Tuyển dụng lao động qua mạng: Coi chừng sập bẫy!

01/04/2025 - 06:03

PNO - Gần đây, những thông tin về cung ứng lao động cũng như cung ứng việc làm xuất hiện tràn lan trên mạng. Những lời mời chào việc làm hấp dẫn với yêu cầu đơn giản khiến nhiều người bị sập bẫy.

Khi giấy tờ và tuổi tác chỉ là hình thức

Lướt qua các hội nhóm tìm việc, dễ dàng bắt gặp những bài đăng cam kết cung ứng lao động số lượng lớn theo yêu cầu. Một số nơi không ngần ngại công khai hình ảnh ứng viên đang chờ việc, thậm chí nhấn mạnh: “Chỉ nhận lao động ở tỉnh để dễ quản lý”. Nguồn lao động chủ yếu đến từ các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Nghệ An… hay khu vực miền Tây. Có nơi công khai nhận lao động 15-16 tuổi, bất chấp quy định của pháp luật về độ tuổi.

Tình trạng người lao động bị công khai hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng lo ngại - Ảnh chụp màn hình
Tình trạng người lao động bị công khai hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng lo ngại - Ảnh chụp màn hình

Một tài khoản Facebook đăng bài quảng cáo: “Bên em cung ứng lao động phổ thông cho nhà hàng, tạp vụ, thợ ốp lát, điện lạnh… Lao động chăm chỉ, có giấy tờ đầy đủ, có thể đi làm ngay. Anh chị cần người thì liên hệ em nhé!”.

Trong vai lao động tìm việc, chúng tôi liên hệ với một đơn vị cung cấp lao động. Một nhân viên hỏi han qua loa rồi mời chúng tôi đến một địa chỉ trên đường Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp. Người này khẳng định: “Cứ qua công ty ngay, rất nhiều ngành nghề, thoải mái lựa chọn”.

Hỏi về chi phí môi giới, người này cho biết, người lao động không phải trả bất kỳ khoản nào, vì công ty đã thu phí từ doanh nghiệp tuyển dụng. Chúng tôi nói mới ở quê lên, chưa có chỗ ở, nhân viên cam kết sẽ sắp xếp nơi lưu trú miễn phí. Nếu đến ngay, sẽ có việc tại xưởng trong ngày. Chúng tôi hỏi tìm việc cho em trai 15 tuổi, người này không hề do dự: “Bên anh còn có mấy đứa 14 tuổi, nhỏ thì đóng gói, cắt chỉ, xếp hàng! Cứ qua đi, bên đây lo từ A đến Z!”.

Theo hướng dẫn, chúng tôi tìm đến địa chỉ được cung cấp. Trước mắt tôi là một căn nhà nhỏ chật hẹp, có chiều rộng chừng 2m, nằm lọt thỏm giữa san sát nhà cửa, không có bảng hiệu hay bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đây là trụ sở của một công ty tuyển dụng.

Cần trang bị kỹ năng để tránh sập bẫy

Những lời mời chào tuyển dụng với yêu cầu đơn giản khiến nhiều lao động trẻ dễ bị sập bẫy. Anh Hương Đông (23 tuổi, thị trấn Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những nạn nhân của hình thức rao tuyển lao động trên mạng xã hội. Anh Đông cho biết, đọc thấy tin tuyển dụng hấp dẫn với yêu cầu đơn giản, không cần kinh nghiệm, anh đã liên hệ. Các đối tượng yêu cầu anh chụp ảnh để “chào hàng” với nhà tuyển dụng. Ngoài ra, anh còn phải đặt cọc và nộp nhiều khoản phí như: phí hồ sơ, phí đảm bảo không bỏ việc, phí tuyển dụng.

Địa chỉ được cho là trụ sở của công ty tuyển dụng lao động ở quận Gò Vấp, TPHCM đóng cửa im lìm, không bảng hiệu - Ảnh: Thanh Tâm
Địa chỉ được cho là trụ sở của công ty tuyển dụng lao động ở quận Gò Vấp, TPHCM đóng cửa im lìm, không bảng hiệu - Ảnh: Thanh Tâm

Sau một thời gian chờ đợi mà không thấy phản hồi, anh Đông bắt đầu lo lắng, tìm hiểu và yêu cầu hoàn trả tiền đặt cọc. Thấy anh đã nghi ngờ và không muốn tiếp tục chờ đợi, các đối tượng đã xóa toàn bộ bài đăng, đóng cửa nơi môi giới rồi bặt vô âm tín.

Không chỉ người lao động, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng rơi vào tình huống trớ trêu vì những lời rao hấp dẫn và những hình ảnh gọi là “người thật việc thật”. Do cần tuyển lao động phổ thông, qua mạng, ông Nguyễn Minh (quận Gò Vấp) tìm đến một công ty cung ứng lao động. Theo thỏa thuận, ông đóng 1,7 triệu đồng phí dịch vụ để nhận 1 người lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Công ty cam kết nếu người lao động không phù hợp, ông có thể đổi người và nếu sau nhiều lần vẫn không đáp ứng, ông sẽ được hoàn lại 50% phí dịch vụ.

Nhưng ngay khi tiếp nhận nữ lao động đầu tiên, ông Minh đã gặp sự cố. Người này từ chối ở lại nơi làm việc, yêu cầu thuê phòng trọ riêng. Đến sáng hôm sau, cô gái bỗng dưng biến mất không một lời giải thích. Khi ông phản ánh sự việc, công ty lại giới thiệu một nhân viên khác, nhưng lần này là một nam thanh niên xăm trổ đầy người, khiến ông e ngại. Sau 2 lần thất bại, nghĩ mình đã bị lừa, ông Minh đã nhiều lần liên hệ với công ty nhưng chưa nhận được phản hồi thỏa đáng.

Theo ông Nguyễn Văn Sang - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM - hiện nay, tình trạng môi giới lao động trái phép đang diễn ra phổ biến, khiến nhiều người tìm việc, đặc biệt là lao động trẻ, rơi vào thế bị động và dễ bị lừa gạt. Nhiều đơn vị môi giới thu phí từ doanh nghiệp để cung cấp lao động, thậm chí có những “cò” lao động còn thu tiền của người tìm việc dưới danh nghĩa chi phí giới thiệu việc làm. Điều này không chỉ trái với quy định pháp luật mà còn gây thiệt hại lớn về tài chính và tinh thần cho người lao động.

Không ít trường hợp sau khi được “cò” môi giới, tháng lương đầu tiên bị chúng chiếm trọn, khiến người lao động rơi vào tình trạng bế tắc. Lao động phổ thông, công nhân thời vụ là nhóm đối tượng dễ bị tác động. Những lời mời chào như “việc nhẹ, lương cao” thường nhắm vào người trẻ muốn có việc ngay, dẫn đến nhiều rủi ro khi đi làm thực tế. Vì vậy, người lao động cần trang bị kỹ năng, chủ động tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, công ty tuyển dụng trước khi ứng tuyển. Việc tìm việc thông qua các trang web uy tín, đơn vị tuyển dụng chính thức là vô cùng quan trọng. Khi tiếp xúc với các đơn vị môi giới, cần yêu cầu hồ sơ, hợp đồng lao động rõ ràng, tránh trường hợp bị lừa gạt qua các cuộc gọi tư vấn sơ sài.

Ông Sang cũng khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi và tránh bị lừa đảo, người lao động nên liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để kiểm tra mức độ phù hợp với công việc. Khi ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thử việc, cần đọc kỹ điều khoản, tránh rơi vào “bẫy” ghi danh của cò lao động, mất tiền và ảnh hưởng đến tâm lý.

Công khai hình ảnh lao động, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý

Luật sư Trần Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, việc công khai rao tuyển lao động trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em. Hành vi này có thể vi phạm quyền bảo vệ thông tin cá nhân nếu không có sự đồng ý rõ ràng từ người lao động.

Theo điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, nếu người lao động đồng ý công khai hình ảnh, sự đồng ý này phải minh bạch, không bị ép buộc. Việc thỏa thuận phải bằng văn bản để tránh tranh chấp về sau. Nhưng dù có đồng ý, doanh nghiệp hoặc cá nhân tuyển dụng vẫn phải tuân thủ các quy định về lao động và quyền riêng tư.

Với lao động dưới 15 tuổi, việc công khai hình ảnh để tuyển dụng là vi phạm Bộ luật Lao động 2019, trừ khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Trẻ dưới 15 tuổi không được phép làm việc, ngoại trừ một số công việc đặc biệt. Nếu doanh nghiệp sử dụng lao động vị thành niên mà không có hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Việc công khai hình ảnh hoặc tuyển dụng trẻ em chưa đủ tuổi lao động, dù có sự đồng ý hay không, đều là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Điều này có thể khiến trẻ bị lợi dụng, làm việc trong môi trường nguy hiểm, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, học vấn và gia tăng nguy cơ bị bóc lột, xâm hại.

Trường hợp người lao động không đồng ý hoặc không biết hình ảnh của mình bị sử dụng, đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư theo Luật An toàn thông tin mạng 2015. Người lao động có quyền yêu cầu ngừng công khai trái phép và đòi bồi thường nếu danh dự, nhân phẩm bị ảnh hưởng. Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đặc biệt, với lao động nữ, công khai hình ảnh mà không có sự chấp thuận có thể dẫn đến nguy cơ bị quấy rối tình dục, phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong môi trường làm việc. Họ có thể bị lợi dụng, ép buộc làm việc trong điều kiện không đảm bảo quyền lợi hoặc thậm chí rơi vào tình trạng bóc lột lao động.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI