* Tối 7/12, trên sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019, có một đôi chân trần đã bước đi giữa những hào quang lộng lẫy.
Có thể, đấy là H’Hen Niê đang truyền đi thông điệp “nổi loạn” mà Người đàn bà đẹp Julia Roberts, trong lần đầu xuất hiện trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes 2016 với bộ váy quyến rũ của Giorgio Armani Privé cùng… đôi chân trần chỉ để đáp lại cái quy định quái quỷ của Cannes “không được phép đi giày bệt”.
Hai năm sau, giám khảo Cannes 2018, ngôi sao Chạng vạng, Kristen Stewart cũng bất ngờ cởi giày cao gót để đi trên thảm đỏ: “Nếu không có quy định nam giới phải mặc váy, đi giày gót nhọn thì cũng đừng ép phụ nữ phải làm điều đó”.
Nhưng có lẽ, đôi chân trần ấy gần với sở thích, thói quen của Hen nhiều hơn, như bao năm cô vẫn lướt đi giữa đại ngàn; nó dìu lấy bộ trang phục cội nguồn Ê Đê của Hen trong niềm kiêu hãnh và yêu thương đến lạ lùng. Tất cả như một lời nhắn nhủ trong khoảnh khắc chuyển giao “quyền lực nhan sắc” rằng, cái đẹp tỏa sáng từ chính bản thể, tự trong cội nguồn; cái đẹp lưu giữ bạn trong sự chân thật bạn là hào quang của… chính mình. Vậy thôi!
|
Niềm vui chiến thắng của các tuyển thủ bóng đá nữ - Ảnh: Vietnamnet |
Tối 8/12, trên sân cỏ Rizal Memorial, những đôi chân trần đã không ngừng bay nhảy nơi đồng sâu ruộng cạn, càn quét qua các “thể loại” sân làng, sân xã cho đến ngày được thỏa thích theo nghiệp trái bóng tròn mà chính thức đặt chân lên mặt sân… tuyển. Họ - đã trở thành một phần của Tổ quốc, hiện diện qua màu cờ sắc áo, chinh chiến bằng tình yêu, lòng đam mê và ý chí không lùi bước trước bất cứ khó khăn, định kiến và lãng quên nào.
Cũng là bộ trang phục màu đỏ quen thuộc, cũng trên mặt sân Rizal Memorial, hôm 7/12, những chàng trai Rồng Đỏ vừa làm nên chiến thắng vang dội 4-0 trước tuyển Campuchia; thì nay những cô gái Sao Vàng đã biết cách chặn những đường bóng dài, làm bế tắc lối chơi bóng bổng của đội bóng áo xanh. Chiều cao, thể lực đã không bù lại cho một lối chơi khá đơn điệu, chỉ tập trung vào những đường bóng dài bên cánh trái, tranh thủ áp sát nhanh của tuyển Thái Lan.
|
Đội trưởng Huỳnh Như tả xung hữu đột giữa những bóng áo xanh |
Trong khi một Tuyết Dung nhỏ bé bên cạnh Taneekarn Dangda, tiền vệ Suchawadee nổi bật giữa một dàn áo đỏ nhưng rõ ràng, những đường bóng lên về nhịp nhàng, chắc chắn, sắc nét. Tuyết Dung đúng nghĩa là truyền nhân của danh thủ đồng hương Văn Thị Thanh, cô chẳng khác nào một Trọng Hoàng có pha thêm… Hùng Dũng, chạy cánh và phối bóng cực kỳ thông minh. Nguyễn Thị Vạn quyết liệt, xông xáo và cho thấy khả năng dứt điểm đa dạng. Một Hải Yến đã cho thấy phẩm chất “sát thủ” ngay trong thời khắc quyết định. Nhìn về tuyến dưới, là lá chắn thép Hồng Nhung và đôi chân băng trắng của Chương Thị Kiều.
Đôi chân ấy, không ngại lăn xả, cản phá và có lúc, đã phải hứng trọn cú vào bóng nguy hiểm của đối phương, Kiều lại tiếp tục băng bó và chạy. Ngay cả khi không chạy, là vị trí trấn giữ khung thành thì thủ môn Trần Thị Kim Thanh cũng phải cắn răng chịu đựng cơn đau để thi đấu.
|
Một mình chiếc áo đỏ - Nguyễn Thị Vạn tả xung hữu đột giữa hàng cầu thủ Thái Lan - Ảnh: Vietnamnet |
Có thể, khi nhịp độ trận đấu cuốn tất cả chúng ta dõi theo 11 đôi chân đang ào ạt trên sân, mà quên đi họ là những… cô gái, với suốt hơn 90 phút đồng hồ chạy, tranh chấp, bang bật, toan tính, phối hợp và không hiếm lần bị “chặt, chém” thô bạo. Dù là cầu thủ chuyên nghiệp, dù không muốn và (hiểu) là không nên “giới tính hóa” trong câu chuyện này thì tôi vẫn buộc phải thừa nhận, đã có lúc, cảm giác sân cỏ này, cuộc thắng thua khắc nghiệt này không dành cho… đàn bà!
* Trước và trong khi diễn ra trận chung kết, có những tổ chức, cá nhân đã và đang lên tiếng về những phần thưởng dành cho tuyển nữ Việt Nam. Không ít, thậm chí đang mỗi lúc nhiều lên những lời kêu gọi hãy dành sự quan tâm, sự công bằng cho những cầu thủ nữ Việt Nam. Tình cảm, sự chia sẻ, thái độ đồng hành của người hâm mộ và cộng đồng xã hội với đội tuyển nữ bóng đá quốc gia là có thật.
Nó thật và nhiệt thành như bao lần (từ trước năm 2017), cứ sau mỗi kỳ thi đấu, trong khi bóng đá nam trầy trật, chật vật, thất bại ở các đấu trường khu vực thì bóng đá nữ lần lượt chinh phục thành công các giải đấu; và người ta lại ngậm ngùi cho sự thiệt thòi của các cô gái. Rồi cũng tưởng thưởng, cũng bù đắp và rồi… quên - những chính sách đãi ngộ, những điều kiện tập luyện, thi đấu…
|
Họ đã chiến đấu quả cảm và không kém phần bi tráng |
Tôi đã từng được đón họ trở về sau chiến thắng, được ngồi cạnh và lắng nghe những khoảnh khắc riêng tư sau sân cỏ. Nước mắt họ rơi. Có khi lại ngoảnh mặt đi, giấu tất cả những tủi buồn không đáng có bởi “tụi em quen rồi chị”. Tấm huy chương vàng SEA Games họ đeo trên ngực, thử lật lại, nó có hết những cay đắng, nhọc nhằn nhưng tất cả đều là sự lựa chọn của chính các cô gái. Và quan trọng, họ hạnh phúc vì được chơi bóng, đá bóng và sống được, dù chật vật bằng nghiệp cầu thủ.
Còn sự phân biệt giới, đối xử không công bằng giữa các tuyển thủ nam hay nữ thì không riêng gì Việt Nam, cũng chẳng phải đợi đến hôm nay hay ngày mai sẽ chấm dứt mà e rằng, có hay không cái ngày-công-bằng ấy. Có khi cũng chẳng cần.
Thì đấy thôi, Quả bóng vàng thế giới lần đầu trao cho cầu thủ nữ, năm 2018, tiền đạo Ada Hegerberg của đội bóng Lyon, Pháp bước lên bục. Ngay lập tức MC DJ Solveig yêu cầu cô gái nhảy một điệu lắc mông. Còn quý ông Antoine Griezmann thì gọi trống không người đồng nghiệp “cô gái đến từ Lyon nào đó”. Sự tôn vinh mang mầm bỡn cợt, ngay giữa lòng kinh đô Ánh Sáng văn minh!
|
Niềm vui chiến thắng của tuyển nữ Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Vì vậy, trước những lời kêu gọi “hãy công bằng”, thậm chí trách móc, đổ lỗi cho một sự lãng quên hay phủ nhận đóng góp không mệt mỏi của các tuyển thủ nữ, tôi hay bạn cứ tiếp tục lắng nghe để rồi tiếp tục… theo dõi, nhắc nhớ để không nhiều hơn một lần những cô gái Áo Đỏ lại tiếp tục bị lãng quên.
Ai dám chắc sau đêm qua, 8/12, vinh quang của đấu trường SEA Games 2019 sẽ ở lại với các tuyển thủ nữ được bao lâu? Chỉ biết, trước mắt, lời chúc mừng thành thật nhất cũng chính là lời cảm ơn - những nữ chiến binh Sao Vàng, các bạn là tình yêu của chúng tôi, là niềm tự hào của Tổ quốc.
Ái Mỹ