Một người lái taxi dừng xịch lại, nhảy ra khỏi xe, đi thẳng về phía Jae Deh với ánh mắt chờ đợi.
|
Hình minh hoạ. Nguồn: Economist |
Cô vừa chỉ tay vào rổ xương dưới chân vừa quát to: “Anh đến muộn! Hết sạch rồi!” Người lái xe bàng hoàng: “Tôi đã đến đây ăn cả chục năm nay! Cô không để dành cho tôi tí nào à?”
Cô Jae Deh cười phá lên vì đã chọc được khách hàng. Cô chỉ người lái xe ngồi vào cái bàn gần nhất và dọn ra một dĩa cơm với thịt lợn om, kèm lá ngò và tương ớt.
Cô Jae Deh và chồng, anh Su Kit, đã bán món khao kha moo (cơm với móng giò hầm) trên phố Soi Thong Lo ở trung tâm Bangkok từ năm 1987, khi cả hai mới 16 tuổi. Giờ con gái lớn của họ bán hàng cùng bố mẹ.
Nhà họ không giàu, nhưng anh Su Kit nói ngày nào bán chạy họ có thể kiếm được khoảng 4 nghìn baht (113 đôla Mỹ).
Giống những người bán hàng ăn đường phố khác ở Bangkok, họ cũng đến từ một vùng quê nghèo, với mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và cứ mỗi cái chân giờ bán được, họ càng gần hơn đến mong ước đó.
Hàng triệu gia đình khác trên khắp Đông Nam Á cũng vậy. Khi những người trẻ và tham vọng theo nhau rời ruộng đồng vào các nhà máy, khu vực này trở thành một trong những nơi tăng trưởng và đô thị hóa nhanh nhất thế giới. Và phải có người lo việc ăn uống cho họ.
Ở các thành phố, thời gian là hạn hẹp và chỗ ở cũng chật chội: người ta cần đồ ăn rẻ, no bụng và tiện lợi. Trên khắp các vỉa hè ở Đông Nam Á là hàng dãy bàn ghế nhựa ọp ẹp, bán những bữa ăn nhanh gọn như phở ở TP.HCM, khao kha moo ở Bangkok, mie bakso (mỳ thịt viên) ở Jakarta và mohinga (súp cá) ở Yangon.
Dân văn phòng là lượt lẫn công nhân xây dựng bụi bặm ngồi chen vai thích cánh.
Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), có khoảng 2,5 tỷ người ăn thức ăn đường phố mỗi ngày. Theo một cuộc nghiên cứu gần đây nhất, năm 2007, 20 nghìn quầy bán thức ăn đường phố ở Bangkok đáp ứng đến 40% nhu cầu ăn uống của người dân; hai phần ba các hộ gia đình ăn ngoài phố ít nhất một bữa trong ngày.
Làm ra các bữa ăn đó chẳng dễ dàng gì. Jane, một phụ nữ hoạt bát có một hàng lẩu và nộm đu đủ buổi đêm, phải bắt đầu chuẩn bị từ 3 giờ chiều; đến tận nửa đêm bàn ghế vẫn kín chỗ.
Luung Pan bán mỳ thịt lợn với bánh bao trên cùng con phố với cô Jae Deh, phải cùng con trai dậy nấu nướng từ 4 giờ sáng và chẳng mấy khi về nhà trước 9 rưỡi tối.
Nhưng ông hết sức thỏa mãn khi có thể phục vụ các khách hàng quen đến cả thập kỷ. Ông vô cùng tự hào khi có rất ít khách hàng phải cho thêm gia vị khi dùng bữa: “Tôi biết nước mỳ của tôi là số một.”
Còn anh Su Kit thì bảo: “Chúng tôi hạnh phúc. Cả nhà có thể cùng làm việc và chúng tôi có chỗ của mình.”
Nhưng rắc rối bắt đầu xuất hiện. Nếu không có gì thay đổi, mà chắc là sẽ không thay đổi, từ ngày 17/4 tới, các hàng rong sẽ không được bán đồ ăn trên vỉa hè phố Soi Thong Lo nữa.
Chính quyền địa phương đã quyết định cấm họ chiếm dụng lối đi, cản trở người đi bộ, gây mất trật tự và tiềm ẩn tệ nạn.
Họ không phải những người bán hàng rong đầu tiên rơi vào hoàn cảnh này: trong hai năm gần đây chính quyền thành phố Bangkok đã giải tỏa gần 15 nghìn quầy hàng rong khỏi các vỉa hè.
Giá thuê chỗ cũng ngày càng cao do bùng nổ thị trường bất động sản nhất là ở khu trung tâm.
Chính quyền Bangkok không đơn độc trong chiến dịch “dọn sạch” đường phố. Chính quyền TP.HCM cũng đang di chuyển những người bán hàng rong ra khỏi các khu vực đông đúc, và “khuyên họ tìm cách mưu sinh khác ổn định hơn”. Ở Jakarta cũng đang diễn ra chuyện tương tự.
Những người bán rong ở Soi Thong Lo đang nháo nhác tìm cách giữ sinh kế. Anh Su Kit suy nghĩ đến bạc cả tóc. Anh đã tìm được một cửa hàng cách đó một phố, nhưng giá thuê đắt quá: 30 nghìn baht một tháng - so với mức phí 1.000 baht anh đang trả cho phường hiện nay - chưa kể 100 nghìn baht đặt cọc.
Ông Luung Pan thì mong ngân hàng gần đó sẽ đồng ý cho ông thuê một phần mặt đường của họ. Jane thì bảo có khi cô về quê ở Chiang Mai phía Bắc Thái Lan.
Nhưng hầu hết những người bán hàng rong ở Bangkok tỏ ra thích ứng rất nhanh. Bị đuổi khỏi đường phố, họ nhanh chóng tập hợp ở các khoảng sân và trong các tầng hầm. Chừng nào người ta vẫn còn cần đồ ăn rẻ và nhanh, cung vẫn sẽ đáp ứng cầu.
Mấy năm trước Singapore cũng gặp tình trạng y hệt và họ đã chuyển những người bán hàng rong vào các khu riêng biệt và thuận tiện, có nước máy và thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cách đó có thể khả thi với một nước nhỏ giàu có, nhưng không lại được với những nước lớn và nghèo như Indonesia hay Myanmar.
Kể cả có khả thi, cách đó cũng không được hoan nghênh. Hàng rong có thể khiến đường phố chật chội và lộn xộn một chút, nhưng nó khiến đời sống đô thị thêm sống động.
Có lẽ chính quyền Bangkok - và chính quyền các thành phố lớn khác trong khu vực - nên nghĩ xa hơn sự bất tiện bề nổi của hàng rong, để thấy được vai trò của nó trong kết cấu của đô thị.
Không ngẫu nhiên mà các xe bán đồ ăn lưu động đang bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên các đường phố ở Mỹ và châu Âu: không phải ai cũng thích sự trịnh trọng của các nhà hàng, và cũng chẳng muốn vương vãi bánh mỳ khi ngồi ăn ngay ở bàn làm việc.
Những người bán hàng rong ở châu Á không chỉ cung cấp đồ ăn ngon và rẻ cho số đông. Họ cũng chính là nhịp đập con tim của nền ẩm thực quốc gia.
Nhưng quan trọng hơn cả, họ tạo nên một cộng đồng: cơ hội cho các công dân thuộc mọi tầng lớp ngồi sát cạnh nhau xì xụp món bún cá. Không còn hàng rong, người ra vẫn sẽ tìm được chỗ nào đó để lấp đầy bụng. Nhưng khó khăn hơn nhiều.
Đại An