Tuyển sinh đại học 2018: Chuẩn bị gì cho kỳ kiểm tra năng lực?

23/04/2018 - 06:27

PNO - Đây là năm đầu tiên, Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện kỳ kiểm tra đánh giá năng lực riêng để tuyển sinh cho các trường thành viên. Tỷ trọng chỉ tiêu cho bước thử nghiệm này là 20% tổng chỉ tiêu.

Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học Luật TP.HCM đã bắt đầu thực hiện kỳ kiểm tra đánh giá năng lực riêng để tuyển sinh đại học 2018. Dù chỉ tiêu tuyển theo hình thức này chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng các thí sinh cũng khá lo lắng với hình thức mới mẻ, theo hướng tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế này.

Tuyen sinh dai hoc 2018: Chuan bi gi cho ky kiem tra nang luc?
Học sinh lớp 12 tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh đại học 2018

Có kiến thức, am hiểu xã hội

Đây là năm đầu tiên, Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM thực hiện kỳ kiểm tra đánh giá năng lực riêng để tuyển sinh cho các trường thành viên. Tỷ trọng chỉ tiêu cho bước thử nghiệm này là 20% tổng chỉ tiêu.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM - lý giải: một người vào học ĐH phải có những năng lực cơ bản nhất: đọc hiểu, viết và nghe tốt ngôn ngữ mẹ đẻ lẫn ngôn ngữ nào đó; phải có khả năng logic tốt và kỹ năng xử lý số liệu; biết giải quyết vấn đề tự nhiên, xã hội, kinh tế tài chính...

Tiến sĩ Trần Tiến Khoa - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: bài thi năng lực của trường ĐH Quốc tế năm 2018 có nội dung trong chương trình THPT năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Riêng môn toán và vật lý, đề thi tập trung vào kiến thức chương trình THPT năm lớp 12. Thí sinh tham khảo thêm thông tin hướng dẫn làm bài và đề thi mẫu tại: https://tuyensinh.hcmiu.edu.vn/ktnl/huong-dan-lam-bai-va-de-thi-mau/

Trên thế giới cũng có nhiều cách đánh giá kiến thức và kỹ năng, như ở Mỹ có kỳ thi SAT 1 đánh giá năng lực tổng quan, còn SAT 2 đánh giá sâu hơn với ở lĩnh vực toán, lý, hóa… 

Nằm trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng Trường ĐH Quốc tế có kỳ kiểm tra năng lực riêng, theo cách thức chuyên sâu hơn.

Kỳ thi kiểm tra năng lực của Trường ĐH Quốc tế áp dụng theo cách thức như kỳ thi SAT 2 (Mỹ), tức thi theo môn đáp ứng năng lực tự nhiên của ngành nghề. Môn toán là bắt buộc, còn lại là chọn theo ngành gồm các môn lý, hóa, sinh, tiếng Anh. Ví dụ: thí sinh muốn vào ngành công nghệ sinh học sẽ chọn thi môn toán - hóa hoặc sinh. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: năm 2017, lần đầu tiên trường tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực để xét tuyển với tỷ lệ chỉ tiêu là 35%. Những sinh viên được tuyển chọn từ kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực đều có thành tích học tập tốt, phù hợp với điều kiện giảng dạy của nhà trường. Vì vậy, năm 2018, trường tăng tỷ lệ xét tuyển từ kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực lên 65% chỉ tiêu. 

Với các kỳ kiểm tra đánh giá năng lực theo thông lệ quốc tế, nghe có vẻ nặng nề nhưng thực chất thí sinh không cần phải… luyện thi. Bởi có luyện cũng khó trúng tủ. Muốn đạt kết quả tốt trong các kỳ đánh giá năng lực mang tính khái quát, khách quan này, học sinh phải học tốt toàn diện ở bậc THPT, thậm chí phải có am hiểu xã hội, có kiến thức thực tế cuộc sống. Kiểu học tủ, học vẹt gần như không có đất dụng võ. 

Chuẩn bị cho việc học đại học tốt hơn

Năm thứ ba trường ĐH Luật TP.HCM tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực, trong đó điểm học bạ chiếm 10% tỷ trọng, điểm thi THPT quốc gia 60% và điểm bài kiểm tra năng lực 30%. Bài kiểm tra năng lực của trường được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm trên giấy gồm 100 câu trong thời gian 75 phút (thang điểm 30). Nội dung bài làm sẽ kiểm tra kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, kiến thức pháp luật, tư duy logic và khả năng lập luận.

Bên cạnh đó là kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân). Với bài đánh giá năng lực tổng quát này, trường khẳng định thí sinh không cần phải học thêm môn học nào nên sẽ không gây áp lực cho thí sinh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, đây là năm đầu tiên tổ chức thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bởi vì thí sinh hiện đang quen một cách thi kiểm tra kiến thức và việc muốn thay đổi một thói quen không thể một sớm một chiều. 

Liệu cách đánh giá này chắc chắn tốt và hiệu quả hơn cách thức tuyển sinh hiện hành hay không, các chuyên gia cho rằng, chỉ có thực tế mới trả lời được và phải thông qua nghiên cứu sâu mới chứng minh được. Tuy nhiên, chúng ta đang sử dụng theo thông lệ quốc tế và trên thế giới người ta sử dụng phương pháp này rất có hiệu quả.

Thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - thông tin: những kiến thức được sử dụng khi làm bài được thí sinh tích lũy trong quá trình trưởng thành của mình. Để làm tốt bài kiểm tra đánh giá năng lực em có thể thử làm bài kiểm tra minh họa ngay từ thời điểm này tại: http://www.tuyensinh.hcmulaw.edu.vn 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI