Tuyển được giáo viên nhưng vẫn thiếu người giảng dạy

19/09/2022 - 12:17

PNO - Đã tuyển được giáo viên, song nhiều trường vẫn thiếu người giảng dạy, vì giáo viên chưa được bồi dưỡng môn tích hợp nên không đủ điều kiện đứng lớp.

Chia sẻ về việc giảng dạy bộ môn tích hợp trong chương trình GDPT 2018, cô Hoàng Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp) thông tin hiện nay trường vẫn chưa chủ động được đội ngũ, nhất là với giáo viên mới tuyển vì các trường đại học chưa có chuyên ngành này. Do đó, khi phân công giáo viên giảng dạy rất bị động, dù tuyển được rồi nhưng vẫn... thiếu giáo viên đứng lớp.

"Giáo viên mới tuyển do chưa được tham gia lớp bồi dưỡng môn tích hợp nên sẽ không thể đứng lớp. Trường phân công thầy cô này dạy ở khối 8, 9 còn các thầy cô đã được tập huấn đầy đủ sẽ dạy môn tích hợp ở khối 6, 7, dẫn đến tình trạng thầy cô nào đã tham gia lớp bồi dưỡng thì số tiết dạy cao hơn, rất khó khăn...", cô Thu chia sẻ.

Nhiều trường dù đã tuyển được giáo viên song vẫn chưa thể phân công giảng dạy
Nhiều trường dù đã tuyển được giáo viên song vẫn chưa thể phân công giảng dạy

Tương tự, cô Võ Thị Đào, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hồng Đào (huyện Hóc Môn),  cho biết rất lo khi phân công giáo viên giảng dạy môn tích hợp trong chương trình GDPT 2018. Để đảm nhiệm thêm một môn học là cả vấn đề, trong khi giáo viên dù đã được tập huấn song chưa đủ chuyên sâu.

"Giáo viên là tổ trưởng tổ hóa học mà cũng phải mất cả năm mới thuộc bảng nguyên tố hóa học, như vậy với giáo viên môn vật lý, sinh học thì thế nào. Tuy nhiên, cái gì mới cũng cần phải đầu tư thêm. Trong quá trình giảng dạy giáo viên vừa học tập, bồi dưỡng thêm kiến thức vì thời gian bồi dưỡng môn tích hợp theo chương trình mới hiện nay chưa đủ để giáo viên an tâm đứng lớp. Mong các trường có thể chủ động nguồn nhân sự đón đầu, được đào tạo bài bản. Hiện nay, đội ngũ giáo viên mới tuyển dụng vẫn chưa thể đứng lớp giảng dạy các bộ môn tích hợp vì chưa được bồi dưỡng", cô Đào trăn trở. 

Nhìn nhận nếu thực hiện khâu bồi dưỡng nghiêm túc thì giáo viên sẽ tiếp cận chương trình một cách thuận lợi, thế nhưng ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp thẳng thắn, việc giảng dạy các môn tích hợp vẫn còn tồn tại thực trạng giáo viên môn nào sẽ đứng lớp phân môn đó. "Ngay như tại quận Gò Vấp cũng đang tồn tại 2 cách làm: trường nào tách được thì giáo viên nào sẽ dạy môn đó, trường nào thiếu giáo viên thì phải dạy tích hợp, song thực sự rất khó. Tổ chuyên môn phải ngồi với nhau để kèm nhau dạy, cái gì khó quá phải chấp nhận hỏi đồng nghiệp". 

Trao đổi với phóng viên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc khẳng định, để giảng dạy các khối lớp thực hiện chương trình GDPT 2018 thì giáo viên bắt buộc phải được tập huấn, bồi dưỡng. Riêng giáo viên dạy các bộ môn tích hợp là lịch sử - địa lý, khoa học tự nhiên thì phải được bồi dưỡng, lấy chứng chỉ môn tích hợp mới có thể được phân công đứng lớp giảng dạy môn học này. Vì thế, với đội ngũ giáo viên tuyển dụng mới, từng địa phương, nhà trường phải tạo điều kiện để thầy cô được bồi dưỡng, đảm bảo điều kiện đứng lớp... 

Được đào tạo đơn môn song phải đảm nhiệm đa môn vẫn là cả vấn đề với giáo viên khi đứng lớp
Được đào tạo đơn môn, song phải đảm nhiệm đa môn vẫn là cả vấn đề với giáo viên khi đứng lớp

Với việc giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng thực tế phải giảng dạy đa môn, ông cho rằng, để đứng lớp, một mặt thầy cô cần được bồi dưỡng, tập huấn, một mặt trường phải đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ bộ môn theo hướng nghiên cứu bài học để giáo viên được giao lưu, gỡ khó các vấn đề còn lấn cấn, từ đó rút kinh nghiệm giảng dạy. 

"Trên thực tế vẫn còn nhiều thầy cô suy nghĩ theo hướng giảng dạy cũ. Trong khi đó mục tiêu chương trình mới đã thay đổi rất nhiều. Việc giảng dạy không còn là cầm cuốn sách lên với giáo án cũ mà giáo viên cần phải suy nghĩ thực hiện thế nào để hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh", ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI