Tưởng thuốc ngủ là kẹo, bé 2 tuổi nhai một lúc 3 viên và ngộ độc

06/07/2019 - 11:43

PNO - Thấy thuốc ngủ có sẵn trong nhà, bé N.V.V. (2 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) liền lấy 3 viên cho vào miệng nhai. Kết quả, cháu nhập viện trong tình trạng li bì, mê mệt do ngộ độc thuốc ngủ.

Ngày 6/7, bác sĩ Cao Thu Quế - khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) - cho biết bệnh viện này vừa tiếp nhận bé N.V.V. (2 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) ngủ li bì, mê mệt, lay không thức do nhai đến 3 viên thuốc ngủ Rotunda có sẵn trong nhà. 

Các bác sĩ xác định bé V. bị ngộ độc thuốc ngủ Rotunda nên tiến hành rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính và truyền dịch. Hiện, sức khỏe bệnh nhi hồi phục tốt.

Bác sĩ Cao Thu Quế cho biết: “Việc trẻ bị ngộ độc thuốc ngủ rất dễ xảy ra bởi nhiều loại thuốc có những màu sắc bắt mắt khiến bé nhầm là kẹo. Trong khi đó cha mẹ lại thiếu kiến thức hoặc chủ quan để thuốc trong tầm với của trẻ, đặc biệt là các loại thuốc an thần".

Tuong thuoc ngu la keo, be 2 tuoi nhai mot luc 3 vien va ngo doc
 

Nếu trẻ uống nhầm thuốc thì vô cùng nguy hiểm, có thể gây rối loạn nhịp tim. Hơn nữa hệ thống thần kinh của trẻ đang hoàn thiện, việc uống nhầm thuốc có thể gây ra tình trạng hôn mê sâu dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Khi bắt gặp trẻ uống nhầm thuốc, gia đình cần bình tĩnh, tìm hiểu về loại thuốc đã uống nhầm, với lượng bao nhiêu vì mỗi loại thuốc sẽ có những biểu hiện lâm sàng và cách xử trí khác nhau.

Giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng để các chất trong dạ dày không trào vào đường thở (khí quản), tuyệt đối không đặt bé ở tư thế nằm. Việc cần làm tiếp theo là ngăn chặn việc hấp thụ thuốc bằng cách móc họng gây nôn để một phần thuốc ra ngoài.

Đồng thời, cho trẻ uống nhiều nước ấm, rồi lại tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt tác hại của thuốc.

Theo các bác sĩ, sơ cứu ban đầu này rất quan trọng vì quãng đường từ nhà đến bệnh viện phải mất một thời gian, nếu để lâu sẽ càng gây tác hại. Sau sơ cứu ban đầu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc.

Khi chuyển trẻ tới bệnh viện, gia đình cần mang theo vỏ loại thuốc trẻ uống nhầm hoặc dịch nôn để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI