Ngày 22/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, kết thúc năm học trước ngày 30/6; thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23/7 đến 26/7/2020, lùi lại một tháng, tương ứng với một tháng học sinh đã nghỉ học vì dịch Covid-19. Điều này đồng nghĩa đề án tuyển sinh đại học đã công bố của các trường đều phá sản và phải điều chỉnh lại.
Bị động
hông chỉ các trường THPT mong ngóng việc xác định ngày đi học lại và các mốc thời gian thi cử quan trọng mà các trường đại học (ĐH) cũng mong mỏi điều này. Bởi, họ đang bị động trong mọi kế hoạch đào tạo, tuyển sinh. Đề án tuyển sinh của các trường bị xáo trộn bởi việc lùi thời gian các kỳ thi, xét tuyển.
|
Buổi tư vấn online trên trang Facebook của Trường đại học Kiến trúc TP.HCM giới thiệu về chương trình công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng thu hút đông đảo học sinh. |
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, phân tích: “Thời điểm học kỳ II là giai đoạn chạy nước rút, với học sinh lớp 12 thì phải tính từng ngày. Nếu nghỉ một tháng và dời lịch thi lại một tháng thì đủ thời gian chuẩn bị cho thí sinh, nhưng điều này đồng nghĩa các đề án tuyển sinh đã công bố của các trường đều phá sản và phải điều chỉnh lại thời gian”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, thừa nhận đang rất lo lắng bởi công tác tuyển sinh chắc chắn bị ảnh hưởng. Lịch tuyển sinh bị động theo lịch học. Đó là chưa kể, kế hoạch đào tạo song hành cùng tuyển sinh cũng gặp nhiều xáo trộn. Thứ nhất là tiến độ học tập, thực tập tốt nghiệp và học kỳ hè của sinh viên bị thay đổi. Sinh viên không còn học kỳ hè, lịch thực tập tốt nghiệp bị dời lại, lịch chung của khóa bị dời nên chắc chắn thời điểm tốt nghiệp cũng bị trì hoãn.
Thừa nhận học sinh cuối cấp bị ảnh hưởng không nhỏ, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho biết: những học sinh có kế hoạch du học sẽ bị trễ so với tiến độ nhập học của nhiều trường vì đến cuối tháng Bảy mới thi THPT quốc gia và kết quả, điểm số phải ít lâu sau mới có.
Với học sinh xét tuyển vào ĐH thì nghỉ quá dài cũng dễ khiến học sinh bị mất nhịp, trượt dài. “Những ngày này, nhà trường trông chờ rất nhiều vào sự hợp tác của gia đình, nhất là với học sinh lớp 12 trong việc tập trung ôn các môn chính. Giáo viên cho bài vở ôn tập, phụ huynh giám sát con em mình để ổn định phong độ học tập, không mất hứng thú sau kỳ nghỉ dài”, thầy Phú lo lắng.
Hay như câu hỏi về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM - kỳ khảo thí được làm căn cứ xét tuyển của hơn 40 trường ĐH, cao đẳng - lùi thời gian tới đâu, vẫn đang ở trong tình trạng chờ. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, lùi đến thời điểm nào còn phụ thuộc thời gian chung của toàn ngành, cụ thể là kế hoạch năm học của các trường phổ thông, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH… dù đơn vị khảo thí này đã xây dựng phương án chuẩn bị cho tình huống lùi thời gian để phù hợp với thời gian chung.
Không thể ngồi chờ
Bốn mốc thời gian được điều chỉnh Theo công bố chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 được điều chỉnh như sau: 1. Kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020. 2. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020. 3. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp Mười trước ngày 15/8/2020. 4. Thi THPT quốc gia từ ngày 23/7 đến ngày 26/7/2020. Căn cứ vào các mốc thời gian nêu trên, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021. Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng Ba thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia của cả nước. |
Livestream đang trở thành kênh tương tác duy nhất mà học sinh tiếp cận thông tin tuyển sinh từ các trường ĐH. Trần Thanh Tuyền, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (tỉnh Trà Vinh), cho biết: “Nghỉ ở nhà nhưng tôi rất lo lắng vì không biết sắp tới sẽ thi và xét tuyển như thế nào. Mọi năm, giờ này mọi thứ đã sẵn sàng, còn giờ thì thông tin ngành nghề, thời gian xét tuyển vẫn chưa biết”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn thông tin: có thể kể cả khi học sinh đã đi học trở lại bình thường, các trường phổ thông cũng chưa dám tổ chức ngay các buổi hướng nghiệp đông người trong khi học sinh thiếu thông tin, còn thời gian tuyển sinh chạy dần về “deadline”. Cũng không thể ngồi im, các trường tập trung vào kênh trực tuyến để cung cấp thông tin cho thí sinh chọn ngành nghề phù hợp nhưng đây cũng chỉ mới là bước thử nghiệm. Theo ông Sơn, nguồn tuyển năm nay có khả năng nhích nhẹ vì bộ phận du học sẽ có chút khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM vừa có chương trình chung của cả hệ thống, vừa có chương trình riêng của từng trường. Không thể ngồi im chờ, các trường thi nhau đầu tư vào phần nghe nhìn để tranh thủ sự quan tâm của học sinh trong thời gian nghỉ học vì Covid-19. Các trường: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM… đều có chương trình riêng trên YouTube hoặc fanpage của trường thật sự hấp dẫn. Ngoài thông tin hướng nghiệp đơn thuần, mỗi trường đều “tung chiêu” thu hút học sinh như tặng học bổng, phần thưởng may mắn…
Với lịch tư vấn cố định vào thứ ba, thứ năm hằng tuần, cộng với những buổi livestream tư vấn xuyên đêm của hiệu trưởng, “kênh” của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tỏ ra khá hiệu quả. Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: ưu thế của tư vấn trực tuyến là thí sinh có thể hỏi trực tiếp, trả lời ngay. Để các buổi tư vấn có chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt nhất đòi hỏi hạ tầng mạng, thiết bị hiện đại, trường đầu tư gần 1,5 tỷ đồng xây dựng phim trường, kênh truyền hình online để làm các chương trình tư vấn trực tuyến sinh động. “Chịu chơi” hơn, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành làm hẳn trường quay với thiết bị tân tiến lên đến 2 tỷ đồng để phục vụ tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh đến học sinh phổ thông.
Thanh Thanh
Tư vấn tuyển sinh online cho hiệu quả tức thì Tư vấn tuyển sinh online gần đây đã được nhiều trường ĐH sử dụng, cho thấy hiệu quả lớn trong việc tiếp cận số lượng lớn học sinh và phụ huynh. Thạc sĩ Trần Quang Sáu, Trưởng văn phòng đại diện Trường ĐH UCN (Đan Mạch) tại Việt Nam, đánh giá: “Vì các hoạt động tư vấn tuyển sinh trực tiếp đã bị hủy nên trong giai đoạn hiện nay, việc tổ chức tư vấn tuyển sinh online càng phát huy hiệu quả cao hơn bình thường, bởi học sinh và phụ huynh đang rất khát thông tin về chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh của các trường ĐH. Bên cạnh đó, đa số học sinh đều sử dụng điện thoại thông minh và hầu hết đều có tài khoản trên các trang mạng xã hội, nên việc tư vấn online phát huy thêm hiệu quả”. Cách phổ biến mà các trường ĐH đang sử dụng là phát trực tiếp trên các kênh Facebook của trường. Cách làm này chi phí thấp nhưng lại có lượng tương tác khá lớn bởi các trang Facebook của trường thường có số lượng theo dõi lớn là học sinh và phụ huynh. Như trường hợp buổi tư vấn online lúc 10g sáng 20/2 trên trang Facebook của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, giới thiệu về chương trình công nghệ kiến trúc và quản lý xây dựng (liên kết đào tạo với Trường ĐH UCN - Đan Mạch) đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. "Chỉ chưa đến 30 phút, đã có hơn 1.500 lượt xem và hơn 24 lượt chia sẻ. Video này sau đó được đưa lên trang Facebook của trường và chỉ trong 24 giờ đã tiếp cận gần 14.000 người với hơn 5.000 lượt xem và 63 lượt chia sẻ. Ngay sau đó, số lượng học sinh liên lạc với bộ phận tuyển sinh của trường để hỏi về chương trình cũng tăng lên. Tôi tin rằng kết quả sẽ tốt hơn nữa với những trường tổ chức giới thiệu tổng quan về tất cả các chương trình đào tạo của trường mình”, thạc sĩ Trần Quang Sáu thông tin. Tr. Mẫn |