Rối như canh hẹ
Em Châu Kiệt (học sinh Trường THPT Đoàn Thị Điểm, tỉnh Bến Tre) cho biết rất nhiều thí sinh bối rối với các thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay. Thời điểm ban hành quy chế là tháng 6/2022, trước thi tốt nghiệp THPT một tháng, có quá ít thời gian để thí sinh tìm hiểu kỹ những điểm mới trong quy chế.
Ngay khi đăng ký dự thi tốt nghiệp, thí sinh phải thực hiện bước đầu tiên là nhập thông tin trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và phải xác nhận vào mục số 9 “Thí sinh có dùng kết quả thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm”.
Thực tế, vừa qua, nhiều thí sinh nghĩ rằng sẽ xét tuyển bằng học bạ chứ không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp nên không chọn mục này. Trong khi đó, nếu không chọn mục này thì sẽ không được hệ thống xét tuyển nguyện vọng dù thí sinh có đậu xét tuyển sớm vào các trường. Bởi vậy, vừa qua rất nhiều thí sinh “vướng” mục này và phải liên hệ với trường, trường làm đơn lên Sở GD-ĐT, sở lại làm đơn lên Bộ GD-ĐT để điều chỉnh…
Bước thứ hai, thí sinh phải tiếp tục thực hiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại cơ sở đào tạo mà mình chọn (trực tiếp hoặc trực tuyến). Bước thứ ba, dù đã nhập thông tin lên cổng thông tin của trường mà mình chọn, thí sinh vẫn phải tiến hành nhập nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của bộ.
|
Quy chế tuyển sinh năm nay yêu cầu tất cả phương thức xét tuyển đều phải nhập lên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trong ảnh: Thí sinh làm thủ tục xét tuyển bằng học bạ tại Trường đại học Công nghệ TPHCM) - Ảnh: P.T |
Điểm mới của năm nay là thí sinh xét tuyển ở tất cả phương thức đều phải đưa lên, trong khi những năm trước thí sinh chỉ phải nhập các nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Do đó, 20 phương thức xét tuyển như một “ma trận” khiến thí sinh vô cùng bối rối, việc lựa chọn, sắp xếp, nhập, sửa mất rất nhiều thời gian. Chưa dừng ở đó, thí sinh còn phải thực hiện bước thứ tư là thanh toán lệ phí trực tuyến thì mới coi như hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng để chờ xét tuyển.
Như vậy, chỉ riêng việc đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần làm ít nhất bốn công đoạn với rất nhiều thao tác rắc rối mà nếu chỉ bỏ sót một bước nào hoặc sai sót một thông tin nào thì cũng không được công nhận.
Em Thùy Trang - nguyên học sinh Trường THPT Quang Trung (Hà Đông, TP.Hà Nội) - cho biết, đối với thí sinh tự do, những thay đổi của quy chế mới còn “rối não” hơn nữa. Trong khi các năm trước chỉ yêu cầu lập tài khoản với thí sinh xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp, thì năm nay cả thí sinh tự do tham gia xét tuyển bằng các phương thức khác cũng cần đăng ký tài khoản để nhập lên hệ thống chung.
Rất nhiều thí sinh tự do không nắm được quy định này nên gần đến giờ G mới chạy đôn chạy đáo liên hệ khắp nơi để đăng ký tài khoản. Với Thùy Trang, em còn bị một phen hú vía khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Theo trình tự, sau khi đã nhập danh sách nguyện vọng lên cổng thông tin, hệ thống yêu cầu thí sinh xác nhận đăng ký bằng cách gửi tin nhắn về tổng đài 6058, sau đó mã xác thực OTP sẽ được gửi về số điện thoại của thí sinh để xác nhận đăng ký. Thế nhưng, khi em gửi tin nhắn đến tổng đài thì liên tục bị lỗi. Sau đó, Thùy Trang mất nhiều thời gian liên hệ khắp nơi, thậm chí chạy ra công ty viễn thông để làm thủ tục đổi thông tin sim chính chủ nhưng vẫn không được. Cuối cùng, em lên phòng GD-ĐT quận để đổi sang số điện thoại khác thì mới nhận được mã OTP kịp hoàn thành đăng ký nguyện vọng.
Các trường bị "nhốt chung một rọ"
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) - nhận xét: Thực tế triển khai quy chế tuyển sinh năm nay không chỉ khiến thí sinh bối rối mà các trường cũng rất bị động. Sau khi trường đã có đề án tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT mới ban hành quy chế tuyển sinh khiến trường phải “chạy theo” sau.
Chưa kể, năm nay việc xét tuyển trễ, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh có sáu tuần để điều chỉnh nguyện vọng. Đồng thời, tất cả phương thức xét tuyển, kể cả xét tuyển sớm, đều phải đưa lên hệ thống lọc ảo và đến tháng Chín mới có kết quả nên đến nay các trường gần như “chưa có gì trong tay”.
Việc tính toán tỷ lệ ảo cũng không dễ dàng vì phương thức tuyển sinh năm nay hoàn toàn mới, trong khi bộ yêu cầu các trường không được thay đổi danh sách trúng tuyển sau lọc ảo và phải “canh” sao cho danh sách này không được vượt chỉ tiêu, nếu vượt sẽ bị xử lý. Trong trường hợp phần mềm xét tuyển chung thuận lợi thì năm nay thí sinh cũng phải nhập học trễ. Còn nếu trục trặc, mất thêm thời gian xử lý thì còn chậm trễ hơn nữa.
Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường đại học Tài chính Marketing TPHCM - cho biết, hiện trường khá bị động trong công tác tuyển sinh. Dự kiến, đến cuối tháng Tám, trường mới được tập huấn để tiếp cận hệ thống thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Trong khi các năm trước thì đến thời điểm này việc tuyển sinh các phương thức khác đã cơ bản xong, chỉ chờ tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Còn năm nay, các trường không biết làm gì ngoài… chờ đợi. Khó khăn nhất là phải quyết định số lượng trúng tuyển cho tất cả phương thức cùng một thời điểm, trong khi tỷ lệ nhập học rất khó dự đoán theo quy chế mới.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - Bộ GD-ĐT cho rằng việc đăng ký trực tuyến sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng trên thực tế thí sinh phải mất rất nhiều công đoạn đăng ký. Việc bộ điều chỉnh tới lui nhiều lần càng khiến thí sinh hụt hơi chạy theo. Mới đây nhất, bộ phải mở lại cổng thông tin để thí sinh tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng. Việc thanh toán lệ phí trực tuyến phải lùi thời gian và chia ra thanh toán theo từng tỉnh, thành cũng cho thấy Bộ GD-ĐT không lường được tình trạng quá tải của hệ thống.
“Đáng lo ngại nhất là hiện nay phần mềm cổng thông tin tuyển sinh vẫn đang trong quá trình chạy thử nghiệm, chờ hoàn thiện. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT lại yêu cầu tất cả phương thức của tất cả các trường đều phải nhập lên hệ thống, không biết có thể đảm bảo khi vận hành với dữ liệu lớn và phức tạp như vậy hay không? Gom tất cả lên một hệ thống xét tuyển chung như vậy chẳng khác nào “nhốt chung các trường vào một rọ”, rất bị động. Có thể thấy, việc ban hành quy chế tuyển sinh rất trễ, thậm chí trễ hơn cả hai năm đại dịch, cộng với việc bộ phải điều chỉnh tới lui nhiều lần cho thấy quy chế còn nhiều bất cập và không có sự chuẩn bị tốt để triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Đức Nghĩa nhận định.
325.000 thí sinh không đăng ký đại học là không bình thường Tính đến 17g ngày 20/8, có 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng và hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống (chiếm hơn 34%). Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định con số này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Vũ Quỳnh cho rằng: “Nhiều thí sinh chọn các hướng rẽ khác như cao đẳng, học nghề, xuất khẩu lao động, du học… nhưng không thể có con số đột biến như vậy. Cho rằng hơn 34% này đều là tự giác phân luồng sau khi thi tốt nghiệp THPT thì có lạc quan quá không? Trong quá trình tư vấn tuyển sinh thời gian qua, chúng tôi gặp nhiều thí sinh vướng mắc khi thực hiện các bước đăng ký xét tuyển trên mạng, dẫn đến mất nhiều thời gian điều chỉnh. Ngay cả ở tỉnh Đồng Nai là một tỉnh phát triển nhưng cũng có những vùng sâu, vùng xa phải lưu thông bằng phà. Vậy thì với những em ở những tỉnh nghèo, kém phát triển, liệu điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin và hệ thống đường truyền kỹ thuật có đảm bảo để thực hiện tất cả các bước trong quy định đăng ký hay không?”. Đồng quan điểm, tiến sĩ Mai Văn Tỉnh - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng: đưa ra quy định thí sinh sử dụng hoàn toàn công nghệ thông tin trong đăng ký nguyện vọng và sắp tới là thanh toán lệ phí, e rằng người ban hành chưa thấy hết bức tranh toàn cảnh giáo dục và điều kiện của cả nước. Thực tế, rất nhiều vùng điện còn chưa có nữa là sóng điện thoại, đường truyền internet hay tài khoản ngân hàng trực tuyến. Việc thay đổi phải phù hợp với mặt bằng chung, có lộ trình, không thể đưa thí sinh ra “thí điểm”. Bộ GD-ĐT cần rà soát, kiểm tra lý do hơn 325.000 thí sinh không đăng ký vào đại học, để có sự hỗ trợ cần thiết, không để em nào bị bỏ lại vì lý do “ngoài ý muốn”. |
Phương Thanh