Tuyển sinh đại học 2022 có gì mới?

18/12/2021 - 06:56

PNO - Nhiều trường đại học cho biết sẽ có những điều chỉnh lớn trong cách thức tuyển sinh để không phụ thuộc quá nhiều vào tình hình dịch bệnh, đồng thời tuyển người học phù hợp bằng những tiêu chí riêng nhiều hơn.

Xét tuyển bằng nhiều tiêu chí ngoài năng lực học tập 

Trường đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM ) đưa ra phương án tuyển sinh năm 2022 có nhiều điểm mới. Trường kết hợp nhiều tiêu chí để có thể đánh giá toàn diện năng lực thí sinh chứ không chỉ xét kết quả học tập, thi cử như mọi năm, như: đóng góp xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn…

Năng lực học tập có thể được đánh giá dựa vào kết quả học THPT, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM , các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế… Trong đó, điểm kỳ thi đánh giá năng lực được xem là thành tố quan trọng xét ở tiêu chí năng lực học tập của người học.

Năm 2022, nhiều trường đại học tuyển sinh theo hướng đánh giá toàn diện, đa dạng năng lực người học  - ẢNH: PHÚC TRẦN
Năm 2022, nhiều trường đại học tuyển sinh theo hướng đánh giá toàn diện, đa dạng năng lực người học - Ảnh: Phúc Trần

Còn Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM ) lần đầu tiên đưa nhiều tiêu chí mới ở hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường. Cụ thể, thí sinh được ưu tiên xét tuyển vào trường khi đạt giải kỳ thi Olympic tin học sinh viên Việt Nam, Olympic phần mềm mã nguồn mở, kỳ thi Lập trình châu Á - ICPC Asia cấp quốc gia, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia… Đặc biệt, trường xét tuyển thẳng đối với thí sinh có tài năng thể thao, cụ thể phải đạt huy chương vàng, bạc, đồng các giải thể thao quốc tế chính thức. Kèm theo là yêu cầu về điểm trung bình học tập THPT theo tổ hợp môn xét tuyển cần đạt từ 7 trở lên.

Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng dự kiến mở lại kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để sử dụng kết hợp xét tuyển với phương thức khác. Nhà trường dự kiến sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức có sử dụng kết quả kỳ thi này trong năm nay.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, trước những thay đổi này, thí sinh không nên quá lo lắng, chỉ cần tập trung làm tốt những gì mình có thể như cải thiện kết quả học tập, tham gia các hoạt động xã hội... Trong đó, năng lực học tập vẫn quan trọng nhất, còn lại là điều kiện phụ để khuyến khích học sinh đa năng và tích cực hơn.

Tiêu chí đánh giá mới chỉ tạo thêm cơ hội cho thí sinh có thế mạnh về các hoạt động ngoài giờ học, chứ không làm khó thí sinh. Các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh mới là để đánh giá năng lực đa dạng của người học. Với thế giới, việc đánh giá năng lực tổng hợp của người học đã diễn ra từ lâu, còn trong nước thì năm nay thực hiện như vậy cũng chỉ là bước khởi đầu. Điều này góp phần giảm sự thiếu định hướng của người học khi chọn ngành, chọn trường. 

Nhiều trường giữ sự ổn định 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho biết: Năm 2022, trường dự kiến duy trì các phương thức tuyển sinh như các mùa tuyển sinh trước. Cụ thể là xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức và xét học bạ THPT.

Trong đó, xét tuyển theo học bạ THPT tiếp tục được cải tiến các quy trình xét tuyển theo hướng tin học hóa, giúp thí sinh đăng ký nhanh chóng, thuận tiện nhất trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn diễn ra. Trường cũng tiếp tục chia nhiều đợt xét tuyển học bạ, giúp thí sinh chủ động chọn đợt xét tuyển phù hợp.

Nhiều trường ĐH khác cơ bản giữ ổn định phương thức tuyển sinh năm 2022. Như Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM ) dự kiến tuyển hơn 3.600 chỉ tiêu theo sáu phương thức. Tuy nhiên, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi tốt nghiệp THPT như mọi năm, trường có thể dành tối đa 70% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức.

Còn lại, chỉ 15 - 50% chỉ tiêu theo ngành, nhóm ngành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT; 5 - 10% chỉ tiêu dành cho thí sinh người Việt Nam học THPT theo chương trình 12 năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10 - 15% chỉ tiêu theo ngành, nhóm ngành cho ưu tiên xét tuyển; 1 - 5% xét tuyển thẳng; tối đa 3% dành cho thí sinh Việt Nam ở nước ngoài…

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: Trường tuyển theo bốn phương thức, sử dụng bốn tổ hợp để xét tuyển đầu vào cho 3.500 chỉ tiêu. Trong đó, dành 40% cho xét tuyển học bạ THPT, trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; 50% xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; 5% xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM từ 600 điểm trở lên; 5% xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo và học sinh xếp loại giỏi các năm lớp 10, 11, 12. 

Chiều 16/12, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết dự kiến giữ ổn định tuyển sinh với bốn phương thức xét tuyển cho 6.550 chỉ tiêu. Cụ thể: xét tuyển học bạ THPT dựa vào điểm trung bình học bạ năm học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12) của từng môn theo tổ hợp từ 7,0 trở lên; xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT; xét từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM từ 700 điểm trở lên; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của trường như thí sinh giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh, giải khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc giải tư cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, học sinh giỏi trường chuyên - top 200, xét điểm IELTS quốc tế, điểm SAT quốc tế, trường THPT liên kết do hiệu trưởng giới thiệu. 

Có thêm nhiều ngành học mới

Mặc dù không ồ ạt như năm trước nhưng vừa khởi đầu mùa tuyển sinh 2022, nhiều trường đại học (ĐH) cho biết sẽ mở thêm nhiều ngành học mới để tăng cơ hội lựa chọn ngành nghề cho người học. 

Năm 2022, Trường ĐH Công nghệ TPHCM tuyển thêm chín ngành mới thuộc nhóm ngành kinh tế - quản trị (kinh tế quốc tế, tài chính quốc tế, digital marketing, quản trị sự kiện), sinh học - môi trường - nông lâm (dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường, chăn nuôi) và truyền thông - nghệ thuật (nghệ thuật số, công nghệ điện ảnh, truyền hình). 

Trong phương án tuyển sinh dự kiến của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM có đến sáu ngành học mới, gồm: quản trị văn phòng, kinh tế quốc tế, công nghệ tài chính, kiểm toán, truyền thông đa phương tiện, quản trị sự kiện. Trường ĐH Hoa Sen cũng dự kiến mở một số ngành học mới như: thương mại điện tử, digital marketing, phim, quan hệ công chúng, kinh tế thể thao, trí tuệ nhân tạo…

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) dự kiến sẽ xây dựng và mở một số ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), kỹ thuật máy tính, quản lý tài nguyên và môi trường. Còn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã có thêm ba ngành mới: luật, an toàn thông tin, xe điện - xe lai.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho rằng, việc nhiều trường mở các ngành mới này gắn với xu thế số hóa của nền kinh tế hiện đại. Đó là xu hướng. Nguồn nhân lực phải có khả năng vận dụng công nghệ vào công việc chuyên môn một cách hiệu quả. Điều này giúp sinh viên thích nghi với điều kiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Đồng thời, định hướng đào tạo nhóm ngành này cũng góp phần giải bài toán nhân lực giỏi chuyên môn - thạo công nghệ hiện nay.

Thanh Thanh

 Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI