Tuyên dương 10 công dân Thủ đô ưu tú 2014

10/10/2014 - 20:11

PNO - PN - Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” được công bố và trao tặng tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô diễn ra vào sáng 10/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tuyen duong 10 cong dan Thu do uu tu 2014

Các công dân Thủ đô ưu tú gồm: ông Dương Tuấn Anh (SN 1962) - công nhân lái xe Xí nghiệp xe buýt 10/10 Hà Nội. Ông luôn gương mẫu, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hành khách, nhiều lần cung cấp thông tin bắt giữ trộm cắp trên các tuyến xe buýt; ông Lâm Văn Bảng (SN 1943) - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày; Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền (SN 1945) - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - là một trong những người đặt nền móng đầu tiên xây dựng trường THDL Đoàn Thị Điểm; Đại tá Trần Đức Long (SN 1960) - Chánh thanh tra Công an TP, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP. Hà Nội; bà Hồ Hương Nam (SN 1932) - P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ - nguyên giáo viên trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, đã nghỉ hưu, tham gia công tác tại P.Yên Phụ (làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu dân cư 10 năm, tham gia tình nguyện viên công tác xã hội sau cai nghiện tái cộng đồng xã hội); bà Nguyễn Thị Nga (SN 1955), Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Tổng giám đốc - đồng Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn BRG; nhạc sĩ Phú Quang (SN 1949 - ảnh), một trong những nhạc sĩ có nhiều bài hát hay, sâu sắc về Hà Nội; PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết (SN 1954), Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức; ông Phùng Mạnh Thực (SN 1947, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai); Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ngọc Trọng (SN 1938) với hơn 60 năm lao động, sáng tạo trong lĩnh vực khảm tam khí, chạm bạc.

Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2014

Với chủ đề “Tinh hoa hội tụ”, liên hoan tái hiện đầy đủ những nét xưa trong những góc làng quê thân thuộc như gốm, sứ, mây tre đan, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng… Không chỉ là hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô, liên hoan du lịch lần này còn góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội, để làng nghề có dịp được quảng bá sâu rộng sản phẩm với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Bên cạnh những hoạt động quảng bá ẩm thực, hàng tiêu dùng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, liên hoan còn tổ chức biểu diễn văn nghệ, võ thuật cũng như các trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống văn hóa Việt. Liên hoan kéo dài từ ngày 9-12/10 tại sân vận động Quần Ngựa.

Bốn đầu cầu truyền hình trực tiếp vào tối 10/10

Vào tối nay 10/10, một chuỗi chương trình nghệ thuật ý nghĩa diễn ra tại các đầu cầu ở Hà Nội, đó là đài truyền hình Việt Nam, quảng trường Cách mạng tháng Tám, tượng đài vua Lý Thái Tổ và Văn miếu Quốc Tử Giám. Đầu cầu tại trường quay VTV sẽ kết nối ký ức về chặng đường 60 năm của Hà Nội với sự tham gia của các nhân chứng lịch sử. Đầu cầu thứ hai tại quảng trường Nhà hát Lớn với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Đầu cầu thứ ba tại tượng đài vua Lý Thái Tổ với chương trình nghệ thuật “Hà Nội ngày về”, tái hiện lại quá trình lịch sử của Hà Nội từ ngày giải phóng cho đến nay. Đầu cầu thứ tư tại Văn miếu Quốc Tử Giám sẽ diễn ra chương trình thời trang “Hương sắc Hà Nội”.

Hà Nội niềm tin và hy vọng

Các nghệ sĩ: NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Dương Minh Đức, Mỹ Linh, Tùng Dương, Anh Thơ... góp mặt trong chương trình nghệ thuật “Hà Nội niềm tin và hy vọng” ngày 10/10 tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Chương trình được xây dựng theo hình thức bán sử thi thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca, múa, nhạc, kết hợp hình ảnh của các phim, phóng sự, tài liệu… theo ba chủ đề: Hà Nội - một thời hoa lửa; Thời hòa bình và 30 năm đổi mới; Thành phố vì hòa bình.

Theo tổng đạo diễn NSND Trần Bình, các chủ đề này nhấn mạnh thông điệp yêu hòa bình của nhân dân Hà Nội suốt 60 năm nay.

Ra mắt Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô

Chiều 8/10, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát triển thủ đô. Đây là bước đánh dấu ngành khoa học nghiên cứu về Hà Nội được thực sự đầu tư. TP. Hà Nội sẽ “đặt hàng” Trung tâm nghiên cứu những vấn đề mà Hà Nội đang có nhu cầu giải quyết trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục, tài nguyên, môi trường và hợp tác quốc tế. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nói: “Ý tưởng thành lập một trung tâm nghiên cứu về Hà Nội có từ năm 2000. GS Trần Quốc Vượng là người khởi sự cho dự án này. Hà Nội là một trong 13 thủ đô lớn nhất thế giới với 1.000 năm lịch sử, văn hiến nên đối tượng nghiên cứu là rất rộng lớn. Điều này đòi hỏi người nghiên cứu phải chọn những đề tài trọng điểm, hữu ích và hệ thống”. GS-TS Nguyễn Quang Ngọc được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm.

 Quế An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI