Tuyển sinh đại học có thay đổi khi học sinh học online hết nửa năm?

05/11/2021 - 07:05

PNO - Ngay từ đầu tháng 11, các trường đại học tại TPHCM bắt đầu hướng nghiệp, chuẩn bị phương án tuyển sinh năm 2022. Khi học sinh cuối cấp học online (trực tuyến) thời gian dài, phương thức tuyển sinh cũng phải thay đổi để phù hợp thực tế.

Điều chỉnh nhiều công đoạn sang trực tuyến

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường đại học (ĐH) Kinh tế - Tài chính TPHCM, cho biết: Trường đang tính toán để có những điều chỉnh phù hợp hơn trong tình hình mới như: điều chỉnh về tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức, hình thức nhận hồ sơ chủ động chuyển sang online, thời gian xét tuyển bằng phương thức học bạ dự kiến sẽ nhận hồ sơ sớm hơn bắt đầu từ tháng 2 thay vì tháng 3 như mọi năm.

Ở phương thức xét tuyển bằng học bạ, trường sẽ điều chỉnh từ xét năm học kỳ xuống còn 3 học kỳ. Đặc biệt, trường sẽ bổ sung phương thức ưu tiên tuyển thẳng dành cho học sinh có IELTS 8.0 trở lên, học sinh giỏi trường THPT chuyên. Ngoài ra, trường vẫn duy trì các phương thức xét tuyển như: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TPHCM, xét học bạ THPT theo tổ hợp môn và theo điểm trung bình học kỳ.

Thí sinh xét tuyển đại học năm 2021 - ẢNH: PHÚC TRẦN
Thí sinh xét tuyển đại học năm 2021 - Ảnh: Phúc Trần

Theo ông Phạm Doãn Nguyên, từ ngày 23/10 đã tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nhiều trường THPT tại TPHCM. Học sinh bày tỏ lo lắng khi tình hình dịch bệnh kéo dài, từ năm học trước đến nay nhiều lần phải học online, sợ thi tốt nghiệp THPT kết quả không tốt, điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH… Các em mong muốn được biết sớm về kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển liệu có thay đổi khi học sinh lớp 12 phải học online suốt một học kỳ…

Trong bối cảnh năm học có nhiều biến động, các trường cân nhắc rất kỹ phương thức tuyển sinh để dung hòa hai yêu cầu: tuyển người học phù hợp và thuận lợi cho thí sinh. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay nhiều khả năng sẽ không thay đổi phương thức tuyển sinh năm 2022, cụ thể vẫn gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển từ điểm kiểm tra ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Tuy nhiên, trường sẽ chủ động trong khâu xét tuyển trực tuyến, tăng cường tư vấn online về hướng nghiệp tuyển sinh từ tháng 11 này.

Trong khi đó, ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến sẽ duy trì kỳ thi ĐGNL với hai đợt (năm 2021 không thể tổ chức đợt 2 do dịch). Thí sinh sẽ thực hiện đăng ký dự thi, đóng lệ phí, in giấy báo dự thi, đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng… trực tuyến. 

Người học cần làm gì?

Các trường ĐH cũng cho biết năm 2022 sẽ đưa ra những phương thức tuyển sinh kết hợp nhiều hình thức, tiêu chí tuyển chọn khác nhau để xét tuyển đối với ngành học đặc thù, ngành có tỷ lệ chọi cao nhằm lựa chọn được người phù hợp nhất, như: thi ĐGNL chuyên biệt, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Theo các chuyên gia tuyển sinh, đây là xu hướng tuyển sinh những năm sau này. Những năm trước, các trường chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức, sau đó dần bổ sung nhiều phương thức riêng. Đến năm 2021, bên cạnh đa phương thức, nhiều trường còn sử dụng kết hợp các tiêu chí trong cùng một phương thức xét tuyển.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: Yêu cầu tuyển sinh ngày càng được cụ thể hóa để tìm ra người học có tố chất phù hợp nhất so với mục tiêu đầu ra. Ví dụ như ở Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ có nhu cầu đào tạo giáo viên cho trường chuyên với tỷ lệ 20% vậy thì phải tính toán phương thức tuyển sinh làm sao để chọn được 20% sinh viên thật sự giỏi, từ đó phải thi ĐGNL chuyên biệt, kết hợp nhiều tiêu chí tuyển thẳng.

Đối với giáo viên tiểu học dạy bằng tiếng Anh tất nhiên phải kết hợp thêm tiêu chí tiếng Anh khi xét đầu vào. Trong khi một số ngành đặc thù phải tổ chức thi năng khiếu, số ngành khác lại chỉ cần điểm văn hóa… 

Theo thạc sĩ Quốc, ở thời điểm này, học sinh không nên quá lo lắng mà cần đầu tư học thật tốt và xác định được năng lực phù hợp với điều kiện cần thiết của ngành, trường muốn vào. “Làm sao để biết năng lực của mình phù hợp mức độ nào? Có thể chia thí sinh ra làm ba nhóm để hướng vào: Học sinh có năng lực học tập cực tốt phù hợp với phương thức xét tuyển thẳng; thí sinh có năng lực và nguyện vọng thiên về các môn năng khiếu sẽ chủ yếu tham gia xét tuyển vào các ngành kết hợp kỳ thi năng khiếu và văn hóa; thí sinh có năng lực thuộc mặt bằng chung sẽ phù hợp với các phương thức xét tuyển của các kỳ thi, học bạ theo tổ hợp môn…”, thạc sĩ Quốc phân tích. 

Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với các cơ sở đào tạo ĐH, các trường cao đẳng sư phạm, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai lộ trình đổi mới tuyển sinh giai đoạn 2021 - 2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường chủ động liên kết tổ chức các kỳ thi ĐGNL, kiểm tra tư duy, có thể tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu của từng cơ sở đào tạo, đồng thời tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh.

Bộ cũng yêu cầu các trường tổ chức tuyển sinh hiệu quả, công bằng, đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh phù hợp với thực tiễn, chủ động phối hợp với địa phương tổ chức tuyển sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp.

Tiêu Hà

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI