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: chúng ta đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS, giờ bỏ tiếp kỳ thi tốt nghiệp THPT thì rất khó để đánh giá học sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không phải là để biết bao nhiêu em đậu tốt nghiệp THPT mà là để đánh giá quá trình học của các em, từ đó có những điều chỉnh chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp...

Cần cho học sinh phổ thông nghỉ thứ Bảy

Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đặt vấn đề cần cân nhắc quy định các trường phổ thông không dạy vào thứ Bảy. Hiện cả nước triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nên ông Bình đề nghị cần nhìn giáo dục một cách toàn diện, nghĩ khác so với truyền thống.

Bỏ hay học ngày thứ Bảy trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu nữ. Bà Phan Thị Thu Hà khẳng định: hiện nay, bậc mầm non, tiểu học không học thứ Bảy thì bậc THCS, THPT cũng nên như vậy. Vừa rồi có hiệu trưởng quyết không dạy vào thứ Bảy. Nhưng khi nhìn vào kế hoạch học tập sẽ khiến các trường không dám bỏ hẳn học ngày thứ Bảy vì sợ không đảm bảo theo được chương trình. 

Theo bà Hà, sắp tới khi thay đổi chương trình giáo dục phổ thông thì luật cũng nên quy định đồng bộ không học luôn ngày thứ Bảy. Để ngày cuối tuần, học sinh có thể có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Hơn nữa, trường làm việc vào thứ Bảy nhưng sở, phòng GD-ĐT lại nghỉ thì có việc gì xảy ra đúng vào ngày cuối tuần cần báo cáo, xin ý kiến giải quyết cũng khó khăn. Hơn nữa, giáo viên cũng cần nghỉ ngày thứ Bảy để có thể soạn bài, tham gia các công tác sinh hoạt đoàn thể khác… 

 Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI