Tuyển sinh 2022: Chiến thuật sắp xếp nguyện vọng tăng cơ hội trúng tuyển

28/07/2022 - 09:43

PNO - Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ nay tới 17g ngày 20/8 là khoảng thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Theo chuyên gia, các thí sinh nên bình tĩnh, cân nhắc thật kỹ, không “chốt” nguyện vọng luôn trong ngày đầu tiên, nhưng cũng không nên để đến ngày cuối cùng mới vào hệ thống đăng ký xét tuyển.

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tư vấn: “Thí sinh cần lưu ý kết quả học tập so với yêu cầu của trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Đồng thời rà soát điểm trúng tuyển của một số năm trước so với kết quả học tập của mình, trong đó thí sinh cũng nên đặc biệt lưu ý các điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ”.

PGS.TS Bùi Đức Triệu phân tích, tất cả trường đại học đều công khai đề án tuyển sinh và có bộ phận giải đáp về tuyển sinh, các em có thể tìm hiểu về trường học, ngành học mà mình dự định xét tuyển.

“Thí sinh cần xem thích ngành nào và liệu nó có phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện thực tế của bản thân, gia đình hay không. Ngoài ra, các em nên tìm hiểu thị trường lao động của địa phương và trên cả nước, thậm chí là thị trường lao động quốc tế, để đưa ra lựa chọn”, PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.

Thí sinh cần phải có chiến thuật đăng ký nguyện vọng tránh trượt oan - Ảnh: Đại Minh
Thí sinh cần phải có chiến thuật đăng ký nguyện vọng, tránh trượt oan - Ảnh: Đại Minh

Còn GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Tự nhiên cũng lưu ý, với cách thức xét tuyển như hiện nay, thí sinh nên đặt ngành, trường yêu thích ở nguyện vọng 1. Các nguyện vọng sau là ngành và trường vừa tầm với năng lực cá nhân để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.

TS. Lê Hữu Du - Phó giám đốc Học viện Tòa án thì cho biết, Bộ GD-ĐT có hướng mở không giới hạn số lượng đăng ký nguyện vọng của thí sinh, từ hướng mở đó, thí sinh nên đăng ký theo nguyên tắc thích trường nào nhất xếp nguyện vọng 1, trường nào số 2 thì xếp nguyện vọng 2… nếu xếp như vậy thí sinh sẽ tránh được tình trạng “đỗ nhầm”.

“Đỗ nhầm” là đỗ vào trường mà bản thân thí sinh không thích nhất nhất, khi công bố điểm chuẩn trường mình thích nhất thì điểm mình đủ, thậm chí thừa vào trường lại không đăng ký.

Điều này có thể dẫn đến tình trạng trong quá trình học các em chán nản, thậm chí bỏ học.

Chính vì thế, nguyện vọng chỉ có ý nghĩa sắp xếp thứ tự ưu tiên cho trường nào xét trước, trường nào xét sau. Nếu xét trước đỗ rồi thì không xét tiếp các trường có nguyện vọng xếp sau.

Khi có thời gian dài để đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh phải chịu khó theo dõi để nắm các điều chỉnh, bổ sung thay đổi của trường mà mình đăng ký để xét tuyển, phải nắm thông tin một cách sát nhất để đảm bảo quyền lợi của bản thân. Thời gian đăng ký dài là cơ hội để thí sinh đưa ra quyết định có lợi nhất cho mình, do đó không được chủ quan”, TS Du nói.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, sự khác biệt trong xét tuyển ĐH năm nay là trong cùng một đợt, thí sinh vừa đăng ký, vừa điều chỉnh, bao nhiêu lần cũng được, không giới hạn. Điều này diễn ra sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi, giúp các em biết rõ khả năng mình có khả năng trúng vào ngành nào, trường nào, theo phương thức nào.

Bà Thủy cũng lưu ý, thí sinh đăng ký các nguyện vọng khác nhau, cần có “chiến thuật” để dàn trải nguyện vọng đăng ký của mình.

“Các em nên đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ trên cao xuống thấp đối với các ngành mà mình yêu thích. Mỗi phương thức xét tuyển có một tỷ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, các em nên để nguyện vọng 1.

Cũng không nên tập trung tất cả các nguyện vọng của mình chỉ vào trường top đầu, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ không đỗ trường này và còn không đỗ cả những trường khác. Các em phải có chiến lược, chiến thuật để rải nguyện vọng, nên chọn nhiều trường khác nhau ở những ngành mình yêu thích”, bà Thủy khuyên thí sinh.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI