Tưởng 'yếu', nào ngờ ung thư

07/10/2017 - 16:30

PNO - Do triệu chứng bệnh ung thư tuyến tiền liệt liên quan đến “chuyện tế nhị” nên nhiều người thường che giấu.

Hầu hết bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện ở giai đoạn muộn, việc chữa trị khó khăn, nhiều trường hợp không thể phẫu thuật, trong khi có thể phẫu thuật nội soi xử lý tận gốc bệnh này.

TS-BS Nguyễn Hoàng Đức -Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện (BV)  Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trung bình mỗi tháng BV tiếp nhận 60-90 trường hợp khám tuyến tiền liệt. Có đến 70%  bệnh nhân được chẩn đoán ung thư. 

Tuong 'yeu', nao ngo ung thu

Phát hiện muộn vì ngại khám bệnh

Hơn một năm qua, anh Hứa Minh S. (52 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) trong tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Sau những cơn đau thắt lưng hành hạ, anh thấy mình xuống “phong độ” hẳn. Lên mạng tra cứu, anh  được biết, dấu hiệu đau thắt lưng có liên quan đến thận.

Anh đến tiệm thuốc Đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) mua thuốc tráng dương bổ thận uống. Uống cả tháng, tình hình chẳng khả quan. Vợ anh nghi ngờ chồng “đi lăng nhăng bên ngoài nên về nhà kiệt sức” khiến vợ chồng lục đục. 

Tuong 'yeu', nao ngo ung thu
TS-BS Nguyễn Hoàng Đức khám cho ông C. sau ca mổ

Nhiều lần anh S. đến trước cổng BV, đứng tần ngần rồi trở về vì… ngại. Mãi đến gần đây, những cơn đau thắt lưng ngày càng tăng, anh còn bị tiểu lắt nhắt. Bị vợ “ép” đến BV Đại học Y Dược khám. Kết quả siêu âm hệ tiết niệu - tuyến tiền liệt, xét nghiệm sinh hóa máu, nội tiết tố nam và PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt) cho thấy: anh S. bị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn muộn, di căn.

Gần tới giờ khám, ông Trần Văn B. (74 tuổi, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) vẫn còn cằn nhằn cô cháu gái: “Đã nói nội không bị bệnh gì hết mà bắt đi khám cho mất công, lại tốn kém. Người già  nào không bị khó tiểu, tiểu lắt nhắt”. Lâu nay, người thân và ông đều nghĩ, tình trạng tiểu khó của ông là do tuổi già.

Khi bị đau vùng thắt lưng, khó tiểu, ông  lại kêu đứa cháu ra hiệu thuốc gần nhà mua về uống. Cứ khoảng một tháng ông lại “dập thuốc” ba-năm ngày. “Bệnh tuổi già” của ông B. được các BS khoa Tiết niệu BV Đại học Y Dược xác định: ung thư tuyến tiền liệt đã di căn vào ổ bụng. 

Dễ nhầm lẫn với rối loạn đường tiết niệu

Ung thư tuyến tiền liệt vốn được xem là bệnh của người có tuổi. Vì thế, nhiều người tuổi trung niên ít quan tâm đến căn bệnh nguy hiểm này. Không ít trường hợp, triệu chứng bất thường của cơ thể diễn ra trong thời gian dài, nhưng không chịu đi khám. Một phần vì nghĩ bệnh lý thông thường, một phần vì ngại, nhất là những triệu chứng có liên quan đến “bản lĩnh phái mạnh”. 

Trong khi đó, theo TS-BS Nguyễn Hoàng Đức, tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 12 về mức độ phổ biến và tỷ lệ người mắc ngày càng gia tăng. Dù việc hạn chế tỷ lệ tử vong của bệnh ung thư tuyến tiền liệt từng bước được cải thiện nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán sớm và điều trị, nhưng ung thư tuyến tiền liệt là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong số các bệnh ung thư ở nam giới.

Tuong 'yeu', nao ngo ung thu

Việc phát hiện sớm rất có ý nghĩa với căn bệnh ung thư nói chung, và ung thư tuyến tiền liệt nói riêng. Vì bệnh này phát hiện sớm, khi khối u còn khu trú bên trong tuyến tiền liệt, sẽ có nhiều phương pháp điều trị tận gốc như: mổ mở, mổ nội soi, mổ nội soi ba chiều, mổ nội soi bằng robot…

Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn C. (65 tuổi, Q.5, TP.HCM), trong lần đi khám sức khỏe định kỳ tại BV Đại học Y Dược tình cờ phát hiện bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm, mức độ ác tính thấp. Do khối u chưa xâm lấn, ông C. được phẫu thuật nội soi 3 chiều cắt bỏ tuyến tiền liệt.

Với phương pháp điều trị này, BS có thể quan sát rõ các chi tiết trong lúc mổ và tăng cường khả năng bảo tồn cơ thắt niệu đạo, hạn chế nguy cơ mất kiểm soát tiểu sau mổ, không ảnh hưởng đến ổ bụng và ruột nên nhanh hồi phục sức khỏe sau mổ.

Tuong 'yeu', nao ngo ung thu

TS-BS Nguyễn Hoàng Đức cho biết, ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm không có triệu chứng đặc biệt. Đa số người bệnh đều có một số dấu hiệu chung của rối loạn đường tiết niệu như: tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu không hết… Vì thế dễ nhầm lẫn với một số bệnh gây rối loạn đường tiết niệu.

Đặc biệt, một số trường hợp có triệu chứng như bị rối loạn cương dương. Ung thư tuyến tiền liệt chỉ có thể phát hiện dựa trên thăm khám và xét nghiệm PSA. Nam giới trên 55 tuổi nên đi khám sức khỏe tuyến tiền liệt định kỳ để được phát hiện và điều trị sớm. 

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, người càng lớn tuổi càng dễ bị ung thư tuyến tiền liệt. Trung bình cứ 200.000 nam giới ở tuổi 40 thì có một người mắc bệnh. Ở độ tuổi đầu 50, tỷ lệ là 12/200.000. Đến tuổi 60, cứ 10.000 đàn ông thì có 12 người được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI