Câu hỏi cuối kết thúc tranh luận: “Vì sao cử tri nên bầu cho ông/bà?”
Câu hỏi cuối cùng trong đêm tranh luận cho 2 ứng viên là: "Vì sao cử tri nên bầu cho ông/bà?".
"Tôi muốn tiếp cận tất cả người Mỹ, dù là Dân chủ hay Cộng hòa, chúng ta cần tất cả mọi người xây dựng nước Mỹ. Tôi sẽ đứng dậy hoạt động vì quyền lợi gia đình, thu nhập tốt hơn, công việc, cơ hội phát triển của trẻ em", bà Clinton nói.
Trump nói: "Từ đầu chiến dịch của chúng tôi tập trung vào xây dựng nước Mỹ vĩ đại trở lại.Tôi sẽ nỗ lực hơn cải thiện cuộc sống người Mỹ gốc Phi và Latin, trong khi bà Clinton nói nhiều nhưng không làm được gì. Không có trật tự gì khi người dân đi ra đường và bị bắn". "Người Mỹ không thể chịu đựng thêm 4 năm như thời Barack Obama nữa, và nếu chúng ta bầu cho bà ấy, chúng ta lại có Obama", Trump nói và chỉ tay về phía Clinton.
Lần này bà Clinton rời sân khấu mà không bắt tay chào tạm biệt Trump.
|
Kết thúc tranh luận, hai ứng viên không bắt tay nhau mà bắt tay người điều phối chương trình và xuống hàng ghế khán giả. |
|
Kết thúc tranh luận, hai ứng viên không bắt tay nhau mà bắt tay người điều phối chương trình và xuống hàng ghế khán giả. |
09h20': Mỹ có đưa quân trở lại Iraq, chống IS?
Người đều phối chuyển sang chủ đề về các điểm nóng quốc tế, chất vấn rằng nếu Iraq đánh bật Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khỏi Mosul và cả Iraq, chính sách của ông bà tiếp theo là gì? Liệu các ông, bà có đưa quân Mỹ đến lấp vào khoảng trống đề phòng IS quay lại không? "Đó không phải là điều thông minh", bà Clinton nói. "Nên để người Iraq tự quyết định. Chúng ta cũng cần thúc giục quân đội Syria tấn công vào trụ sở chính của IS. Chúng ta vẫn còn nhiều điều để làm, Syria vẫn là nơi hoạt động lý tưởng của khủng bố cũng như cuộc nội chiến đang diễn ra ở đây".
|
Clinton kêu gọi khán giả truy cập Google để tìm kiếm những tuyên bố trước đây của Trump về Iraq. |
Với câu hỏi tương tự, Trump cho rằng "chúng ta đáng lẽ không bao giờ nên tới Iraq; một khi đã ở đó, sẽ không thể rời đi được". Clinton cho rằng một khi đã đuổi IS khỏi Iraq, người Mỹ có thể chuyển sang lo lắng về Syria. Tuy nhiên, ông Trump cho rằng từ đâu người Mỹ đã không được gì từ việc can thiệp vào Iraq.
09h15': Gian lận trong bầu cử
Khi người điều phối Chris Wallace (ảnh) hỏi Trump: “Liệu ông có tôn trọng kết quả bầu cử không?”. "Tôi sẽ nghiên cứu vào thời điểm đó", Trump nói, đồng thời lặp lại cáo buộc quy trình bầu cử gian lận.
Người điều phối nhắc lại truyền thống đoàn kết sau mỗi cuộc bầu cử và quy trình chuyển giao trong hòa bình, Trump lặp lại câu trả lời "sẽ xem xét vào thời điểm đó". Trump cũng chỉ trích giới truyền thông. "Họ đã đầu độc tâm trí cử tri. Nhưng không may mắn là các cử tri đã nhìn thấu điều này".
|
Ông Trump dừng lại uống nước giữa cuộc tranh luận căng thẳng. Ảnh: Getty |
"Cái suy nghĩ này (chuyện bầu cử gian lận) nghe rất buồn cười, nhưng đầu óc Trump đúng là như vậy đấy", Clinton mỉa mai. Bà cũng nhắc lại tuyên bố gần đây của Tổng thống Obama về ông Trump rằng "khi ông ta liên tục than vãn, chỉ trích cuộc bầu cử, việc đó nghĩa là ông không đủ phẩm chất đảm nhận công việc".
09h11': Tiếp tục công kích thuế cá nhân
Trump cáo buộc các hành động của Quỹ Clinton tại Haiti không đem lại lợi ích gì cho người dân ở đây và "dân Haiti ghét Clinton". "Đừng nghe những lời Trump nói về từ thiện, chúng ta không thể biết nó có đúng hay không, vì ông ta có công khai hồ sơ thuế đâu", Clinton phản công.
Ngoài ra, bà cũng nói rằng ông Trump trong gần 20 năm qua không đóng khoản thuế thu nhập nào nhưng gần một nửa người nhập cư trái phép đã đóng thuế. "Những người nhập cư không giấy tờ này đóng thuế nhiều hơn cả vị tỷ phú".
09h02': Trump: "Không ai tôn trọng phụ nữ nhiều như tôi"
Người điều phối hỏi Trump về những phụ nữ cáo buộc ông quấy rối tình dục. "Tôi không biết những người này. Các câu chuyện đều bị dựng lên. Tôi nghĩ chiến dịch của bà Hillary đã làm điều này", vị tỷ phú nói. Sau đó, ông cáo buộc Tổng thống Obama và bà Clinton thuê người để kích động bạo lực tại các buổi vận động của ông.
Phản hồi các phát biểu của bà Clinton, Trump nói: "Không ai tôn trọng phụ nữ nhiều như tôi". Nhiều tiếng cười phát lên từ hàng ghế khán giả.
|
Trump: "Không ai tôn trọng phụ nữ nhiều như tôi" |
Bà Clinton đáp rằng: "Tất cả chúng ta đều biết ông ấy đã nói và làm gì với phụ nữ, nhưng Donald chưa bao giờ xin lỗi họ. Ông tấn công những gia đình quân nhân, các binh sĩ đang chiến đấu và hy sinh ngoài chiến trường, một thẩm phán liên bang. Donald có một tầm nhìn rất nguy hiểm cho đất nước".
08h55': 'Nếu Clinton trở thành tổng thống, nước Mỹ sẽ hỗn loạn'
Nói về lý do phản đối TPP, bà Clinton nói bản thỏa thuận cuối cùng không đúng theo ý bà. "Người duy nhất trên sân khấu này chuyển việc sang Mexico chính là Trump. Ông ta tuồn công việc ra 12 nươc. Ông ta mua thép và nhôm từ Trung Quốc. Khách sạn của ông ta là từ thép Trung Quốc".
Trump lạnh lùng đáp trả: "Tôi chỉ mỏi câu đơn giản, bà ấy đã làm việc 30 năm. Cái mà bà có hơn tôi là kinh nghiệm, nhưng đó là kinh nghiệm tồi". "Tôi muốn so sánh 30 năm phụng sự đất nước của tôi, đi khắp nơi, giúp đỡ các gia đình, với 30 năm của ông Trump, và để công chúng quyết định", Clinton thách thức. "Tôi đã xây dựng một công ty vĩ đại", Trump đáp lại. "Và hãy nhìn thành tích của bà ấy, Iraq, Libya. Bà ấy đang mang IS đến chỗ chúng ta", ông cáo buộc. Nếu bà Hillary trở thành tổng thống, Mỹ sẽ trở thành một mớ hỗn loạn, tin tôi đi", Trump nói.
08h45': Đấu khẩu về thuế
Theo bà Clinton, nhiều công việc sẽ được tạo ra từ những ngày mới như năng lượng sạch. Mặt khác, phụ nữ cần được trả lương bình đẳng như nam giới. Clinton cũng nói rằng bà muốn miễn học phí cho các trường đại học.
Trump: "Kế hoạch (về tăng thuế) của bà ấy là thảm họa. Hàng loạt khoản thuế sẽ được tăng dưới thời Hillary. Clinton muốn miễn học phí đại học, nhưng cả nước sẽ phải chịu gánh nặng này". Trump nói ông không phản đối tự do thương mại nhưng sẽ đàm phán lại các hiệp định tự do. Ông cũng tuyên bố sẽ giảm thuế.
"Chúng ta đã thử giảm thuế cho người giàu rồi, việc đó không hiệu quả", Clinton phản bác. Clinton nói Trump có thể khiến Mỹ mất ba triệu việc làm vì kế hoạch giảm thuế đối với giới nhà giàu của Trump.
08h37': Bà Clinton cáo buộc Nga tấn công mạng Mỹ
Bà Clinton cáo buộc chính phủ Nga tấn công website, tài khoản email người Mỹ và cung cấp các thông tin họ lấy được cho WikiLeaks. "Cuộc tấn công mạng của chính phủ Nga được ra lệnh từ cấp cao, cụ thể là ông Putin", bà Clinton tuyên bố. "Cuối cùng thì liệu Trump có thừa nhận nước Nga đứng sau vụ hack này không? Liệu ông ta có từ chối Putin hay không?". "Chuyển hướng giỏi đấy", Trump nói và những người trong khán phòng cười ồ lên.
|
Bà Clinton cáo buộc Nga tấn công mạng Mỹ |
Bà Clinton cáo buộc "Tổng thống Putin muốn một con con rối làm tổng thống Mỹ". Trump đáp: "Không phải tôi. Bà mới là con rối". "Putin giỏi hơn cả bà lẫn Obama, mọi mặt", Trump to tiếng với Clinton. Trump nói bà Clinton không thích Tổng thống Putin "vì ông ta thông minh hơn trong mọi bước đi, như ở Syria". Người điều phối hỏi Trump: Ông có phản đối sự can thiệp nào của nước Nga không? "Dù là Nga hay bất kỳ ai thì tôi đều phản đối", Trump nói.
|
Trump: "Putin giỏi hơn cả bà lẫn Obama |
08h30': Chủ đề nhập cư
Trump nói: "Chúng ta cần một biên giới vững mạnh hơn. Hillary muốn mở cửa biên giới và đón hàng chục nghìn người tị nạn. Cử tri ở North Hampshire mà tôi gặp hôm qua đều nói rằng các chính sách của ông Obama và bà Clinton mang lại nhiều rắc rối". "Tôi muốn xây dựng bức tường, củng cố biên giới".
Clinton nói rằng bà không muốn chia rẽ các gia đình, bà không muốn những người cha mẹ phải rời khỏi nước Mỹ trong khi con họ phải ở lại (vì sinh ra ở Mỹ). Clinton nói rằng bà sẽ cải cách vấn đề người nhập cư. "Tôi ủng hộ thắt chặt an ninh biên giới nhưng nó hoàn toàn khác với những điều mà Trump đề xuất", bà Clinton nói.
08h24': Quyền phá thai của phụ nữ
Vấn đề tiếp theo người dẫn chương trình đưa ra liên quan đến Tòa án tối cao là quyền phá thai của phụ nữ.
Bà Clinton phản đối việc Tòa án tối cao bác bỏ quyền này, cho rằng đây là một trong những quyết định khó khăn nhất của một người phụ nữ, và không nên ngăn họ thực hiện quyền của mình.
Trong khi đó, ông Trump thì cho rằng nếu Tòa án tối cao bác bỏ quyền này thì quyền quyết định thuộc về mỗi bang. Trump cho rằng luận điểm của bà Hillary đồng nghĩa với việc người ta có thể "lôi đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ khi thai đã 9 tháng" và việc đó là không thể chấp nhận được.
Người điều phối cuộc tranh luận lần này là nhà báo Chris Wallace của đài Fox News. Fox News vốn có xu hướng thân đảng Cộng hòa, vì vậy, ông Trump lần này sẽ khó có cơ hội chỉ trích người điều phối thiên vị bà Hillary như những lần tranh luận trước.
08h04': Cuộc tranh luận chính thức BẮT ĐẦU
Tranh luận phần 1: Tu chính án thứ 2 về vấn đề súng đạn
Câu hỏi đầu tiên từ người điều phối Chris Wallace là về tòa án tối cao Mỹ: "Ông/bà muốn chứng kiến tòa án đưa đất nước chúng ta đến đâu và quan điểm của ông/bà về cách diễn giải hiến pháp?".
Hillary Clinton là người trả lời đầu tiên. Theo bà Clinton, Tòa án tối cao là vấn đề trung tâm của cuộc bầu cử. Tòa án nên đứng về phía người Mỹ, thay vì các tổ chức hoặc cá nhân giàu có. Người mà cựu Ngoại trưởng muốn đề cử phải là người đứng về người dân. Bà cũng cho rằng Quốc hội có thể đồng ý hay không về người mà Tổng thống Obama đề cử, nhưng họ phải xúc tiến quy trình cân nhắc đề cử của ông Obama.
Ông Trump nói tòa án cần ủng hộ Tu chính án thứ 2 quy định về quyền tự do sở hữu súng của người dân. Lần này, ông Trump trả lời câu hỏi một cách thuyết phục và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trump nói ông sẽ đề cử những thẩm phán có xu hướng bảo thủ, là những học giả xuất chúng để bảo về quyền sở hữu súng và diễn giải hiến pháp đúng với ý đồ của những người sáng lập ra.
|
Hai ứng cử viên liên tục thăm dò nhau |
Người điều phối đặt câu hỏi bật ngược bà Clinton khi lặp lại một phát biểu của bà rằng: "Tòa án tối cao đã nhận định sai về Tu chính án thứ 2". Đáp lại, bà Clinton tái khẳng định bà ủng hộ Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ về việc sở hữu súng. Nhưng bà cũng nói về hàng chục ngàn người chết ở Mỹ mỗi năm vì súng và chúng ta cần kiểm tra kỹ hơn về người mua súng. Việc này không trái với hiến pháp.
Trump công kích Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, người từng gọi ông là một "tên lừa đảo" nhưng sau đó đã xin lỗi vì phát ngôn bất ngờ của mình về chính trị. "Những thẩm phán mà tôi sẽ chỉ định, tôi đã nêu tên khoảng 20 người, họ sẽ phản đối phá thai và án tử", ông cho biết thêm. "Họ sẽ có xu hướng bảo thủ" và "họ sẽ bảo vệ Tu chính án thứ hai". "Họ sẽ truyền tải hiến pháp theo cách mà những người sáng lập mong muốn và tôi tin rằng điều đó rất rất quan trọng", nhà tài phiệt New York nhấn mạnh. Ông nhấn mạnh, nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông sẽ chỉ định một người “theo trường phái bảo thủ nhưng mềm mỏng và có hiểu biết sâu sắc” để bảo vệ luật sở hữu súng và diễn giải Hiến pháp theo cách mà những nhà lập quốc Mỹ mong đợi.
Còn theo bà Clinton, Tòa án Tối cao vẫn phải “đứng về phía người dân Mỹ chứ không phải là các tập đoàn hoặc những người giàu có”. Bà Clinton viện dẫn vụ kiện lịch sử Roe và Wade về bình đẳng trong hôn nhân để nhấn mạnh thông điệp rằng: “Tòa án phải đại diện cho tất cả chúng ta”. Câu trả lời của ông Trump được cho là đi đúng trọng tâm dù không có những lời lẽ gây sốc như trong những lần tranh luận trước trong khi câu trả lời của bà Clinton được đánh giá là chỉn chu nhưng nhàm chán.
8h: Chuẩn bị vào tranh luận
|
Hai ứng cử viên không bắt tay nhau trước khi vào Hội trường |
|
Các con và vợ của Donald Trump, bà Melania (đi đầu), bước vào hội trường. Ảnh: Reuters |
|
Đồng Chủ tịch Ủy ban bầu cử Tổng thống Frank Fahrenkopf và Mike McCurry phát biểu khi chỉ còn ít phút nữa cuộc tranh luận thứ ba diễn ra. Ảnh: Reuters
|
07h55': Khách mời
Trong số khách mời của ông Trump đáng chú ý có ông Malik Obama, một người họ hàng của Tổng thống Obama nhưng lại ủng hộ nhiệt thành cho tỷ phú Mỹ và Đảng Cộng hòa. Ngoài ra, ông Trump cũng mời bà Patricia Smith, người có con trai thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố Lãnh sự quán Mỹ ở Beghazi, Libya năm 2012 - thời điểm bà Clinton còn là Ngoại trưởng Mỹ - đến tham dự cuộc tranh luận.
Nhà Trắng ra phản ứng về việc Donald Trump mời Malik Obama, anh trai cùng cha khác mẹ của Tổng thống, đến dự buổi tranh luận. Người phát ngôn của tổng thống Obama nói tổng thống "không nghĩ nhiều" về việc liệu người anh có đến dự hay không. Người phát ngôn cũng nói hai anh em không có mối quan hệ thân thiết. Trong khi đó, khách mời của bà Hillary Clinton dù là những nhân vật có tiếng tăm như CEO Hewlett-Packard Meg Whitman hay tỷ phú Mark Cuban vẫn bị đánh giá là “khá nhàm chán” và “không có gì đáng chú ý”.
Trước giờ G
Cuộc tranh luận sẽ chia thành 6 phần, mỗi phần 15 phút với một chủ đề khác nhau. Những vấn đề dự kiến sẽ được đưa ra 'mổ xẻ' trong cuộc tranh luận cuối cùng sẽ là nợ công và các quyền pháp lý, nhập cư, kinh tế, tòa án tối cao, các điểm nóng trên thế giới và tiêu chuẩn thích hợp để trở thành Tổng thống.
Cuộc đối đầu được phát trực tiếp trên hầu hết các kênh truyền hình lớn ở Mỹ như Fox News, CNN hay MSNBC, cũng như trên mạng xã hội Youtube và Twitter.
Buổi tranh luận sẽ do Chris Wallace, người dẫn chương trình Fox News Sunday, chủ trì, Wallace từng ba lần đoạt giải Emmy ở hạng mục người dẫn chương trình xuất sắc nhất nước Mỹ và nổi tiếng với phong cách chất vấn quyết liệt.
|
Hội trường diễn ra cuộc tranh luận. Ảnh: Chip Somodevilla |
|
Phi cơ chở hai ứng viên Tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton tại sân bay ở thành phố Las Vegas, bang Nevada, ngày 18/10. Ảnh: Reuters. |
|
Bảng hiệu tại sân bay McCarran, Las Vegas, Nevada chào đón cuộc tranh luận. |
Minh Châu