PNO - Cùng với sự ra đời của ChatGPT, chuyên gia dự báo ngành đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ “lên ngôi” trong thời gian tới. Một số trường đại học cũng đón đầu xu thế bằng cách mở ngành chuyên sâu hoặc liên quan đến AI.
Năm 2023, Trường đại học (ĐH) Kinh tế TPHCM dự kiến mở nhiều ngành gắn liền với kỷ nguyên số, trong đó có ngành robot và AI. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác của nhà trường - đánh giá, robot và AI là 2 lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và tác động rất lớn đến cuộc sống và kinh tế hiện nay.
Sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong quá trình học tập - Ảnh: P.T.
Robot được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, có thể làm việc liên tục và chính xác, giúp tăng hiệu suất và giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, AI giúp tối ưu hóa quy trình và tăng hiệu quả của DN, cũng như cung cấp giải pháp tự động cho những vấn đề phức tạp. Kết hợp lại, các hệ thống robot được tích hợp AI để giúp robot hoạt động một cách thông minh, giống suy nghĩ của con người hơn.
Theo ông Nguyễn Trường Thịnh, nguồn nhân sự về công nghệ 4.0 vẫn là điểm yếu của lao động Việt Nam. Hiện nay, các dự báo cho thấy chúng ta đang thiếu nghiêm trọng nguồn nhân sự công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực robot và AI. Đó là thách thức lớn đối với nguồn cung ứng đào tạo nhân lực chất lượng cao để phục vụ chuyển đổi cơ cấu trong thị trường lao động, cũng như nhu cầu tuyển dụng của các DN. Do đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực bài bản để đào tạo ngành robot và AI, với chỉ tiêu năm đầu tiên là 70 sinh viên đào tạo tại TPHCM và 30 sinh viên đào tạo tại Phân hiệu Vĩnh Long.
Chương trình được xây dựng nhằm cung cấp những kỹ sư có trình độ chuyên môn linh hoạt, mang tư duy thiết kế, lập trình, điều khiển, quản lý trên nền tảng kiến thức sâu rộng về công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo. Tiến sĩ Ngô Đức Thành - Trưởng khoa Khoa học máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho biết nhà trường thí điểm đào tạo ngành AI từ năm 2022 và chính thức tuyển sinh năm 2023. Theo vị trưởng khoa này, vài năm gần đây, những thành tựu của AI đã được thể hiện rất rõ trong mỗi hoạt động của đời sống.
“Con người đang hưởng thụ thành quả của AI mỗi ngày. Chẳng hạn, khi chúng ta chụp ảnh, đưa lên Facebook thì ứng dụng này có thể nhận diện khuôn mặt người và tự động đánh dấu tên người đó, đây chính là một ứng dụng của AI. Hoặc chúng ta nghe nhiều về xe tự lái, làm sao xe nhận biết được môi trường xung quanh và tự đưa ra quyết định thông minh, đó là nhờ ứng dụng của AI. Nói một cách dễ hiểu, AI là nghiên cứu làm sao cho máy tính có khả năng và trí tuệ như con người” - ông Ngô Đức Thành nói.
Chính vì nhu cầu ứng dụng AI trong cuộc sống ngày càng cao, kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực tăng cao và sự quan tâm của xã hội với ngành này cũng trở nên rất “nóng bỏng”. Do đó, dù là ngành mới nhưng điểm đầu vào tại Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) lên đến 28 điểm, cạnh tranh gay gắt vì mỗi năm chỉ có khoảng 40 chỉ tiêu.
ChatGPT buộc các trường không ngừng đổi mới
Thạc sĩ Phùng Quán - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho biết, bên cạnh ngành AI đã được đào tạo vài năm nay, trường còn có các ngành, nhóm ngành có liên quan đến AI như: khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, máy tính và công nghệ thông tin... Cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, sự ra đời của ChatGPT sẽ làm thay đổi quan điểm từ sở hữu kiến thức thành làm chủ kiến thức, thay đổi cách dạy, học và nhiều vấn đề khác trong giáo dục cũng như cuộc sống. Theo ông, muốn không bị loại bỏ khỏi "cuộc chơi", sinh viên cần có kiến thức về các ngành này, điều đó sẽ khiến nhu cầu đào tạo các ngành công nghệ số càng tăng cao thời gian tới.
Ông Nguyễn Trường Thịnh nhận xét, trong thời điểm hiện nay, công nghệ thay đổi từng ngày, ngay cả không có ChatGPT thì cũng sẽ có những tiến bộ công nghệ khác xuất hiện. Điều này đặt ra yêu cầu các trường ĐH đào tạo ngành công nghệ phải không ngừng đổi mới, cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất vào chương trình đào tạo. Khi mà công nghệ luôn được làm mới thì chương trình đào tạo cần linh hoạt hơn, đi sâu vào thực tiễn cũng như gắn kết với các DN. Công nghệ phát triển, việc học trở nên “phẳng” hơn, các lớp học có thể diễn ra với các thí nghiệm về công nghệ thực hiện ở môi trường “ảo” nhờ vào các công nghệ VR (thực tế ảo), AR (thực tế ảo tăng cường) giúp người học dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới.
Nhìn nhận ChatGPT là một sản phẩm AI nhưng lại quay trở lại tác động đối với việc đào tạo ngành này, ông Nguyễn Trường Thịnh cho hay, với chương trình đào tạo robot và AI của nhà trường, ChatGPT sẽ được đưa vào như một đối tượng để sinh viên nghiên cứu. Trên cơ sở đó, sinh viên có khả năng hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của các mô hình trí tuệ nhân tạo, từ đó có thể khai thác hiệu quả các nền tảng này. Thậm chí, sinh viên hoàn toàn có khả năng triển khai một nền tảng tương tự.
“Không phải khi ChatGPT ra đời thì AI mới bắt đầu can thiệp trực tiếp vào cuộc sống chúng ta. Hiện nay, xung quanh chúng ta đâu đâu cũng có hình ảnh của AI, từ những hoạt động thường ngày: tìm đường, xem thời tiết, hệ thống tư vấn, mạng xã hội đến hoạt động của các công ty, nhà máy. Tuy vậy, ChatGPT tạo ra một sự phản hồi giống như con người dựa trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo thì mọi người mới thấy sự thông minh và tính hiệu quả của AI. Sự hào hứng với ChatGPT cũng sẽ gia tăng sự quan tâm đến ngành đào tạo robot và AI” - ông Nguyễn Trường Thịnh nhận định.
Cơ hội việc làm rộng mở
Hiện nay đã có một số trường đào tạo ngành AI có uy tín như: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH FPT...
Các sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này có cơ hội việc làm rất rộng mở. Chẳng hạn, trở thành chuyên gia lập trình AI, tham gia phát triển các phần mềm, ứng dụng, các hệ thống tính toán có sử dụng AI. Chuyên gia phân tích, thiết kế, xây dựng giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ thông minh có sử dụng AI tại các công ty, tập đoàn công nghệ. Nhà nghiên cứu về khoa học máy tính và AI tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, bộ phận nghiên cứu và phát triển. Thiết kế, vận hành các dây chuyền sản xuất tự động của các công ty và tập đoàn công nghệ. Quản lý, điều phối viên tại các dự án chuyển đổi số, dự án phát triển sản phẩm và công nghệ cao…
Để học được ngành này, học sinh cần có nền tảng tốt về toán, vật lý, có niềm đam mê với công nghệ, kỹ thuật. Nhưng trên hết, sinh viên cần có các tố chất như chăm chỉ, cần cù, chịu khó, thích tìm tòi, nghiên cứu, hình thành được khả năng tự học.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...