Tụt cảm xúc vợ chồng, làm sao lấy lại?

21/12/2023 - 15:29

PNO - Nhiều chị em hoang mang khi bản thân không có cảm xúc lúc ân ái với chồng và né tránh chuyện ấy.

Không ít ông chồng chán nản mỗi khi “tới lịch”, vợ cứ bảo “thôi ngủ đi!”. Ngược lại, có chị than “cả tháng ổng không thèm đụng vợ

1.001 lý do "thân ai nấy lo"

Chị Thu Hồng (ngụ quận 12, TPHCM) kể, vợ chồng chị lấy nhau 15 năm, có 2 con, nhưng chị “chưa bao giờ biết lên đỉnh”. Chị không hề có cảm xúc trong chuyện “giường chiếu” với chồng vì “mỗi lần hành sự xong, ổng lăn ra ngủ, không hề quan tâm tới cảm xúc của vợ”. Lớn hơn vợ 10 tuổi, tính tình chồng chị khô khan, lạnh lùng, ít khi thể hiện tình cảm với vợ.

Dịp lễ hay sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, chị chỉ mong được nhận 1 bó hoa chồng tặng mà chưa bao giờ có. Nhiều khi buồn tủi, chị tâm sự để chồng hiểu, quan tâm cảm xúc của vợ hơn. Nhưng chồng chị lại bảo “vẽ chuyện, thích ăn gì ngon thì mua về nấu, hoa hòe chi lãng phí”.

Sáng, chồng đi làm, chị Hồng lo việc nội trợ, đưa đón con học. Tối về, chị lúi cúi trong bếp nấu ăn, còn chồng nằm coi ti vi. Chị không nhận được sự chia sẻ nào từ chồng. Dù vậy, lúc vui, chị dự tính tối sẽ chủ động “quyến rũ” chồng để tăng cảm xúc yêu thương. Nhưng khi nghe chồng vừa bước về nhà, hỏi “giờ này sao chưa nấu cơm?”, hay hoạnh họe “nhà vệ sinh mấy ngày rồi em không cọ rửa à?”, chị mất hết cảm xúc. Chán, chị chẳng muốn nói thêm gì và ngày càng né tránh chồng. Hôm thì chị lấy lý do mệt, hôm thì “chiều ổng cho xong chuyện”. 

Lúc mới cưới nhau, chuyện “chăn gối” của vợ chồng chị Nga (ngụ TP Thủ Đức) rất nồng cháy. Nhưng chỉ được 2 năm đầu khi chưa sinh con và còn ở cùng cha mẹ chồng. Đến khi ra riêng, một tay chị lo chuyện bếp núc, nhà cửa, con cái… lại phải chiều “gu ẩm thực khó chịu” của chồng khiến chị mệt mỏi.

Có hôm, chị nấu dọn cơm xong, chồng chị chê “món này mặn, món kia nhạt” rồi ra ngoài ăn phở một mình. Cách cư xử của chồng dần giết chết cảm xúc trong chị. Trước đây, vợ chồng chị có thể “sinh hoạt” 2 lần/tuần; còn bây giờ, có khi cả tháng chị chẳng muốn chung giường với chồng. “Tôi buồn nhưng nói hoài ổng không thay đổi, không bao giờ vào bếp nấu ăn mà toàn đòi hỏi, khen chê. Tôi ghét tính ích kỷ chỉ biết sở thích của bản thân” - chị Nga bực bội nói. 

Vợ chồng anh Tùng Hưng, chị Khánh Hiệp (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) thì cả 2 năm nay cũng… “phần ai, nấy ngủ”. Nhỏ hơn chồng 1 con giáp và vốn tính hiền lành, dịu dàng nhưng chị Hiệp ngày càng cau có, đanh đá. Trong lần cãi nhau mới đây, chị gọi chồng là “mày” và xưng “tao” khi cả hai đang nóng giận vì hiểu lầm về chuyện tiền bạc. Cách xưng hô mày - tao của 2 vợ chồng thường xuyên xảy ra khi có chuyện bất như ý về người kia.

Dần dần, trong lòng mỗi người đều mất sự tôn trọng dành cho nhau, chuyện ân ái theo đó cũng nguội lạnh. “Năm thuở, mười thì” họ mới ngủ chung, nhưng theo chị Hiệp, cả hai coi chuyện đó như “trả bài cho xong”. Nghe anh Hưng than với mẹ chồng “vợ con chửi hỗn khiến con mất hết cả cảm xúc”, chị Hiệp cũng “kệ, ổng đâu có vừa”.

2 tay cùng vỗ mới kêu

Theo tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia phân viện TPHCM, muốn hạnh phúc trong hôn nhân, cần chú ý cách truyền thông trong gia đình. Có người nghĩ: “Đó là con người thật của tôi. Tôi sống thoải mái với vợ/chồng mình. Lấy nhau rồi không cần giữ ý với nhau, như vậy khách sáo…”.

Song thực ra, cách vợ chồng giao tiếp với nhau thể hiện tình yêu, sự quan tâm nhau. Đôi khi, chỉ 1 câu nói, cử chỉ, ánh mắt có thể làm tình yêu thăng hoa; nhưng cũng 1 câu nói, thái độ không đúng lúc, đúng chỗ có thể dập tắt ngọn lửa cảm xúc của vợ/chồng.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy khuyên:  “Muốn hạnh phúc trong hôn nhân, cần chú ý đến cách truyền thông trong gia đình”
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy khuyên: “Muốn hạnh phúc trong hôn nhân, cần chú ý đến cách truyền thông trong gia đình”

Vợ chồng cần phải giao tiếp, chia sẻ với nhau từ chuyện ăn, ngủ, sinh hoạt, công việc, nuôi dạy con cái, đối nội, đối ngoại… Nếu không biết cách cư xử, giữ lễ với nhau như người xưa nói “phu phụ tương kính như tân”, “vợ chồng trọng nhau như khách quý” thì khó hạnh phúc lâu bền. Xem nhẹ giao tiếp vợ chồng, quan tâm, chia sẻ với nhau thì sẽ đánh mất “ngọn lửa” hạnh phúc.

“Cặp vợ chồng nào ít nhiều cũng có mâu thuẫn. Song, nếu cả hai biết cách nói chuyện lịch sự với nhau thì sẽ có thể hóa giải xung đột. Xưng hô “tao, mày”, chửi nhau trước mặt hay sau lưng cho thấy tình cảm giữa họ không còn” - tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhấn mạnh.

Quan điểm của một nhà tâm lý học nghiên cứu sâu về hôn nhân cho thấy, cặp vợ chồng nào nói chuyện với nhau vui vẻ; giao tiếp hòa hợp, thấu cảm thì họ có thể sống cùng nhau tới già. Ngược lại, cặp nào chỉ mới nói vài câu với nhau là khắc khẩu, không lịch sự thì khả năng cãi nhau, xung đột trong hôn nhân gia tăng. Vì vậy, vợ chồng nên dành ngôn ngữ tích cực, ngôn ngữ tình yêu với nhau; thậm chí cần nói lời khen, cảm ơn, xin lỗi… vì nó có sức mạnh rất lớn. 

 

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thuý

 

Tiến sĩ Thúy dẫn chứng một trường hợp bà từng hỗ trợ: người vợ kém chồng 10 tuổi, cô xưng hô với chồng rất nhẹ nhàng, tình cảm và rất muốn chồng ngọt ngào. Thế nhưng, người chồng lại rất thờ ơ với vợ, ít nói, xưng hô cộc lốc… khiến cô thấy tổn thương, ngày càng xa cách chồng. Đáng nói là, một người đàn ông hàng xóm biết tình cảm vợ chồng kia như vậy đã tán tỉnh và người vợ đã “say nắng”. Dù cô chọn gia đình, nhưng sau 4 năm, người chồng phát hiện chuyện cũ và họ đang bên bờ vực ly hôn. 

“Đôi khi chỉ một sự “lệch pha”, khó tính; cư xử của người chồng không phù hợp hay thiếu sự quan tâm, chia sẻ với bạn đời cũng dễ đẩy người vợ sa vào cám dỗ của người khác. Hay ngược lại, ở nhà người chồng nghe vợ nói năng bốp chát, khi đến cơ quan gặp nữ đồng nghiệp dịu dàng, nói như “rót mật vào tai” thì rất dễ nghiêng ngả. Do đó, không nên coi thường cách cư xử giữa vợ chồng, vì điều này quyết định rất nhiều cảm xúc trong tim của đối tác.

Các cặp cần chú ý tránh suồng sã trong xưng hô, nói năng với nhau để tránh cảnh “gần thường” rồi dẫn tới xa nhau” - bà khuyến cáo và chỉ ra thêm những cặp vợ chồng hạnh phúc đều xưng “anh em”, “ông xã”, “bà xã”, “người yêu”… rất ngọt ngào, nghe “mát lòng, mát dạ”, giúp gắn kết tình cảm vợ chồng, mâu thuẫn nếu có cũng dễ tan. 

Thực tế, có nhiều trường hợp người vợ kỳ vọng, mong muốn, đòi hỏi chồng bày tỏ tình yêu với mình nhưng chính họ lại không thể hiện cho chồng biết là họ yêu chồng. Có người lại coi thường chồng ở điểm nào đó, như: chồng làm ăn thua lỗ, không có khả năng kiếm tiền, hạn chế trong giao tiếp… gây tổn thương “cái tôi” của đàn ông, khiến họ cảm thấy bị xúc phạm dẫn tới chán vợ.

Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, không có cách cư xử giống nhau giữa các cặp vợ chồng, mỗi người phải hiểu rõ tính cách của vợ/chồng mình để có cách cư xử phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu tâm lý của nhau thì cả hai mới có thể hạnh phúc khi ở bên nhau. Lúc này, gia đình là tổ ấm và “người thứ ba” khó xen vào. Đáng lưu ý, thái độ ban cho trong chuyện chăn gối rất nguy hiểm, bởi đây không chỉ là “quyền lợi” mà còn là “nghĩa vụ” của vợ/chồng. Không nên vì lý do nào đó mà “ngăn sông, cấm chợ”; thậm chí có người dùng chuyện ấy để… phạt chồng.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

“Trong đời sống vợ chồng, nếu cả hai giữ được “trụ cột” - yêu thương nhau chân thành và tôn trọng nhau thì ít mắc lỗi giao tiếp, truyền thông trong gia đình. Đây là chìa khóa của hạnh phúc và phải 2 tay cùng vỗ mới kêu. Chuyện ân ái không chỉ là nhu cầu sinh lý mà còn là nhu cầu tâm lý; sự hòa hợp, đồng điệu về tâm hồn. Khi đời sống ân ái viên mãn, các vấn đề khác trong gia đình dễ ổn thỏa, chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không” - tiến sĩ Phạm Thị Thúy phân tích và khuyến nghị các cặp vợ chồng nên nuôi dưỡng tình cảm, cảm xúc vợ chồng bằng giao tiếp phù hợp, chia sẻ với nhau và học cách chấp nhận lẫn nhau.

Khi vợ/chồng chấp nhận con người của nhau, yêu nhau chân thành với con người thật của nhau thì sẽ hạnh phúc; tránh đòi hỏi, yêu cầu quá nhiều ở người bạn đời. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI