Tuyển sinh Đại học, cao đẳng: Hơn 830.000 thí sinh dự thi đợt 2

08/07/2013 - 08:23

PNO - PN - Hôm nay, ngày 8/7, hơn 830.000 thí sinh (khối B, C, D và khối năng khiếu) làm thủ tục dự thi để bước vào hai ngày thi chính thức (9-10/7). Đợt 2 tập trung nhiều môn tự luận, xã hội, nên được dự báo sẽ “phức tạp” hơn so với...

Tăng cường thanh tra, giám sát

Đợt thi thứ 2 có 838.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, trong đó cụm thi tại TP.HCM có 38 trường tổ chức thi với hơn 220.000 TS. Ông Đỗ Quốc Anh, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 phía Nam cho biết, đợt 2 có nhiều khối thi và môn thi tự luận nên kỷ luật phòng thi chắc chắn phải được tăng cường. Ngay khi kết thúc đợt thi thứ nhất, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo khẩn gửi hội đồng tuyển sinh các đại học, học viện tổ chức tập huấn và phổ biến kỹ các quy định của Quy chế tuyển sinh đến tất cả cán bộ tham gia công tác tuyển sinh và TS. Cụ thể, Thanh tra Bộ GD-ĐT thành lập 11 đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra đột xuất tại nhiều điểm thi. Ông Hà Hữu Phúc, Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, thành viên đoàn thanh tra nhận định: Trong đợt 1, đoàn đã thanh tra đột xuất bảy hội đồng thi, công tác tổ chức thi thực hiện tốt. Tuy nhiên, một số hội đồng thi còn thiếu thanh tra tại chỗ, cán bộ coi thi thu nhận bài làm chưa đúng quy chế, nhiều TS không ghi thông tin vào giấy nháp... Thanh tra đã nhắc nhở, yêu cầu chủ tịch hội đồng tuyển sinh khắc phục ngay những lỗi trên và tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi để tránh những sai sót trong đợt thi thứ 2.

“Trong số những trường hợp TS vi phạm bị đình chỉ thi ở đợt thi đầu tiên có khoảng 90% lỗi do mang điện thoại di động (ĐTDĐ) vào phòng thi. Dù ĐTDĐ mở hay tắt, có sử dụng hay không đều bị lập biên bản đình chỉ thi khi phát hiện mang vào phòng thi”, ông Đỗ Quốc Anh cho biết.

Tuyen sinh Dai hoc, cao dang: Hon 830.000 thi sinh du thi dot 2

“Bí quyết” làm tốt các môn xã hội

Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn, Sở GD-ĐT TP.HCM tư vấn: Câu 1 thường tái hiện và vận dụng kiến thức, yêu cầu TS đánh giá, nhận xét với nhiều dạng câu hỏi: tác phẩm, tác gia văn học, giai đoạn... Ở câu này, các em nên nắm những yếu tố quan trọng. Đây là câu đánh giá kiến thức, cần viết gọn rõ, tránh viết tràn lan, không nhất thiết viết thành bài mà có thể thành đoạn rõ ràng rành mạch.

Ở câu nghị luận xã hội, TS nên chú ý cách làm bài của kiểu đề về tư tưởng đạo lý và hiện tượng đời sống. Nên đưa dẫn chứng cụ thể trong đời sống, hạn chế dẫn chứng lan man nếu không nắm rõ. Những năm gần đây, đề cũng hay ra dạng ý kiến song hành đưa ra một vấn đề có hai mặt nên cần nắm chắc thao tác giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh... để có lập luận thuyết phục.

Thầy Trần Văn Quang, tổ trưởng tổ Địa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chia sẻ “bí quyết”: Để làm tốt môn địa, các em lưu ý năm bước sau: Đọc kỹ đề hai-ba lần và gạch lên ý chính trong mỗi câu để tránh lạc đề hay thiếu ý; lập dàn bài tổng quát để tránh sót ý; chọn câu dễ và ngắn làm trước; khi trình bày nhớ ghi lại câu hỏi để biết mình làm gì và giám khảo cũng dễ chấm hơn. Nếu viết sai các em chỉ gạch chéo, không nên xóa. Nếu thiếu thì viết bổ sung ở dưới, không nên viết chèn gây mất thiện cảm cho người chấm. Đặc biệt, khi làm bài, nếu quên phần nào thì các em ghi rõ làm tiếp câu khác rồi bổ sung ở dưới, không nên chừa khoảng trống quá nhiều, tạo ấn tượng với giám khảo rằng mình học bài không kỹ. Bước thứ năm là vẽ biểu đồ. Với đề thi đại học, câu này chiếm khoảng ba điểm. Các em cần xác định đúng biểu đồ, đẹp không quan trọng, phải đúng và đủ mới lấy được điểm. Các em hay quên ghi tên biểu đồ, đơn vị, ghi chú, số liệu... mỗi cái bị trừ 0,25 điểm rất oan. Việc xác định biểu đồ phải đọc kỹ đề vì có khoảng 50% đề sẽ không nói rõ mà các em phải biết dựa vào các từ khóa. Có năm từ khóa cơ bản: cơ cấu, tỷ trọng, tăng trưởng, phát triển và biến động. Bên cạnh đó, phải lưu ý đến số năm trong đề. Chẳng hạn như câu hỏi có từ khóa là cơ cấu hoặc tỷ trọng dưới hoặc bằng ba năm thì vẽ hình tròn, nhưng nếu trên ba năm thì vẽ biểu đồ miền. Nếu dưới ba năm mà không có từ cơ cấu hay tỷ trọng thì vẽ biểu đồ hình cột. Đề có các từ tăng trưởng, phát triển hay biến động mà trên ba năm thì vẽ biểu đồ đường. Còn nếu không có cả năm từ khóa thì vẽ cột. Trường hợp đặc biệt là câu hỏi có hai đơn vị và có ba năm trở lên thì vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường. Thí sinh chỉ nên nhận xét ngắn gọn không quá tám dòng, nêu vào đúng trọng tâm vấn đề: tăng hay giảm, liên tục hay không, phải có số liệu kèm theo. Lưu ý là biểu đồ cơ cấu (tròn và miền) cần gắn tỷ trọng vào mỗi yếu tố để tránh mất điểm.

Với môn Sử, các thầy cô lưu ý TS cần đi thẳng vào vấn đề, không viết lan man, dài dòng, tránh vòng vo dẫn đến lạc đề.

Tuyen sinh Dai hoc, cao dang: Hon 830.000 thi sinh du thi dot 2

Đọc kỹ đề và tránh mất thời gian vào những câu khó

ThS Phạm Hồng Danh, TTLT Vĩnh Viễn tư vấn: Theo thông lệ, đề toán khối D sẽ nhẹ hơn khối B và khối B sẽ dễ hơn khối A. TS nên dành thời gian đọc kỹ đề một lần để chọn những câu dễ làm trước, tránh sa đà vào các câu khó ngay từ đầu. Khi làm bài khảo sát hàm số, TS hết sức lưu ý việc tính đúng đạo hàm. Đối với các bài toán phương trình lượng giác và toán liên quan đến phương trình, bất phương trình, hệ bất phương trình đại số, ngoài việc thuộc nhuần nhuyễn các công thức, các em cần nhớ hai phương pháp giải cơ bản là đặt nhân tử chung và đặt ẩn phụ. Với dạng toán tích phân, khối D thường chú ý đến phương pháp tích phân từng phần; khối B phải chú ý thêm phương pháp đổi biến. Phần hình học không gian nếu không giải được bằng phương pháp hình học thuần túy thì có thể đưa hệ trục tọa độ vào để chuyển thành bài toán hình giải tích trong không gian.

Cô Lại Thị Thắm, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Nhân Việt nói: Các dạng đề trong những năm qua hay mang tính suy luận. Nội dung đề thi trải đều các chủ đề ngữ pháp, vài dạng thường xuyên gặp trong đề thi là: đảo ngữ (inversion), các loại mệnh đề quan hệ (relative clause), mệnh đề danh từ (noun clause), mệnh đề trạng ngữ (adverbial clause), câu tường thuật (reported speech)... Khi làm bài, TS phải đọc kỹ câu hỏi và tuyệt đối tránh mất sức vào những câu khó.

 Tiêu Hà

Tp. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ 150 thí sinh khó khăn về dự thi


Tính đến cuối ngày 7/7, có 150 thí sinh (TS) từ các tỉnh, thành thuộc diện đặc biệt khó khăn đã được tạo điều kiện, hỗ trợ trọn gói, từ phương tiện đi lại, ăn ở trong những ngày tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 (đợt 2) tại TP.HCM qua chương trình Tiếp sức mùa thi - Thắp sáng ước mơ 2013.

Tuyen sinh Dai hoc, cao dang: Hon 830.000 thi sinh du thi dot 2

Thí sinh Bùi Thị Ngọc Giàu (Vĩnh Long) đang được sinh viên tiếp sức mùa thi đưa về nơi trọ

Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên (SAC) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam (VSDS), Công ty CP vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang triển khai. Trong đợt 1 - 2013, chương trình đã hỗ trợ cho 150 TS.

Tuyen sinh Dai hoc, cao dang: Hon 830.000 thi sinh du thi dot 2

Tặng vật dụng, dụng cụ học tập cho các thí sinh

Các TS được xe Phương Trang đưa đón từ địa phương đến TP.HCM và từ TP.HCM về quê sau khi thi xong. Bên cạnh đó, các TS được hỗ trợ vật dụng, dụng cụ học tập, hỗ trợ miễn phí ăn, ở và được sinh viên tình nguyện hỗ trợ di chuyển trong ba ngày tạm trú tại TP.HCM để tham gia kỳ thi. Ngoài việc được hỗ trợ trọn gói trong quá trình thi ĐH tại TP.HCM, những TS thi ĐH đạt 20 điểm trở lên sẽ được SAC ưu tiên xét trao học bổng đầu năm học 2013 - 2014.

 Ngô Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI