Tuyến metro số 1 khó bảo đảm đúng tiến độ

28/02/2020 - 11:10

PNO - Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7km dự kiến sẽ đưa vào vận hành cuối năm 2021 nhưng hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, có nguy cơ thêm một lần nữa chậm tiến độ.

Nhì nhằng phối hợp

Sáng 27/2, Ban Đô thị, HĐND TPHCM đã tổ chức cuộc giám sát về tiến độ thi công công trình tuyến metro số 1. Dự án metro số 1 bao gồm bốn gói thầu. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, đến nay, các hạng mục thô của dự án cơ bản đã xong. Tuy nhiên, ban này đang gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng công tác thi công và sự kết nối đồng bộ. Đơn cử, việc triển khai thực hiện bốn cầu bộ hành tại các nhà ga trên cao đang vướng chuyện bàn giao mặt bằng; hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật chồng lấn trong mặt bằng chật hẹp. 

Một cán bộ thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM kể, Q.2, Q.9 và Q.Bình Thạnh là các địa phương phải bàn giao mặt bằng, triển khai thi công cầu bộ hành, nhưng ba quận này đã không nhất trí với thiết kế ban đầu, do người dân ở một bên cầu bộ hành không đồng ý di dời, giải tỏa. Thậm chí, có thời điểm, khi tiến hành rào chắn để thi công dự án, người dân còn ném đá, ngăn không cho các nhà thầu làm việc. Khi bỏ đi một nhánh cầu bộ hành hoặc thay đổi vị trí, thiết kế phải thay đổi rất nhiều, tiến độ theo đó cũng bị ảnh hưởng. Theo vị cán bộ này, ban quản lý buộc phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, bỏ luôn một nhánh cầu bộ hành. Thiết kế mới hiện đã được phê duyệt, nhưng ban này nêu mong muốn,  HĐND TPHCM hỗ trợ, thúc đẩy các địa phương bàn giao mặt bằng; nếu không, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.

Đoàn giám sát HĐND TP.HCM khảo sát tuyến metro số 1, gói thầu 2, đoạn nhà ga tại Khu công nghệ cao
Đoàn giám sát HĐND TPHCM khảo sát tuyến metro số 1, gói thầu 2, đoạn nhà ga tại Khu công nghệ cao

Riêng các công trình hạ tầng kỹ thuật chồng lấn, vướng mắc lớn nhất là các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật “dính” đến đường ống nước D.2000 - hệ thống nước chính của TPHCM. Theo đó, trong phạm vi 6m - là hành lang an toàn hai bên đường ống nước - không được thi công. Toàn tuyến metro số 1 có tổng cộng 34 vị trí liên quan đến đường ống nước D.2000, chưa kể một số vị trí xây dựng cầu bộ hành. Trước đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã làm việc với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Kết quả, hai bên nhất trí, chỉ cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho D.2000, nhưng do có một số điều chỉnh kỹ thuật trong thiết kế mới, dẫn đến việc Sawaco lo lắng: trong quá trình thi công xây dựng và bảo dưỡng sau này, nếu có xảy ra chuyện gì, ai chịu trách nhiệm và chi phí.

Vừa thi công, vừa bổ sung tiêu chuẩn

Khảo sát nhà ga trên cao tại Khu công nghệ cao TPHCM thuộc gói thầu số 2, bà Phan Thị Hồng Xuân ở Ban Đô thị HĐND TPHCM đặt vấn đề, với thiết kế hiện tại, người khuyết tật, người già khó được thụ hưởng từ tuyến metro số 1. Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM thừa nhận, ngay từ đầu, thiết kế tuyến metro số 1 đã lộ bất cập này. Ông cho biết: “Ban có suy nghĩ tới việc làm thang máy bổ sung, nhưng mọi hạng mục đều đã ký hợp đồng với nhà thầu thi công. Nếu bổ sung thêm, sẽ đội vốn dự án”. 

Ông Huỳnh Hồng Thanh - Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM - nhận định, dự án metro chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, nên phải áp dụng rất nhiều tiêu chuẩn của nước ngoài trong triển khai dự án. Từ đó, dự án vừa thi công, vừa phải liên tục bổ sung tiêu chuẩn và cần được phê duyệt để áp dụng. Việc phê duyệt lại đòi hỏi phải lấy ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải cùng với các sở, ngành, sau đó mới có cơ sở yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh việc mua sắm trang thiết bị. Mặc dù vậy, theo ông Thanh, đây là vấn đề không có gì đáng ngại, cái chính là cần có thời gian để nghiên cứu, tiếp nhận tài liệu liên quan đến các tiêu chuẩn này. 

Công nhân làm việc trên
Công nhân đang thi công tuyến metro số 1

Tại cuộc giám sát, vốn đầu tư cho tuyến metro số 1 vẫn là nỗi lo của đại diện các đơn vị liên quan và đoàn giám sát. Đoàn giám sát HĐND TPHCM băn khoăn về giá trị cấp phát còn lại của vốn ODA cho dự án (hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính vẫn chưa đồng quan điểm); gói thầu số 3 về mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray gặp trở ngại trong công tác thông quan nhập khẩu. Theo ông Thanh: “Do thay đổi chính sách nên phía ban quản lý và nhà thầu đã cãi nhau rất nhiều về thuế. Cái nào của mình, cái nào của họ hiện chưa giải quyết xong”.

Nhận định sau cuộc làm việc, ông Trương Trung Kiên - Trưởng ban Đô thị, HĐND TPHCM - cho rằng, khó khăn bao trùm nhất vẫn là vấn đề phối hợp. “Không có sự phối hợp, ngồi lại. Đơn vị nào cũng bận, không đi họp để bàn, tìm cách giải quyết, đến khi nhận kết quả thì lại không đồng ý, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ” - ông Kiên nói. 

Sáng 28/2, Ban Đô thị, HĐND TPHCM tiếp tục giám sát việc triển khai tiến độ tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Liên quan đến sự kết nối giữa hai tuyến metro, tại cuộc làm việc, các đại biểu HĐND TPHCM cũng đặt vấn đề quanh việc điều chỉnh thiết kế vừa qua. Cụ thể, vì sao không tích hợp giữa tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2 mà phải phân tách thành dự án kết nối giữa hai dự án? Theo đoàn giám sát, đây là nội dung cần được thuyết minh rõ ràng trong tờ trình, trình HĐND TPHCM vào tháng Ba tới đây. Dự án kết nối là dự án nối giữa nhà ga Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 và nhà ga Tao Đàn thuộc tuyến số 2. 

 Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI