"Túp lều kinh nguyệt" - Nỗi kinh hoàng của trẻ em gái ở Nepal

19/10/2022 - 19:09

PNO - Những túp lều "chhau goths" chính là cơn ác mộng của phụ nữ và trẻ em gái ở Nepal mỗi khi họ phải trải qua những "ngày đèn đỏ".

Ramita Rawal (tên nhân vật đã thay đổi vì lý do bảo mật thông tin) đã phải trải qua bốn ngày liên tục chỉ được ăn thức ăn khô và sống với điều kiện thiếu thốn trong một túp lều tạm bợ được dựng lên ở góc vườn.

Túp lều tạm bợ được dựng lên cho những bé gái ở khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt - Ảnh: Poulomi Basu/VII/NPR
Túp lều tạm bợ được dựng lên cho những bé gái ở khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt - Ảnh: Poulomi Basu/VII/NPR

Những túp lều "chhau goths" đáng sợ

Lý do duy nhất khiến cô bé 12 tuổi này phải rời khỏi căn phòng ngủ ấm áp trong ngôi nhà của bố mẹ mình chỉ vì cô đang trong kỳ kinh nguyệt.

Và Ramita không phải là trường hợp cá biệt bởi có hàng trăm ngàn trẻ em gái và phụ nữ trên khắp Nepal cũng đang phải trải qua những ngày ác mộng như cô khi mà chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của phụ nữ ở nước này bị xem là "không trong sạch".

Chính vì vậy, trong những ngày hành kinh, phụ nữ và trẻ em gái thường bị chính những người thân trong gia đình mình ép buộc phải ra sống tại những túp lều hoặc lán nhỏ có tên gọi "chhau goths" được dựng lên một cách tạm bợ với điều kiện sinh hoạt và vệ sinh vô cùng hạn chế.

Không chỉ vậy, trẻ em gái và phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt cũng bị cấm tham gia các hoạt động hàng ngày của gia đình, không được chạm tay vào người khác hay các vật dụng trong nhà. Họ cũng bị cấm vào chùa hoặc tham dự các hoạt động tôn giáo.

"Mọi người thường nghĩ rằng, nếu để một cô gái đang trong kỳ kinh nguyệt chạm vào thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra với họ, chẳng hạn như họ sẽ bị ốm, bị tai nạn hoặc gặp nhiều điều xui xẻo”, Ramita cho biết.

Tục lệ Hindu truyền thống có tên gọi là "chhaupadi" - vốn bị xem là hủ tục - đang gây ảnh hưởng lớn đến quyền được học tập của trẻ em gái bởi ở một số địa phương, trẻ em gái không được phép đến trường khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt. Một báo cáo năm 2020 tiết lộ rằng, cứ bốn trẻ em gái ở Nepal thì có một em bị bắt phải nghỉ học khi vào kỳ “đèn đỏ”.

Những túp lều dành cho phụ nữ và trẻ em gái đang trong chu kỳ kinh nguyệt thường làm bằng bùn và rơm, không đủ an toàn và khiến họ phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ về sức khỏe và những tình huống đe dọa đến tính mạng như: thời tiết nóng bức, ngạt thở do hệ thống thông gió kém, rắn cắn và nạn xâm hại tình dục.

Điều kiện sống thiếu thốn, tạm bợ và thiếu an toàn khiến nhiều trẻ em gái bị nguy hiểm đến tính mạng - Ảnh: Navesh Chitrakar/Reuters
Điều kiện sống thiếu thốn, tạm bợ và thiếu an toàn khiến nhiều trẻ em gái bị nguy hiểm đến tính mạng - Ảnh: Navesh Chitrakar/Reuters

Tầm quan trọng của truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng

Mặc dù rất khó để xác định được con số chính xác, thế nhưng trong 13 năm qua, có ít nhất 15 trường hợp phụ nữ và trẻ em gái tử vong đã được ghi nhận khi họ phải ngủ trong những túp lều "chhau goths" như thế này.

Năm 2005, Tòa án Tối cao Nepal đã nghiêm cấm người dân thực hiện hủ tục chhaupadi, xem đó là hành vi vi phạm nhân quyền. Và kể từ năm 2008, các nhà chức trách đã tiến hành nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.

Vào năm 2017, Quốc hội Nepal cũng đã hình sự hóa hành vi này, quy định mức án ba tháng tù giam hoặc khoản tiền phạt 3.000 rupee (khoản một triệu đồng), hoặc cả hai, áp dụng cho bất kỳ ai thực hiện hành vi ép buộc phụ nữ thực hiện hủ tục "chhaupadi".

Tuy nhiên, những biện pháp này có vẻ như vẫn không đủ để chấm dứt hủ tục vốn vẫn đang tiếp tục duy trì ở nhiều địa phương trên khắp Nepal do những điều mê tín và kiêng kỵ ăn sâu vào suy nghĩ của người dân. Còn các nhà hoạt động xã hội thì tin rằng, chỉ riêng luật pháp thì không đủ để loại bỏ hoàn toàn hủ tục “chhaupadi” ra khỏi đời sống của người dân.

Theo bà Nanda Thapa, Phó chủ tịch khu đô thị BadimalikaThapa thì giải pháp quan trọng nhất chính là cần phải thay đổi hành vi, suy nghĩ của mọi người bằng cách truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh nguyệt và những quan niệm sai lầm xung quanh chủ đề này.

Nữ sinh Nepal học cách sử dụng cốc nguyệt san trong trường học - Ảnh: Clara Garcia/Ortes/ABC News
Nữ sinh Nepal học cách sử dụng cốc nguyệt san trong trường học - Ảnh: Clara Garcia/Ortes/ABC News

“Chúng ta phải bắt đầu từ trường học. Điều quan trọng là phải dạy cho trẻ em hiểu rằng, kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên của người phụ nữ, và không có bất cứ điều bí ẩn nào liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ cả”, bà Nanda giải thích, và nói thêm rằng, cần tạo cơ hội cho mọi người thảo luận cởi mở về chủ đề này nhằm xóa bỏ sự kỳ thị vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Nepal từ lâu nay.

Nguyễn Thuận (theo dw, NPR, ABC News)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI