PNO - Nhiều ngành học đặc thù thuộc lĩnh vực sức khỏe, sư phạm, nghệ thuật truyền thống, khoa học cơ bản… được miễn giảm học phí theo quy định của Nhà nước hoặc hỗ trợ từ các trường đại học.
Năm 2024, lần đầu tiên thí sinh trúng tuyển đại học các chuyên ngành tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu được miễn 100% học phí. Điều này được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Ngoài ra, còn có các chuyên ngành giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Học sinh THPT tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh năm 2024 tại Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học khi người học học tại cơ sở đào tạo công lập. Đối với cơ sở đào tạo tư nhân, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng mức quy định. Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Y Dược Cần Thơ - những chuyên ngành này vốn khó tuyển sinh, khó tuyển dụng nguồn nhân lực vì người học hay người làm đều phải đối mặt với những công việc ám ảnh, vất vả hơn so với những chuyên ngành khác. Vì lý do này mà các bệnh viện thiếu đội ngũ y bác sĩ để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Những hỗ trợ này của Nhà nước sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người học.
Trước đó, Nghị định số 97 năm 2023 về cơ chế thu, quản lý học phí cũng đã quy định các ngành học như: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác - Lênin… tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước cũng được miễn học phí. Ông Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM - cho hay: “Nhiều thí sinh cho đây là những ngành học mà nhu cầu xã hội thấp nhưng thực tế không phải như vậy. Việc hỗ trợ sẽ giúp các em yên tâm lựa chọn ngành học hơn. Mặt khác, nếu duy trì thành tích học tập tốt, các bạn còn có thể nhận được học bổng khuyến khích học tập, học bổng hỗ trợ của các tổ chức xã hội và các cá nhân”.
Năm nay, sinh viên sư phạm sẽ tiếp tục được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, mức hỗ trợ là 3,63 triệu đồng/tháng trong suốt năm học (10 tháng). Tuy nhiên, sinh viên phải thuộc đối tượng được giao nhiệm vụ, đặt hàng, nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt cùng các hồ sơ liên quan. Còn nếu không thuộc đối tượng trên nhưng sinh viên đã nộp đơn đề nghị công tác trong ngành giáo dục, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại để báo cáo lên cơ quan cấp trên.
Bên cạnh những ngành học được miễn học phí, một số ngành học liên quan đến nghệ thuật truyền thống và đặc thù như: nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật biểu diễn dân ca… cũng được giảm 70% học phí theo quy định tại Nghị định số 81 về cơ chế thu, quản lý học phí của Chính phủ.
Trường hỗ trợ 25 - 100% học phí
Để thu hút thí sinh ứng tuyển vào các ngành khoa học cơ bản, các trường đại học đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ học phí cho sinh viên.
Tại Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM, thạc sĩ Hoàng Thanh Tú - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thông tin - Truyền thông - cho biết, trường tiếp tục dành 2 tỉ đồng để cấp học bổng cho các thí sinh có thành tích cao trúng tuyển vào 7 ngành khoa học phục vụ chiến lược quốc gia. Bao gồm: vật lý học, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân, địa chất học, kỹ thuật địa chất, khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường. Sinh viên sẽ được hỗ trợ 100% hoặc 50% học phí thực đóng năm thứ nhất. Nếu duy trì được thành tích học tập tốt, không bị kỷ luật và đáp ứng điều kiện về học phần, sinh viên có thể duy trì được học bổng trong những năm tiếp theo.
“Đây là những ngành có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ít dù nhu cầu nhân lực khá cao. Tính đến năm 2023, những ngành này đã có kết quả tuyển sinh tích cực hơn khi trường không phải xét tuyển bổ sung, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực của xã hội” - bà Hoàng Thanh Tú chia sẻ.
Tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM, ông Phạm Tấn Hạ - cũng cho biết, nhà trường có chính sách giảm 30% học phí cho những sinh viên trúng tuyển 9 ngành học ít thí sinh đăng ký là triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin - thư viện, lưu trữ học, ngôn ngữ Ý, ngôn ngữ Tây Ban Nha, ngôn ngữ Nga. Ngoài ra, sinh viên còn được giảng viên hỗ trợ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, chương trình trải nghiệm thực tế, hoạt động ngoại khóa được thiết kế riêng… trong suốt quá trình học tập.
Tương tự, Đại học Quốc gia Hà Nội cấp học bổng cho sinh viên một số ngành khoa học cơ bản của 2 trường thành viên. Cụ thể, Trường đại học Khoa học tự nhiên có 9 ngành là toán học, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý tự nhiên, địa chất học, tài nguyên và môi trường nước, hải dương học, công nghệ kỹ thuật hạt nhân. Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn có 9 ngành là: Hán Nôm, lịch sử, triết học, tôn giáo học, chính trị học, nhân học, Việt Nam học, ngôn ngữ học và văn học. Ngoài việc được miễn học phí, chi phí nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và xét các học bổng khác, sinh viên còn nhận được 20 triệu đồng/năm sinh hoạt phí. Các trường thành viên đang cân đối ngân sách, thống nhất mỗi ngành học cơ bản có 10% sinh viên được nhận học bổng.
Còn tại Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhiều năm nay, trường vẫn áp dụng chính sách học bổng là giảm 25 - 50% học phí năm đầu tiên cho nữ thí sinh trúng tuyển các ngành kỹ thuật như: công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, cơ khí, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật công nghệ xây dựng, xây dựng công trình giao thông… Các học kỳ tiếp theo, trường căn cứ kết quả học tập để duy trì học bổng.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.