Nhưng nhiều người vẫn sợ “tác dụng phụ” của thuốc, hoặc quan niệm “ung thư là không dao kéo” nên từ chối những phương pháp điều trị hiện đại, tìm đến thảo dược với niềm tin chữa hết bệnh, an toàn, không tác dụng phụ. Tuy nhiên, đã có người tiền mất tật mang, thậm chí mất mạng.
|
Cụ M. suýt tử vong vì tùy tiện dùng “thảo dược” có trộn tân dược |
Mới đây, Nguyễn Hoàng L. (ngụ Q.6, TP.HCM) từ giã cõi đời khi mới 20 tuổi khiến bạn bè bàng hoàng. Không ai tin L. ra đi sớm như vậy, nhất là khi cậu phát hiện khối u bạch huyết vùng xương chậu ở giai đoạn không quá muộn.
Trước đó hai tháng, L. cùng nhóm bạn đi phượt ở Đà Lạt, trên đường di chuyển L. bị té xe. Về nhà L. thấy bầm ở chân, hơi sưng như nổi hạch nên nghĩ đó là hậu quả của việc bị té. Mười ngày sau, những vết bầm ngày càng rõ, người hơi mệt nên L. được gia đình đưa đến bệnh viện khám. Bác sĩ xác định L. bị khối u bạch huyết vùng xương chậu giai đoạn sớm, yêu cầu L. nhập viện để hóa trị, xạ trị.
Thế nhưng, sau khi bàn bạc, gia đình L. kiên quyết từ chối điều trị ở bệnh viện vì sợ xạ trị, hóa trị sẽ làm rụng tóc, người xanh xao, đau đớn, ăn uống không được. Gia đình đưa L. đến một ông lang ở Đồng Nai, bốc thuốc nam uống với lời cam kết: hạch biến mất sau một tháng uống thuốc.
Hết thời gian uống thuốc của “thầy”, hạch vẫn còn. L. cũng thấy đau ở vùng nổi hạch kèm theo sốt. Vẫn tin lời “thầy”, gia đình tiếp tục cho em uống thuốc nam thêm một tháng nữa. Chưa hết tháng thứ hai, L. bắt đầu nổi hạch bẹn, cổ, không ăn uống được. Gia đình vội đưa em đến Bệnh viện quốc tế C. khám, bác sĩ cho biết ung thư đã di căn vào gan, phổi, não, không thể điều trị được nữa.
Vài ngày sau L. hôn mê. Ngày 01/11/2017, em ra đi khi mới 20 tuổi. Bác sĩ cho biết, nếu L. được điều trị ngay từ lúc phát hiện bệnh thì ung thư sẽ không tiến triển nhanh, em sẽ không tức tưởi ra đi khi còn bao ước mơ, hoài bão.
|
Thuốc đông dược trôi nổi, không nhãn mác vẫn được rất nhiều người tin dùng |
Nếu người trẻ tìm cách trị bệnh “tự nhiên”, thì người lớn tuổi càng tin vào điều này hơn. Mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TP.HCM tiếp nhận cụ Lê Văn M., 80 tuổi (Q.7) trong tình trạng thập tử nhất sinh cũng vì tùy tiện dùng thảo dược điều trị bệnh đái tháo đường.
Người thân cho biết, cụ M. bị đái tháo đường đã hơn chục năm. Trước đây, cụ phải chích insulin mỗi ngày và đường huyết rất ổn định. Nhưng hơn tháng nay, được người quen mách “chích insulin mất công lắm, uống thuốc này mỗi ngày một viên là dứt bệnh tiểu đường luôn” nên cụ M. mua luôn “thần dược” là những viên màu nâu được đựng trong bịch ni-lông không nhãn mác, nguồn gốc. Mỗi ngày, cụ M. uống một viên theo hướng dẫn với niềm tin hết bệnh và “cải lão hoàn đồng”.
Cách đây vài tuần, cụ M. cảm thấy mệt mỏi, nôn, không ăn uống được. Gia đình đưa cụ đến BV ĐHYD TP.HCM khám. Các kết quả xét nghiệm khiến bác sĩ và người thân của cụ M. bất ngờ: cụ bị suy thận cấp và toan máu nặng với pH=6.8 (tình trạng toan máu nặng rất hiếm gặp, thường chỉ gặp ở người bệnh ngưng thở, ngưng tim rất lâu). Xác định đây là trường hợp rất nặng, đe dọa tính mạng và có thể tử vong bất kỳ lúc nào, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu cấp cứu cho cụ M.
Bất ngờ hơn nữa, sau khi làm các xét nghiệm phân tích thành phần chuyên sâu của loại thuốc mà cụ M. sử dụng, các bác sĩ khẳng định đây không phải là thảo mộc đơn thuần mà chính là Phenformin, một loại thuốc trị đái tháo đường ở thập niên 50-70 của thế kỷ trước, đã bị cấm lưu hành hơn 50 năm nay. Bác sĩ CKI Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV ĐHYD cho biết: “Phenformin là thuốc hàng đầu trị đái tháo đường được đưa vào thị trường năm 1957 tại Mỹ.
Ban đầu thuốc được ưa chuộng vì tác dụng tốt, nhưng bị cấm sản xuất, lưu hành từ năm 1973 vì ghi nhận hàng loạt ca tử vong liên quan đến nhiễm a-xít lactic khi dùng thuốc này. Tình trạng nhiễm toan a-xít lactic rất dễ xảy ra khi người bệnh uống Phenformin kèm các thuốc giảm đau, kháng viêm trị đau nhức, lợi tiểu trị huyết áp cao, hay người bệnh đã có bệnh thận mạn tính do đái tháo đường lâu năm.
Việc điều trị bằng thuốc này dễ xảy ra các tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong, ngay cả ở người trẻ. Đôi khi diễn biến tử vong rất nhanh mà không tìm được nguyên nhân, thậm chí dẫn đến nghi ngờ bị đầu độc.
Ở nước ta cũng như các nước trên thế giới đã cấm lưu hành thuốc này, nhưng vẫn có người trộn thành phần của thuốc vào các viên đông dược không nhãn mác, tạo sự nhầm lẫn rất nguy hại trong cách suy nghĩ và sử dụng của người bệnh và gia đình”.
Bác sĩ Hậu cũng khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường hay bất kỳ bệnh lý nào khác, dù mong muốn điều trị bằng Đông y hay Tây y đều cần đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn điều trị, hướng dẫn sử dụng thuốc một cách khoa học, tránh việc tự ý dùng thuốc có thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Thùy Dương