Tuyển giáo viên, cần quan tâm đến biểu hiện tâm lý

15/12/2018 - 05:58

PNO - Mơ làm cô giáo, tôi thi vào trường đại học sư phạm và hình dung mình sẽ học được rất nhiều ở đây. Nhưng 4 năm đại học trôi qua tôi mới hiểu vì sao hiện nay xã hội có nhiều băn khoăn về người thầy.

Điều làm tôi ngạc nhiên là dù học tà tà nhưng cả 60 bạn trong lớp tôi đều tốt nghiệp ra trường. Kết quả đó khiến tôi và nhiều bạn không khỏi ngán ngẩm vì có bạn rồi đây sẽ trở thành GV dạy văn nhưng không thuộc nổi một bài thơ. Chưa kể, các bạn này luôn nói tục, chửi thề.

Rồi những sự việc không hay liên tiếp xảy ra trong trường học gần đây cho thấy những lo lắng của chúng tôi là đúng. Bạo lực không chỉ là chuyện của học sinh mà còn là của GV. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ khâu đào tạo. 

Tuyen giao vien, can quan tam den bieu hien tam ly
Thí sinh xét tuyển vào ngành sư phạm không chỉ cần điểm số học tập cao mà cần cả phẩm chất đạo đức tốt

Quả thực, nếu như kết quả học tập của mỗi sinh viên được thể hiện rõ ràng ở điểm số, thì kết quả rèn luyện lại mơ hồ. Phẩm chất, hành vi, thái độ không thể đo lường nên giáo dục đạo đức chỉ tồn tại dưới hình thức “nhắc nhở” thông qua một số bài học, được thực hiện ở một số giảng viên tâm huyết với nghề. 

Kết quả rèn luyện của sinh viên sau mỗi học kỳ là do sinh viên tự đánh giá có sự xem xét, điều chỉnh của cố vấn học tập. Nhưng vai trò của cố vấn học tập cũng hết sức mờ nhạt nên kết quả đều tốt đẹp. 

Theo tiến sĩ Hoàng Mai Khanh, Trưởng khoa Giáo dục Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), một số nền giáo dục phương Tây đánh giá tác phong sư phạm, thái độ chuyên nghiệp của những GV tương lai thông qua những biểu hiện trong suốt quá trình học tập như đến lớp đúng giờ, nộp bài đúng hạn, thái độ ứng xử chừng mực…

Tác phong chuyên nghiệp của GV tương lai còn được đánh giá thông qua mỗi môn học, giúp họ điều chỉnh, rèn luyện mỗi ngày và suốt nhiều năm để trở thành người GV có thái độ, phẩm chất cần có.

Dù chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm ở một số nước rất khắt khe, nhưng không phải cứ tốt nghiệp là trở thành GV như ở nước ta. Họ phải qua một năm thực tập ở trường học dưới sự giám sát, đánh giá của đại diện nhà trường; đồng thời, phải thông qua kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề mới được chấp nhận cho đứng lớp.

“Khó khăn là vậy, nhưng quá trình tuyển dụng GV, nhà trường lại cực kỳ quan tâm đến những biểu hiện tâm lý, hành vi. Trong quá trình làm việc, chỉ cần một lần dùng bạo lực với học sinh, GV sẽ lập tức bị sa thải”, cô Hạnh Huỳnh, thạc sĩ giáo dục ở Mỹ, cho biết.

Gần đây, vấn đề giáo dục đạo đức cho sinh viên ngành sư phạm đã được nhìn nhận nghiêm túc hơn khi một số trường sư phạm đã bổ sung tiêu chí hạnh kiểm trong tuyển sinh đầu vào, đồng thời cải tiến chương trình đào tạo theo hướng chuyển tải những nội dung giáo dục đạo đức vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, để có những GV toàn diện cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp, nhất thiết phải thắt chặt đầu ra bằng những hình thức đánh giá thiết thực hơn. 

Phương Lê 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI