Tuyển sinh đại học - cao đẳng 2013: Khó lọt qua khe cửa hẹp

22/04/2013 - 14:50

PNO - PN - Về lý thuyết, thí sinh (TS) các huyện nghèo hoàn toàn có cơ hội được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ, nhưng trên thực tế, cơ hội dành cho họ gần như là con số 0.

Lãnh đạo Trường ĐH Mỏ - địa chất cho biết, điều kiện xét tuyển thẳng vào trường này đối với TS các huyện nghèo là phải có học lực xếp loại học sinh (HS) giỏi các lớp 10, 11, 12, tốt nghiệp THPT cũng đạt loại giỏi và trường chỉ xét 35 chỉ tiêu thuộc diện này. Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế cũng xét tuyển thẳng bốn ngành Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Y tế công cộng, Điều dưỡng với điều kiện TS phải có điểm trung bình ba môn học theo khối thi vào ngành của ba năm lớp 10, 11, 12 đạt loạt giỏi, tốt nghiệp THPT đạt giỏi trở lên và hạnh kiểm ba năm THPT đạt loại tốt.

Tuyen sinh dai hoc - cao dang 2013: Kho lot qua khe cua hep

Ảnh chỉ có tính minh họa (nguồn: internet)

Trường ĐH Công đoàn đưa ra những điều kiện khắt khe mà ngay đến TS có điều kiện ở thành phố cũng khó đảm bảo, đừng nói HS tại các huyện nghèo. Theo quy định của trường, chỉ những TS có học lực các năm lớp 10, 11, 12 đạt loại giỏi; tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi mới được xét tuyển thẳng vào ĐH. Trường hợp xét tuyển vào các ngành bậc CĐ phải đạt học lực ba năm cấp THPT loại khá và tốt nghiệp THPT đạt loại khá. Khoa Luật (ĐHQG Hà Nội) chỉ xét tuyển thẳng đối với các TS có học lực ba năm THPT đạt loại giỏi, tốt nghiệp THPT cũng đạt loại giỏi. Tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển thẳng chỉ có năm TS, trong đó ngành Luật học ba TS và ngành Luật Kinh doanh hai TS.

Một số trường ĐH khác tuy đưa ra tiêu chí nhẹ nhàng hơn nhưng là rất cao đối với TS vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Theo thông báo của Trường ĐH Thương mại, TS muốn xét tuyển thẳng phải có xếp loại học tập các năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT từ loại khá trở lên. Tuy nhiên, trường chỉ dành một số lượng rất ít, không vượt quá 1% chỉ tiêu tuyển sinh theo từng chuyên ngành đào tạo. Trường ĐH Luật Hà Nội xét tuyển thẳng TS diện nghèo theo quy định không quá 2% tổng chỉ tiêu đối với những TS huyện nghèo tốt nghiệp THPT loại khá trở lên. Trong khi đó, Học viện Chính sách và phát triển yêu cầu đối tượng xét tuyển thẳng phải có học lực ba năm THPT đạt khá trở lên, trong đó ba môn học lớp 12 tương ứng với ba môn thi tuyển sinh vào Học viện, mỗi môn phải đạt điểm 8 trở lên và hạnh kiểm đạt loại tốt thì mới được tham gia xét tuyển.

Việc các trường ĐH đưa ra những điều kiện xét tuyển “trên trời” như vậy là để “né” việc phải nhận TS các huyện nghèo. “Thực tế, nếu đã có học lực giỏi, tốt nghiệp THPT loại giỏi thì TS thi ĐH kiểu gì cũng đỗ, không cần phải xin xét tuyển để khỏi mang tiếng là xét vớt theo diện ưu tiên”. Cách “làm khó” này khiến các TS hết cơ hội xét tuyển vì cánh cửa đã đóng quá chặt.

Hiệu trưởng một trường ĐH danh tiếng chia sẻ: “Quy định xét tuyển thẳng đã được Bộ đưa vào quy chế, các trường không thể không tuân theo, nhưng tâm lý chẳng ai muốn tuyển HS kém chất lượng”. Vị hiệu trưởng này tính toán, ước tính sẽ có khoảng hơn 10.000 HS lớp 12 đang sống tại 62 huyện thuộc diện nghèo trên cả nước. Với kỳ thi tốt nghiệp có phần “dễ dãi” như hiện nay thì số lượng TS có thể tốt nghiệp và nằm trong diện được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo quy định mới là khá lớn, như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tuyển sinh của các trường. Trên thực tế, trong mùa tuyển sinh 2012, ở cả ba tỉnh có các huyện nghèo là Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, hàng ngàn hồ sơ xét tuyển đã được gửi đi nhưng không trường hợp nào đạt được danh hiệu HS giỏi. Trong gần 400 HS lớp 12 của bốn huyện nghèo tỉnh Điện Biên chỉ có 24 HS học lực khá, còn lại là trung bình và yếu.

Rõ ràng, quy định xét tuyển thẳng đối với TS là người dân tộc thiểu số, TS các huyện nghèo có cũng như không. Các trường ĐH đặt ra những điều kiện khó xuất phát từ việc thiếu niềm tin vào chất lượng giáo dục của địa phương cũng như kỳ thi tốt nghiệp. Do vậy, nếu muốn tạo điều kiện cho HS vùng khó khăn có cơ hội học ĐH, có kiến thức phục vụ kinh tế - xã hội địa phương thì nhà nước cần đầu tư có thực chất vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để nâng chất lượng giáo dục tại địa phương. Bởi, chính sách ưu tiên tuyển thẳng “lợi bất cập hại”, cho dù TS đủ điều kiện vào trường thì cũng không đủ sức theo học ĐH.

HOÀNG DUNG 

Theo điều 33 quy chế tuyển sinh: Đối với TS là người dân tộc thiểu số, TS có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ, nếu học ba năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Sau khi nhập học, những TS này được học bổ sung kiến thức một năm trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI