Tuyển sinh đại học 2024: Tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết

25/01/2024 - 06:18

PNO - Các trường đại học tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối đối với thí sinh. Đó là khuyến nghị của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - khi trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM về mùa tuyển sinh đại học 2024.

Phóng viên: Thời điểm này đã có nhiều trường công bố phương án tuyển sinh năm học 2024-2025. Năm nay là năm cuối cùng áp dụng chương trình cũ, việc các trường công bố sớm có ý nghĩa thế nào với các thí sinh, thưa bà?

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Theo tôi, việc công bố sớm đề án tuyển sinh của các trường có nhiều thuận lợi để thí sinh có thể yên tâm, có nhiều thời gian để chuẩn bị hơn. Về cơ bản trên toàn hệ thống, phương án tuyển sinh là không thay đổi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy

Ở từng trường thì có thể có sự phân bổ lại, điều chỉnh thêm, bớt một số phương thức xét tuyển, hoặc phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác hơn so với năm trước, phù hợp với tình hình thực tế của các trường, tùy vào sự phân tích, đối sánh, so sánh tương quan các dữ liệu về các phương thức xét tuyển qua các năm.

* Có ý kiến cho rằng việc công bố các phương thức xét tuyển sớm có thể vô tình gây áp lực cho thí sinh. Quan điểm của bà như thế nào?

- Tôi lại thấy một số thí sinh cũng có thể cảm thấy yên tâm hơn khi xét tuyển sớm và được thông báo đáp ứng điều kiện. Tuy nhiên, các trường cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển sớm, phương thức xét tuyển sớm.

Theo tôi, đối với những trường quan tâm nhiều đến chất lượng và sự công bằng đối với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại hiệu quả nhiều lắm mà lại khó đảm bảo sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể làm bỏ lỡ mất các thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trong Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung.

Các trường cần ưu tiên việc phân tích so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc đại học với các phương thức xét tuyển đầu vào, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh, phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường. 

* Không ít người cho rằng phương án tuyển sinh xét bằng học bạ với chứng chỉ ngoại ngữ bị cho là thiếu công bằng và gây lãng phí nguồn lực xã hội… 

- Tôi cho rằng học bạ, hay kết quả học tập ở bậc THPT của các thí sinh phản ánh cả quá trình học tập, không chỉ qua 1-2 kỳ thi. Đó là một trong các kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập, tiếp thu kiến thức và triển vọng tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn.

Thí sinh TP Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Thí sinh TP Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, các trường cũng cần có phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khác nhau, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất với cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo.

Thực tế cho thấy khi xét tuyển với chứng chỉ ngoại ngữ, hầu hết các trường đều kết hợp với các điều kiện và dữ liệu khác (học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT…) chứ không trường nào chỉ xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Chứng chỉ ngoại ngữ có thể xem như một điều kiện ưu tiên và có trọng số cao khi các trường xét tuyển vào các chương trình đào tạo hoàn toàn giảng dạy bằng tiếng Anh.

Các kênh thông tin như vậy đều cần thiết với các trường để lựa chọn được thí sinh phù hợp vào học. Đối với các trường đại học đào tạo các ngành không có mức độ cạnh tranh quá cao thì việc các thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ) là có thể vào học được, các em cũng không gặp phải khó khăn gì khi theo học.

* Trước mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT có khuyến nghị gì với các trường về các phương thức tuyển sinh cũng như những điều kiện để có thể hỗ trợ thí sinh tốt nhất trong quá trình đăng ký thưa bà?

- Tuyển sinh dù bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất chính là phải đảm bảo được chất lượng đầu vào của thí sinh đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo, đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển. Dù xét tuyển theo phương thức nào, cách đánh giá nào cũng đều dựa trên tiêu chí, yêu cầu về kiến thức nền tảng, năng lực cốt lõi, khả năng học tập của người học (những năng lực cần thiết cho các ngành, chương trình đào tạo; đã được định hướng, lựa chọn từ sớm khi các em vào học THPT, chứ không phải chỉ mới xác định trong thời gian ngắn).

Từ nhiều năm nay, các thí sinh đã học tốt, có năng lực tốt thì dù đánh giá theo cách này hay cách khác đều không cần phải băn khoăn vì đều đánh giá đúng năng lực của thí sinh, phù hợp với yêu cầu của trường, của ngành đào tạo. Tuy vậy, các trường cần ưu tiên việc phân tích so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc đại học với các phương thức xét tuyển đầu vào, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh, phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường. Các trường cũng nên tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối đối với thí sinh.

Các trường nên có các kênh thông tin, hướng dẫn thí sinh, hỗ trợ thí sinh khi tìm kiếm thông tin, và hướng dẫn chi tiết khi đăng ký tại trường trong các đợt xét tuyển sớm, và sau đó, nhất thiết phải hướng dẫn để thí sinh hiểu rõ là phải đăng ký phương thức xét tuyển lên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT thì nguyện vọng mới có giá trị hiệu lực.

* Xin cảm ơn bà. 

Dung Nhi (thực hiện)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI